Phí gia hạn thời gian sử dụng đất là khoản tiền mà người sử dụng đất phải nộp khi được gia hạn thời gian sử dụng đất. Không phải mọi trường hợp sử dụng đất đều được gia hạn thời gian sử dụng đất, mà chỉ những trường hợp đủ điều kiện mới được gia hạn. Vậy, chi phí và thủ tục thực hiện gia hạn thời gian sử dụng đất được thực hiện thế nào?
Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi đang thực hiện thủ tục gia hạn thời gian sử dụng đất thuê của Nhà nước, tôi thắc mắc phí gia hạn thời gian sử dụng đất bao gồm những loại gì, cụ thể là bao nhiêu?
Chào bạn, về vấn đề phí gia hạn thời gian sử dụng đất mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Phí gia hạn thời gian sử dụng đất gồm những loại gì?
Phí gia hạn thời gian sử dụng đất là khoản phí mà hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, cơ sở tôn giáo,... phải nộp khi được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận gia hạn thời gian sử dụng đất thuê, đất giao. Các loại phí gia hạn thời gian sử dụng đất có thể liên quan đến loại đất mà người sử dụng đất đang sử dụng, hình thức sử dụng đất và thời hạn được phép gia hạn. Cụ thể như sau:
- Tiền thuê đất: Là khoản tiền mà người sử dụng đất phải nộp cho thời gian thuê đất được gia hạn theo quy định pháp luật (hình thức trả tiền thuê đất có thể là thuê đất trả tiền hàng năm hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê);
Xem thêm: Cách tính tiền thuê đất thế nào?
- Phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: Là khoản tiền được thu đối với công việc thẩm định hồ sơ, các điều kiện cần và đủ đảm bảo việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (bao gồm cấp lần đầu, cấp mới, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận và chứng nhận biến động vào giấy chứng nhận đã cấp) theo quy định của pháp luật.
Việc thu khoản phí này dựa trên diện tích của thửa đất, tính chất phức tạp của từng loại hồ sơ, mục đích sử dụng đất và điều kiện cụ thể của địa phương. Đây là khoản phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất ban hành (khoản 11 Điều 2 Thông tư 85/2019/TT-BTC);
Ví dụ, tại Hà Nội phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận được tính là 1.000 đồng/1m2 tối đa không quá 7,5 triệu đồng/1 hồ sơ (Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội).
Hoặc tại thành phố Hồ Chí Minh, mức phí này cao nhất là 5 triệu đồng, áp dụng đối với tổ chức và thấp nhất là 25.000 đồng áp dụng đối với cá nhân (Nghị quyết 17/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh).
- Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, tài sản gắn liền với đất: Là khoản tiền mà người sử dụng đất phải nộp khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp mới giấy chứng nhận hoặc chứng nhận đăng ký biến động về đất đai hoặc thực hiện trích lục bản đồ địa chính/văn bản/số liệu hồ sơ địa chính. Đây là khoản lệ phí được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi có đất quy định (khoản 5 Điều 3 Thông tư 85/2019/TT-BTC);
Ví dụ như tại Hà Nội, lệ phí cấp Giấy chứng nhận được quy định cao nhất là 50.000 đồng đối với tổ chức trong trường hợp cấp đổi, cấp lại và thấp nhất là 10.000 đồng đối với cá nhân hộ gia đình ở khu vực khác (theo Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội)
Hoặc ví dụ đối với lệ phí cấp giấy chứng nhận (cấp đổi, cấp lại, đăng ký biến động) tại thành phố Hồ Chí Minh cao nhất là 50.000 đồng đối với tổ chức và thấp nhất là 7.500 đồng đối với hộ gia đình, cá nhân (theo Nghị quyết 124/2016/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh).
Như vậy, các khoản phí khi gia hạn thời gian sử dụng đất theo quy định pháp luật được chúng tôi nêu trên. Do chưa biết vị trí thửa đất của bạn nên dựa trên những giải đáp, hướng dẫn của chúng tôi, bạn tự mình tìm hiểu thêm để biết rõ khoản phí đối với diện tích thửa đất xin gia hạn của mình.
Thủ tục gia hạn thời gian sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân thế nào?
Việc gia hạn thời gian sử dụng đất được thực hiện khi hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất thuê của Nhà nước (đất nông nghiệp, đất thương mại dịch vụ, làm cơ sở sản xuất phi nông nghiệp…) ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chế xuất, cụm công nghiệp mà có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất.
Khi đủ điều kiện được gia hạn thời gian sử dụng đất thì thực hiện thủ tục xin gia hạn thời gian sử đất trước khi hết thời hạn sử dụng ít nhất là 06 tháng theo Điều 74 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Cụ thể các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ gia hạn thời gian sử dụng đất
Hồ sơ bao gồm:
Đơn đăng ký biến động đất đai, mẫu 09/ĐK đã điền đầy đủ thông tin;
Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị thêm giấy tờ tùy thân (Căn cước công dân), giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của mình (sổ hộ khẩu) hoặc văn bản ủy quyền (nếu bạn nhờ người khác thực hiện) hoặc giấy tờ chứng minh đã thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có).
Bước 2: Nộp hồ sơ
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và giải quyết là Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất.
Bước 3: Cơ quan Tài nguyên Môi trường thực hiện các công việc
Thẩm định hồ sơ, thẩm định nhu cầu sử dụng đất;
Trình cơ quan có thẩm quyền ký gia hạn thời gian sử dụng đất nếu đủ điều kiện;
Gửi thông tin sang cơ quan thuế để tính toán tiền thuế phải nộp;
Chuyển hồ sơ sang văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện xác nhận biến động, cập nhật hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
Trình cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng cho thuê đất theo quy định;
Bước 4: Trả kết quả
Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người sử dụng đất được nhận Giấy chứng nhận đã được xác nhận biến động và được ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan Nhà nước.
Như vậy, thủ tục gia hạn thời gian sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được thực hiện theo các bước mà chúng tôi đã nêu trên.