Theo quy định pháp luật, khi thực hiện mua bán nhà đất/chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, các bên mua bán phải công chứng/chứng thực hợp đồng để làm căn cứ thực hiện đăng ký biến động/sang tên quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở. Khi công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, người yêu cầu công chứng phải trả các khoản phí theo thỏa thuận và theo quy định pháp luật.
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi dự định mua một thửa đất đã có nhà trên đất đã được cấp sổ hồng. Chúng tôi đã thỏa thuận với nhau các vấn đề về giá, thuế, đặt cọc, bên làm sang tên…Chúng tôi dự định công chứng hợp đồng mua bán này.
Tuy nhiên, tôi phân vân không rõ chi phí công chứng hết bao nhiêu?
Xin trân trọng cảm ơn.
Chào bạn, chi phí công chứng hợp đồng mua bán nhà đất được thực hiện theo quy định của Luật Công chứng 2014 và các văn bản có liên quan. Cụ thể, với những thắc mắc về chi phí công chứng hợp đồng mua bán nhà đất của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:
Phí công chứng khi mua bán nhà đất hiện nay là bao nhiêu?
Hiện nay, việc công chứng hợp đồng mua bán nhà đất phải chịu các chi phí theo quy định của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất, Luật Công chứng 2014 và Thông tư 257/2016/TT-BTC.
Theo đó, các khoản thu mà tổ chức hành nghề công chứng (văn phòng công chứng/phòng công chứng) được thu bao gồm:
Một là, phí công chứng (Điều 66 Luật Công chứng 2014): Đây là mức phí được thu khi người yêu cầu công chứng phải trả cho tổ chức hành nghề công chứng để họ thực hiện công việc chứng nhận hợp đồng/giao dịch, cấp bản sao hợp đồng/giao dịch cho người yêu cầu công chứng…Đây là khoản thu hiện nay được tính theo quy định tại Thông tư 257/2016/TT-BTC và tùy thuộc vào mức giá chuyển nhượng mà mức thu này có sự khác biệt.
Khoản 2 Điều 4 Thông tư 257/2016/TT-BTC quy định về căn cứ để tính thu phí công chứng hợp đồng mua bán nhà đất như sau:
2. Mức thu phí công chứng hợp đồng, giao dịch được xác định theo giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch:
a) Mức thu phí đối với việc công chứng các hợp đồng, giao dịch sau đây được tính như sau:
a1) Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng, cho, chia, tách, nhập, đổi, góp vốn bằng quyền sử dụng đất: Tính trên giá trị quyền sử dụng đất.
a2) Công chứng hợp đồng chuyển nhượng, tặng, cho, chia tách, nhập, đổi, góp vốn bằng quyền sử dụng đất có tài sản gắn liền với đất bao gồm nhà ở, công trình xây dựng trên đất: Tính trên tổng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản gắn liền với đất, giá trị nhà ở, công trình xây dựng trên đất.
a3) Công chứng hợp đồng mua bán, tặng cho tài sản khác, góp vốn bằng tài sản khác: Tính trên giá trị tài sản.
…
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tạm nhận định rằng, tài sản bạn nhận chuyển nhượng bao gồm cả quyền sử dụng đất và nhà ở trên đất, do đó, căn cứ tại điểm a2) nêu trên, giá để tính phí công chứng là tổng giá trị chuyển nhượng đất và nhà trên đất được ghi trên hợp đồng của bạn. Tùy thuộc vào giá trị đó mà mức phí công chứng được tính khác nhau, cụ thể theo bảng sau:
Giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch | Mức thu (đồng/trường hợp) |
Dưới 50 triệu đồng | 50 nghìn |
Từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng | 100 nghìn |
Từ trên 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng | 0,1% giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch |
Từ trên 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng | 01 triệu đồng + 0,06% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 01 tỷ đồng |
Từ trên 03 tỷ đồng đến 05 tỷ đồng | 2,2 triệu đồng + 0,05% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 03 tỷ đồng |
Từ trên 05 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng | 3,2 triệu đồng + 0,04% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 05 tỷ đồng |
Từ trên 10 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng | 5,2 triệu đồng + 0,03% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 10 tỷ đồng. |
Trên 100 tỷ đồng | 32,2 triệu đồng + 0,02% của phần giá trị tài sản hoặc giá trị hợp đồng, giao dịch vượt quá 100 tỷ đồng (mức thu tối đa là 70 triệu đồng/trường hợp). |
Hai là, thù lao công chứng (Điều 67 Luật Công chứng 2014): Đây là các khoản mà người yêu cầu công chứng phải trả cho cơ quan có thẩm quyền công chứng/tổ chức hành nghề công chứng để họ thực hiện các công việc như soạn thảo hợp đồng, đánh máy, in ấn, sao chụp, dịch văn bản…và các công việc khác phục vụ cho việc công chứng.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất quy định mức trần (mức cao nhất) thù lao công chứng mà các văn phòng công chứng/phòng công chứng được phép thu của người yêu cầu công chứng khi họ yêu cầu công chứng viên thực hiện công chứng (chứng nhận) giao dịch mua bán đất đai. Một số ví dụ:
- Mức trần thù lao công chứng tại Hà Nội là 01 triệu đồng/giao dịch mua bán đất (Quyết định 10/2016/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội);
- Mức trần thù lao công chứng tại thành phố Hồ Chí Minh là 300.000 đồng đối với các giao dịch mua bán nhà đất phức tạp và 70.000 đồng đối với các giao dịch mua bán nhà đất đơn giản (Quyết định 08/2016/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh);
- Mức trần thù lao công chứng tại tỉnh Quảng Ninh là 200.000 đồng/giao dịch mua bán đất đai (mức thù lao này đã bao gồm thuế giá trị gia tăng) (Quyết định 1916/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh).
Ba là, các chi phí khác (Điều 68 Luật Công chứng 2014): Đây là khoản thu mà người yêu cầu công chứng phải trả cho văn phòng công chứng/phòng công chứng theo thỏa thuận giữa hai bên để văn phòng công chứng/phòng công chứng thực hiện các công việc như giám định, xác minh hồ sơ/điều kiện công chứng, hoặc việc ký ngoài trụ sở/ngoài giờ hành chính. Vì là khoản thu theo thỏa thuận, do đó không có mức quy định cụ thể.
Ngoại lệ, có địa phương quy định mức chi phí ký ngoài trụ sở làm việc của các văn phòng công chứng/phòng công chứng.
Như vậy, khi thực hiện ký hợp đồng mua bán nhà đất có công chứng, người yêu cầu công chứng phải chịu các khoản chi phí là: Phí công chứng, thù lao công chứng và các chi phí khác (nếu có). Tùy thuộc mức giá trị của tài sản và yêu cầu cụ thể của người yêu cầu công chứng mà mức phí này có sự khác biệt. Do chưa nhận được đầy đủ thông tin về trường hợp mua bán nhà đất của bạn, nên căn cứ vào những giải đáp mà chúng tôi nêu trên, bạn tính toán cụ thể mức phí công chứng hợp đồng của mình.
Ai chịu phí công chứng khi mua bán nhà đất?
Căn cứ quy định tại Luật Công chứng 2014, người yêu cầu công chứng là người phải chịu các khoản phí công chứng nêu trên. Vậy người yêu cầu công chứng là bên bán hay bên mua? Pháp luật công chứng không quy định người yêu cầu công chứng phải là bên bán hay là bên mua trong hợp đồng mua bán nhà đất, do vậy, bên bán hoặc bên mua đều có thể là người yêu cầu công chứng.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng không cấm các bên (bên bán, bên mua) được thỏa thuận để trả phần chi phí này cho tổ chức hành nghề công chứng. Đồng thời, thực tế cho thấy, nhiều hợp đồng mua bán nhà đất được ký kết là do cả hai bên cùng yêu cầu văn phòng công chứng/phòng công chứng thực hiện.
=> Do vậy, từ những căn cứ và phân tích nêu trên, bên bán hoặc bên mua là bên chịu chi phí công chứng; hoặc các bên có thể tự thỏa thuận về việc cùng trả chi phí công chứng.
Kết luận: Pháp luật quy định người yêu cầu công chứng là người phải chịu khoản chi phí công chứng này. Tuy nhiên, người yêu cầu công chứng có thể bao gồm cả bên bán và bên mua hoặc một trong hai bên và pháp luật không cấm việc các bên thỏa thuận về việc chiụ chi phí công chứng. Vậy nên, một trong hai bên hoặc cả hai bên đều có thể là người chịu khoản chi phí công chứng này.
Trên thực tế, để đảm bảo đúng quy định, tổ chức hành nghề công chứng căn cứ vào phiếu yêu cầu công chứng để yêu cầu người có yêu cầu công chứng được ghi trong phiếu yêu cầu công chứng chi trả khoản phí này.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về phí công chứng khi mua bán nhà đất, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.