hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 13/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quán ăn được mở đến mấy giờ? Mở quá giờ có bị phạt không?

Có nhiều quán ăn uống mở quá giờ quy định gây mất yên tĩnh trong khu dân cư và ảnh hưởng đến đời sống của các hộ gia đình lân cận. Vậy quán ăn được mở đến mấy giờ và mở quá giờ có bị phạt không?

Mục lục bài viết
  • Quán ăn được mở đến mấy giờ?
  • Bán hàng ăn uống quá giờ quy định có bị phạt không?
  • Quán ăn có cần Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm không?
Câu hỏi: Ở khu dân cư tôi đang ở dạo gần đây có một số quán ăn, quán nhậu được mở, rất ồn ào cho đến 1, 2h sáng, gây ảnh hưởng đến khu dân cư của chúng tôi. Vậy cho tôi hỏi quán ăn được mở đến mấy giờ? Và trường hợp mở quá giờ thì bị phạt bao nhiêu?

Quán ăn được mở đến mấy giờ?

Theo Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định cơ sở kinh doanh buôn bán sẽ bị xử lý vi phạm nếu có hành vi vi phạm quy định về đảm bảo yên tĩnh chung nếu:

  • Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo khu dân cư hoặc nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ - 06 giờ sáng ngày hôm sau.

  • Bán hàng ăn uống, nước giải khát quá giờ quy định theo quy định của UBND cấp tỉnh đưa ra.

Quán ăn được mở đến mấy giờ?

Quán ăn được mở đến mấy giờ?

Theo quy định trên, khi đến khung giờ quy định thì các cơ sở kinh doanh phải đảm bảo sự yên tĩnh chung và an ninh trật tự trong khu vực. Các quán ăn không được hoạt động quá giờ quy định. Thông thường các quán ăn chỉ được mở đến 22h đêm.

Các hoạt động kinh doanh buôn bán của quán ăn chịu trách nhiệm về giám sát, kiểm tra của UBND cấp tỉnh. Theo đó, UBND cấp tỉnh tại mỗi địa phương sẽ quản lý và đưa ra quy định cụ thể về khung giờ phù hợp cho mỗi khu vực và cho từng khoảng thời gian phù hợp.

Bán hàng ăn uống quá giờ quy định có bị phạt không?

Hệ quả của việc mở quán ăn uống quá giờ quy định là ảnh hưởng đến cuộc sống, sự yên tĩnh cho những hộ gia đình, cơ sở lân cận. Do đó, Nhà nước quy định hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về đảm bảo yên tĩnh chung tại Điều 8 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng nếu có một trong các hành vi sau:

  • Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo khu dân cư hoặc nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ - 06 giờ sáng ngày hôm sau.

  • Không thực hiện các quy định về đảm bảo sự yên tĩnh tại cơ sở khám, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc nơi khác mà có quy định phải giữ yên tĩnh chung.

  • Bán hàng ăn uống, nước giải khát quá giờ quy định theo quy định của UBND cấp tỉnh đưa ra.

- Phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng nếu có hành vi dùng loa phóng thanh, trống, coi, chiêng, kèn hoặc các phương tiện khác để cổ động tại nơi công cộng mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

- Ngoài ra, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung bằng hình thức tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm yên tĩnh chung.

Bán hàng ăn uống quá giờ quy định có bị phạt không?

Bán hàng ăn uống quá giờ quy định có bị phạt không?

Mức xử phạt nêu trên được áp dụng đối với người vi phạm là cá nhân. Còn đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt gấp 02 lần mức phạt tiền dành cho cá nhân (căn cứ theo Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Như vậy, nếu bán hàng ăn uống quá giờ quy định của UBND cấp tỉnh ban hành thì sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng đối với cá nhân và 01 - 02 triệu đồng đối với tổ chức. Đồng thời sẽ bị tịch thu tang vật và phương tiện sử dụng để bán hàng ăn uống vi phạm sự yên tĩnh chung.

Lưu ý: Để xác định quán ăn uống có vi phạm quy định mở quá giờ hay không phải căn cứ vào quy định của UBND cấp tỉnh tại mỗi địa phương. Giờ được phép mở cửa tại các địa phương, khu vực sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào điều kiện, đời sống tại khu vực đó.

Quán ăn có cần Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm gồm có:

- Sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng không có địa điểm cố định;

- Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; Sơ chế nhỏ lẻ;

- Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ hoặc bao gói sẵn;

- Sản xuất, kinh doanh dụng cụ và vật liệu bao gói, đồ chứa đựng thực phẩm.

- Kinh doanh thức ăn đường phố; Bếp ăn tập thể không đăng ký ngành kinh doanh thực phẩm;

- Kinh doanh thức ăn trên đường phố;

- Cơ sở mà đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận gồm: Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát giới hạn, thực hành sản xuất tốt, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm, chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm hoặc các giấy chứng nhận khác tương đương còn hiệu lực sử dụng.

Theo quy định trên, không phải trong mọi trường hợp quán ăn đều cần phải có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì quán ăn không cần giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, còn đối với các trường hợp còn lại thì phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận này.

Trên đây là những thông tin về vấn đề quán ăn được mở đến mấy giờ. Nếu còn thắc mắc, hãy liên hệ đến:  19006199 để được hỗ trợ nhanh chóng.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X