hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 14/02/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Mẫu phụ lục hợp đồng lao động và một số lưu ý khi làm phụ lục

Phụ lục hợp đồng lao động là nội dung quan trọng được quy định chặt chẽ tại Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Dưới đây là mẫu phụ lục hợp đồng lao động và một số lưu ý khi làm phụ lục.

Mục lục bài viết
  • Phụ lục hợp đồng lao động được dùng để làm gì?
  • Mẫu phụ lục hợp đồng lao động mới nhất năm 2024
  • Một số lưu ý khi làm phụ lục hợp đồng lao động 
Câu hỏi: Tôi ký hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm từ ngày 01/6/2023 đến ngày 30/5/2024. Tuy nhiên, đến ngày 02/2/2024, phía công ty lại yêu cầu tôi ký phụ lục hợp đồng để sửa đổi một số quy định trong hợp đồng đã ký. Tôi chưa hiểu rõ phụ lục hợp đồng được dùng để làm gì? Luật sư cho tôi hỏi mẫu phụ lục hợp đồng lao động hiện nay và tôi cần lưu ý gì khi ký phụ lục với công ty?

Phụ lục hợp đồng lao động được dùng để làm gì?

Phụ lục hợp đồng lao động được dùng để làm gì?

Phụ lục hợp đồng lao động được dùng để làm gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2019 thì phụ lục hợp đồng lao động chính là một bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực tương đương với hiệu lực của hợp đồng lao động. 

Cụ thể hơn, tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật này đã quy định phụ lục hợp đồng lao động được xem là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng lao động. Phụ lục này dùng để quy định chi tiết các quy định có trong hợp đồng lao động. 

Bên cạnh đó, khi có thay đổi về thông tin, điều khoản đã giao kết trong hợp đồng lao động, các bên có thể thể hiện nội dung sửa đổi tại phụ lục hợp đồng lao động để tránh mất thời gian ký kết lại hợp đồng lao động mới. 

Phụ lục hợp đồng chỉ quy định chi tiết cũng như sửa đổi, bổ sung các điều, khoản được quy định trong hợp đồng lao động mà không được phép sửa đổi nội dung thời hạn có hiệu lực của hợp đồng lao động.

Mẫu phụ lục hợp đồng lao động mới nhất năm 2024

Hiện nay, Bộ luật Lao động năm 2019 cũng như các văn bản hướng dẫn liên quan chưa quy định cụ thể về mẫu phụ lục hợp đồng lao động. 

Do đó, khi có sửa đổi, bổ sung hay quy định chi tiết một số điều, khoản đã thoả thuận trong hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động sẽ tự soạn thảo phụ lục. 

Để hỗ trợ cho các bên trong việc giao kết hợp đồng lao động và soạn thảo phụ lục hợp đồng lao động tuân thủ theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, dưới đây là mẫu phụ lục hợp đồng lao động mới nhất năm 2024 mà Hieuluat.vn cung cấp tới quý bạn đọc:

Sửa/In biểu mẫu

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

….., ngày … tháng … năm …

PHỤ LỤC HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG

(Số: ……………./PLHĐLĐ)

 

Hôm nay, ngày … tháng … năm …, tại………………………………...…………….

Chúng tôi gồm:

NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG (Sau đây gọi tắt là bên A):

Địa chỉ:……………………………. ………………………………………………….

Điện thoại:………………………………………………………………………

Fax:……………………...………………………………………………………

Mã số thuế:…………………….………………………………………………..

Tài khoản số:…………………….……………………………………………...

Người đại diện theo pháp luật: Ông/Bà ……………………………..………….

Sinh năm:……………………………….…….Chức vụ:………………………. 

NGƯỜI LAO ĐỘNG (Sau đây gọi tắt là bên B):

Ông/Bà:…………………………………………………….………………..…..  

Sinh ngày … tháng .... năm … 

Quê quán:……………………………………………………………………..…

Quốc tịch:……………………………….………………………………………

Nghề nghiệp:…………………………………………………………….………

Địa chỉ nơi cư trú:…………………………..……………………………….…..

Số CMND: …………………..Ngày cấp:...../...../...... Nơi cấp:............................

Số sổ lao động (nếu có): cấp ngày......./....../......... tại…………………………... 

Căn cứ Hợp đồng lao động số .................................... được ký ngày ..../..../.... và nhu cầu sử dụng lao động, hai bên cùng nhau thỏa thuận chi tiết/thay đổi/bổ sung một số nội dung của hợp đồng mà hai bên đã ký kết như sau:

1. Nội dung quy định chi tiết/thay đổi (ghi rõ nội dung gì, thay đổi như thế nào.....): 

..........................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

2. Thời gian thực hiện (ghi rõ nội dung ở mục 1 nêu trên có hiệu lực trong bao nhiêu lâu):

..........................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................................

Phụ lục này là bộ phận không thể tách rời của hợp đồng lao động số …………………………..., được làm thành hai bản có giá trị như nhau, mỗi bên giữ một bản và là cơ sở để giải quyết khi có tranh chấp lao động.

               

Người lao động
(Ký, ghi rõ họ tên)

Đại diện người sử dụng lao động
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)

Một số lưu ý khi làm phụ lục hợp đồng lao động 

Một số lưu ý khi làm phụ lục hợp đồng lao động

Một số lưu ý khi làm phụ lục hợp đồng lao động

Bộ luật Lao động năm 2019 quy định phụ lục của hợp đồng lao động là một bộ phận không thể tách rời của hợp đồng lao động và có hiệu lực thực hiện như hợp đồng lao động. 

Tuy nhiên, để bảo đảm việc soạn thảo, ký kết và thực hiện các nội dung của phụ lục hợp đồng lao động tuân thủ theo quy định của pháp luật lao động hiện hành thì người lao động và người sử dụng lao động cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, lưu ý về nội dung được thể hiện trong phụ lục hợp đồng lao động:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2019 thì phụ lục hợp đồng lao động được thể hiện một trong 03 nội dung cơ bản sau:

  • Quy định chi tiết một số điều, khoản đã quy định tại hợp đồng lao động;

  • Sửa đổi một số điều, khoản của hợp đồng lao động;

  • Bổ sung thêm nội dung mới so với hợp đồng lao động đã ký kết.

Khi thực hiện soạn thảo nội dung của phụ lục hợp đồng lao động, các bên cần lưu ý các trường hợp dưới đây:

- Đối với trường hợp quy định chi tiết một số điều, khoản đã quy định tại hợp đồng lao động: nội dung được quy định chi tiết không được làm cho hợp đồng lao động bị dẫn đến cách hiểu khác. 

Nếu nội dung này làm cho hợp đồng lao động bị dẫn đến cách hiểu khác, làm sai bản chất vốn có của hợp đồng lao động thì các bên sẽ chỉ được thực hiện theo nội dung đã giao kết trong hợp đồng lao động;

- Đối với trường hợp phụ lục được dùng để sửa đổi hoặc bổ sung nội dung của một số điều, khoản trong hợp đồng lao động thì phải thể hiện rõ nội dung của điều, khoản được sửa đổi và thời điểm bắt đầu có hiệu lực thực hiện quan hệ lao động theo nội dung đã được sửa đổi, bổ sung.

Lưu ý, phụ lục hợp đồng lao động được sử dụng để thực hiện một trong ba nội dung nêu trên nhưng không được phép sửa đổi thời hạn thực hiện của hợp đồng lao động.

Thứ hai, lưu ý về thời gian báo trước khi ký phụ lục hợp đồng lao động:

Cũng như việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì khi ký kết phụ lục thể hiện các nội dung thay đổi so với hợp đồng lao động thì bên có yêu cầu sửa đổi phải thực hiện nghĩa vụ báo trước với bên còn lại theo quy định của pháp luật. Thời gian báo trước được quy định như sau:

- Đối với trường hợp ký phụ lục hợp đồng lao động với mục đích quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì pháp luật hiện hành không quy định về thời gian báo trước. Theo đó, các bên có thể tự thống nhất, thoả thuận với nhau về vấn đề này.

- Đối với trường hợp ký phụ lục hợp đồng lao động với mục đích sửa đổi hoặc bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì theo Điều 33 Bộ luật Lao động hiện hành, bên có yêu cầu thay đổi phải thực hiện nghĩa vụ báo trước cho bên còn lại ít nhất là 03 ngày trước khi ký phụ lục để bên còn lại được biết và thỏa thuận, thống nhất với nhau về nội dung thay đổi.

Thứ ba, lưu ý về số lượng phụ lục được ký kết với mỗi hợp đồng lao động:

Pháp luật về lao động hiện hành chỉ quy định phụ lục hợp đồng lao động là một bộ phận không thể tách rời với hợp đồng lao động mà không quy định về giới hạn số lượng phụ lục được ký kết. 

Theo đó, người lao động và người sử dụng lao động có thể ký nhiều phụ lục với một hợp đồng lao động cho đến khi hết hạn hợp đồng. 

Trên đây là giải đáp về phụ lục hợp đồng lao động và các vấn đề liên quan. Nếu còn vấn đề nào thắc mắc, hay gặp khó khăn trong các vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài:  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X