hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 31/07/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất là bao nhiêu?

Phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất là bao nhiêu? Có những cách xử lý tài sản bảo đảm nào theo quy định? Cùng HieuLuat tìm hiểu trong bài viết sau.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, xin hỏi phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất tại cơ quan Nhà nước là bao nhiêu?

Mức phí này có phân biệt ở các tỉnh thành phố không? Đất của tôi ở Hà Nội mà tôi đăng ký thường trú ở Bắc Ninh thì tính như thế nào?

Nếu trường hợp phải xử lý, thì việc xử lý tài sản bảo đảm là nhà đất được thực hiện theo những cách thức nào?

Chào bạn, phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất được tính thế nào, có bao nhiêu cách xử lý tài sản bảo đảm là những vướng mắc được chúng tôi giải đáp như dưới đây:

Phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất là bao nhiêu?

Trước hết, căn cứ khoản 21 Điều 2 Thông tư 85/2019/TT-BTC, phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất là một trong những khoản phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất quy định.

Căn cứ điểm d khoản 3 Điều 1 Thông tư 106/2021/TT-BTC, đây là khoản phí được thu khi người yêu cầu nộp hồ sơ đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.

Khoản phí này được địa phương thu dựa trên hồ sơ đăng ký hoặc số lượng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc số thửa đất, tài sản gắn liền với đất được chứng nhận trên một giấy chứng nhận trong hồ sơ đăng ký hoặc các trường hợp khác phù hợp với từng địa phương.

Mục đích thu khoản phí này là nhằm bù đắp chi phí khi thực hiện công việc, dịch vụ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và bù đắp cho hoạt động thu phí.

Điều này cũng có nghĩa rằng, từng địa phương sẽ có những quy định khác nhau về mức phí này.

Chúng tôi cung cấp cho bạn đọc một số mức phí đăng ký giao dịch bảo đảm là thế chấp quyền sử dụng đất tại một số địa phương như sau:

Địa phương

Mức thu phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất

Căn cứ pháp lý

Thành phố Hà Nội

60.000 đồng/hồ sơ

Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội

Thành phố Hồ Chí Minh

  • 25.000 đồng/hồ sơ (nếu chỉ có đất);

  • 60.000 đồng/hồ sơ (nếu có cả đất và tài sản trên đất)

Nghị quyết 01/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

Tỉnh Bắc Ninh

80.000 đồng/hồ sơ

Nghị quyết 38/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh

Tỉnh Bắc Giang

80.000 đồng/hồ sơ

Nghị quyết 11/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang

Thành phố Đà Nẵng

Đối với cá nhân:

  • 120.000 đồng/hồ sơ (nếu chỉ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất);

  • 120.000 đồng/hồ sơ (nếu chỉ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất);

  • 210.000 đồng/hồ sơ (đăng ký thế chấp cả đất và tài sản gắn liền với đất);

Đối với tổ chức:

  • 390.000 đồng/hồ sơ (nếu chỉ đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất);

  • 390.000 đồng/hồ sơ (nếu chỉ đăng ký thế chấp tài sản gắn liền với đất);

  • 500.000 đồng/hồ sơ (đăng ký thế chấp cả đất và tài sản gắn liền với đất);

Nghị quyết 83/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

80.000 đồng/hồ sơ

Nghị quyết 62/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Như vậy, khoản phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất được quy định khác nhau đối với từng địa phương có đất.

Đây là khoản phí được thu theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất và có thể có sự khác biệt giữa người sử dụng đất, người sở hữu tài sản là cá nhân, tổ chức.

Điều này cũng có nghĩa rằng, đất ở đâu thì sẽ tính thu phí ở đó vì cơ quan có thẩm quyền xác nhận/tiếp nhận hồ sơ đăng ký thế chấp là nơi có đất.

Hay, mức phí đăng ký thế chấp nhà đất của bạn phải được tính theo phí quy định tại Hà Nội - nơi bạn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất 2023Phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất 2023

Có những cách xử lý tài sản bảo đảm nào?

Phương thức, cách thức xử lý tài sản bảo đảm thế chấp là quyền sử dụng đất nói riêng là cách do các bên thỏa thuận, theo quy định pháp luật được sử dụng khi có căn cứ xử lý tài sản bảo đảm.

Đây là những cách được quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015, bao gồm:

  • Bán đấu giá tài sản thế chấp;

  • Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản thế chấp;

  • Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản thế chấp để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;

  • Phương thức khác (do các bên tự thỏa thuận);

Cụ thể, một số đặc điểm của từng cách thức xử lý tài sản thế chấp như sau:

Cách thức xử lý tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất

Mô tả/đặc điểm

Bán đấu giá tài sản

  • Thực hiện theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản;

  • Tức là thông qua hợp đồng dịch vụ về đấu giá tài sản với tổ chức có chức năng tổ chức bán đấu giá tài sản, các bên thực hiện bán tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất cho người mua;

  • Sau khi có kết quả bán đấu giá, chử sở hữu tài sản và bên có quyền xử lý thực hiện các thủ tục theo luật định để chuyển quyền sở hữu cho bên mua, thanh toán khoản nghĩa vụ đối với bên nhận thế chấp;

Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản thế chấp

  • Thông thường, đây là cách mà bên nhận thế chấp được bên thế chấp ủy quyền thực hiện xử lý tài sản bảo đảm khi có căn cứ xử lý theo quy định;

  • Bên nhận thế chấp có thể bán trực tiếp tài sản hoặc thông qua đấu giá, tùy thuộc thỏa thuận của các bên;

Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản thế chấp để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm

  • Bên nhận thế chấp cũng có thể thực hiện bù trừ khoản nghĩa vụ bằng cách nhận tài sản là quyền sử dụng đất của bên thế chấp;

  • Thông thường, nếu lựa chọn cách xử lý này, bên nhận thế chấp và bên thế chấp phải định giá lại tài sản bảo đảm tại thời điểm xử lý;

  • Các bên cũng phải thỏa thuận phương thức xử lý này tại hợp đồng thế chấp;

Phương thức khác

  • Đây là cách được áp dụng khi các bên thỏa thuận, thống nhất trong hợp đồng thế chấp;

  • Ví dụ như: Đăng báo về việc bán tài sản thế chấp, khởi kiện yêu cầu giải quyết và tiến hành thi hành án theo bản án đã có hiệu lực…;

Như vậy, phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất.

Mức này có sự khác nhau giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong trường hợp có phát sinh căn cứ để xử lý tài sản thế chấp, các bên có thể lựa chọn cách thức xử lý là một trong những cách luật định và được thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp.

Trên đây là giải đáp về vấn đề phí đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X