hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 18/09/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Phụ cấp chỉ huy trưởng quân sự xã là bao nhiêu? Tiêu chuẩn thế nào?

Chỉ huy trưởng quân sự xã và Phó chỉ huy quân sự xã là lực lượng lãnh đạo trong Ban chỉ huy quân sự cấp xã. Vậy phụ cấp chỉ huy trưởng/ phó quân sự xã là bao nhiêu? Tiêu chuẩn được quy định thế nào?

 

Phụ cấp Chỉ huy trưởng quân sự xã là bao nhiêu?

Phụ cấp Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã

Phụ cấp Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã

Theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP  thì Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã là một chức danh của công chức cấp xã công tác trong lĩnh vực quân sự trong địa bàn xã/ phường/ thị trấn.

Theo đó, cchỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã sẽ được hưởng lương trực tiếp từ NSNN theo chế độ lương công chức và được hưởng phụ cấp theo quy định của Chính phủ.

Hiện nay, phụ cấp của Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã được thực hiện theo tinh thần của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP. Cụ thể, theo Nghị định này thì Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã được hưởng các khoản phụ cấp sau:

Thứ nhất, phụ cấp chức vụ theo quy định tại Điều 7 Nghị định này:

Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều luật này thì Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng mức phụ cấp chức vụ là 357.600 đồng/ tháng.

Tuy nhiên, thời gian được hưởng phụ cấp chức vụ được tính từ thời điểm người đó được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã.

Nếu thời gian giữ chức vụ này được xác định là từ đủ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng trợ cấp cả tháng là 357.600 đồng, nếu thời gian giữ chức vụ này dưới 15 ngày trong tháng thì chỉ được hưởng 50% mức phụ cấp, tương đương với 178.800 đồng/ tháng;

Thứ hai, phụ cấp thâm niên theo quy định tại Điều 10 Nghị định này:

Mức phụ cấp thâm niên được xác định theo nguyên tắc sau:

  • Phụ cấp thâm niên được áp dụng với Chỉ huy trưởng có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên;

  • Cứ sau 60 tháng công tác thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện tưởng. Sau đó, cứ đủ 12 tháng tiếp theo thì được tính thêm 1%. Chẳng hạn như Chỉ huy trưởng công tác 72 tháng (6 năm) thì được hưởng phụ cấp thâm niên là 6% , sau đó cứ mỗi năm thì tăng thêm 1%.

Như vậy, ngoài mức lương được hưởng theo lương công chức Nhà nước thì Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã còn được hưởng phụ cấp thâm niên và phụ cấp chức vụ với mức phụ cấp được nêu trên.

Phụ cấp Chỉ huy phó quân sự xã theo quy định hiện nay  

Phụ cấp Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã

Phụ cấp Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã

Cũng giống như Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã thì Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã cũng là công chức cấp xã và được hưởng lương, hưởng phụ cấp theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, mức phụ cấp đối với Chỉ huy phó sẽ thấp hơn so với mức phụ cấp dành cho Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã. Cụ thể, tại Nghị định số 72/2020/NĐ-CP quy định mức phụ cấp đối với  Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã như sau:

Thứ nhất, phụ cấp chức vụ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định này:

Theo quy định này thì Chỉ huy phó Ban chỉ huy quân sự cấp xã được hưởng mức phụ cấp chức vụ là 327.800 đồng/ tháng.

Tuy nhiên, thời gian được hưởng phụ cấp chức vụ được tính từ thời điểm người đó được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã.

Nếu thời gian giữ chức vụ này được xác định là từ đủ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng trợ cấp cả tháng là 327.800 đồng, nếu thời gian giữ chức vụ này dưới 15 ngày trong tháng thì chỉ được hưởng 50% mức phụ cấp, tương đương với 163.900 đồng/ tháng.

Thứ hai, phụ cấp hằng tháng theo quy định tại Điều 8 Nghị định này:

Phụ cấp hằng tháng theo mức quy định đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Theo quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP và khoản 1 Điều 33 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP, mức phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã được quy định như sau:

  • Đối với xã loại I, được phụ cấp bằng 21,0 lần mức lương cơ sở, tương đương với 37,8 triệu đồng/ tháng/ 14 người làm việc không chuyên trách và tương đương với 2,7 triệu đồng/ tháng/ người;

  • Đối với xã loại II, được phụ cấp bằng 13,7 lần mức lương cơ sở, tương đương với 24,6 triệu đồng/ tháng/ 12 người làm việc không chuyên trách và tương đương với 2,055 triệu đồng/ tháng/ người;

  • Đối với xã loại III, được phụ cấp bằng 11,4 lần mức lương cơ sở, tương đương với 20,52 triệu đồng/ tháng/ 10 người làm việc không chuyên trách và tương đương với 2,052 triệu đồng/ tháng/ người.

Thứ ba, phụ cấp đặc thù quốc phòng, quân sự theo quy định tại Điều 9 Nghị định này:

Theo quy định tại khoản 1 Điều này thì mức phụ cấp đặc thù được xác định bằng 50% tổng các loại phụ cấp mà Chỉ huy Phó hiện hưởng, bao gồm: Phụ cấp thâm niên, phụ cấp chức vụ và phụ cấp hằng tháng.

Lưu ý: Thời gian được hưởng phụ cấp đặc thù được tính từ thời điểm người đó được bổ nhiệm giữ chức Chỉ huy phó Ban Chỉ huy Quân sự xã.

Nếu thời gian giữ chức vụ này được xác định là từ đủ 15 ngày trở lên trong tháng thì được hưởng phụ cấp cả tháng, nếu thời gian giữ chức vụ này dưới 15 ngày trong tháng thì chỉ được hưởng 50% mức phụ cấp của tháng.

Thứ tư, phụ cấp thâm niên theo quy định tại Điều 10 Nghị định này:

Tương tự như Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã thì Chỉ huy phó cũng được hưởng phụ cấp thâm niên theo nguyên tắc quy định tại Điều 10 Nghị định số 72/2020/NĐ-CP. Cụ thể:

  • Phụ cấp thâm niên được áp dụng với Chỉ huy phó có thời gian công tác từ đủ 60 tháng trở lên;

  • Cứ sau 60 tháng công tác thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng và phụ cấp lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hoặc phụ cấp hằng tháng hiện tưởng.

Sau đó, cứ đủ 12 tháng tiếp theo thì được tính thêm 1%. Chẳng hạn như Chỉ huy phó công tác 72 tháng (6 năm) thì được hưởng phụ cấp thâm niên là 6% , sau đó cứ mỗi năm thì tăng thêm 1%.

Tiêu chuẩn Phó chỉ huy quân sự cấp xã? Số lượng Phó chỉ huy trong Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã

Số lượng Phó chỉ huy Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã

Số lượng Phó chỉ huy Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã

Phó chỉ huy Quân sự cấp xã thường là người hoạt động không chuyên trách ở xã. Theo đó, để trở thành Phó chỉ huy Ban Chỉ huy Quân sự xã thì phải thuộc nhóm quy hoạch nguồn được quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/2013/TTLT-BNV-BQP:

“ 1. Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

2. Người đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ trong lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.

3. Dân quân nòng cốt hoặc người đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân nòng cốt.

4. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đang công tác tại cơ sở.

5. Người có hộ khẩu thường trú ở địa bàn sở tại đã có bằng đại học, cao đẳng, trung cấp.”

Khi thuộc đối tượng được quy hoạch trở thành nguồn Phó Chỉ huy quân sự cấp xã thì người thuộc một trong các đối tượng trên phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch này. Cụ thể:

  • Phải là công dân Việt Nam;

  • Độ tuổi:

  • Từ đủ 18 tuổi đến 35 tuổi đối với công dân Việt Nam chưa qua đào tạo chuyên ngành quân sự;

  • Từ đủ 18 tuổi đến không quá 45 tuổi đối với công dân Việt Nam đã qua đào tạo và có bằng trung cấp chuyên ngành quân sự cấp cơ sở trở lên.

  • Về phẩm chất đạo đức, chính trị: Phải có lý lịch rõ ràng; bản thân và gia đình tuân thủ nghiêm chỉnh các chủ trương, đường lối của Đảng cà chính sách, pháp luật của Nhà nước;

  • Về trình độ văn hoá: Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương trở lên;

  • Đã kết nạp Đảng hoặc là Đoàn viên có đủ điều kiện để phát triển Đảng;

  • Về sức khoẻ: Đảm bảo sức khoẻ để thực hiện tốt nghiệm vụ được giao.

Như vậy, khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên thì công dân Việt Nam có thể trở thành Phó Chỉ huy quân sự cấp xã theo chỉ tiêu tuyển chọn của địa phương.

Về chỉ tiêu Phó chỉ huy quân sự xã hiện nay được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Nghị định số 72/2020/NĐ-CP. Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định này thì số lượng Phó chỉ huy quân sự xã được phân bổ như sau:

  • Đối với xã loại I hoặc các xã biên giới, ven biển thì được phép bố trí tối đã là 02 Phó Chỉ huy Ban Chỉ huy quân sự cấp xã;

  • Đối với các xã còn lại (không thuộc trường hợp nêu trên) thì chỉ bố trí 01 Phó Chỉ huy Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã.

Quy trình bổ nhiệm chỉ huy trưởng quân sự xã được thực hiện thế nào?

Theo quy định của Nghị định số 33/2023/NĐ-CP thì Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã là công chức cấp xã. Do đó, việc bổ nhiệm Chỉ huy trưởng quân sự xã được thực hiện theo quy trình bổ nhiệm công chức cấp xã do Chính phủ quy định.

Việc bổ nhiệm Chỉ huy trưởng quân sự xã được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 112/2011/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 34/2019/NĐ-CP. Cụ thể được thực hiện theo trình tự các bước sau:

  • Bước 1: UBND cấp huyện thông báo tuyển dụng và tiếp nhận hồ sơ;

  • Bước 2: Tổ chức tuyển dụng theo quy định;

  • Bước 3: Thông báo kết quả tuyển dụng;

  • Bước 4: Chủ tịch UBND cấp huyện ký quyết định bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã.

Trên đây những quy định về Chỉ huy trưởng và Phó Chỉ huy Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã mà chúng tôi cập nhật đến quý ban đọc. Nếu có thắc mắc về quy định trên, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X