Vợ chồng khi kết hôn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Khi quan hệ hôn nhân chấm dứt cũng phải tuân theo các thủ tục nhất định.
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho HieuLuat, vấn đề của bạn chắc hẳn cũng được nhiều người quan tâm. Chúng tôi xin được thông tin như sau:
Ly thân thì quan hệ hôn nhân chấm dứt đúng không?
Điều 19 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định rõ, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.
Bên cạnh đó, chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Như vậy, vợ chồng khi kết hôn và đã được pháp luật thừa nhận, bảo vệ thì có nghĩa vụ sống chung với nhau trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc có lý do chính đáng.
Pháp luật hiện hành không có văn bản nào quy định về việc ly thân. Đây chỉ là từ thường được dùng để nói về quan hệ vợ chồng rạn nứt, không còn sống chung với nhau.
Khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng nói rõ quan hệ hôn nhân chỉ chấm dứt khi vợ chồng ly hôn theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
Do đó, có thể thấy ly thân chỉ là việc hai vợ chồng tạm thời không sống chung với nhau tuy nhiên quan hệ hôn nhân và gia đình vẫn chưa chấm dứt và hai người vẫn là vợ chồng trên pháp luật. Và việc chồng bạn đang trong một mối quan hệ khác khi chưa ly hôn với vợ là hành vi vi phạm pháp luật.
Quan hệ hôn nhân chấm dứt khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về thời điểm chấm dứt hôn nhân và trách nhiệm gửi bản án, quyết định ly hôn thì:
1. Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
2. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.
Như vậy, quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Thực tế khi ly hôn, sẽ có hai trường hợp xảy ra đó là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương.
Đối với ly hôn thuận tình
Quyết định ly hôn có hiệu lực theo khoản 1 Điều 213 Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành, đồng thời không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Do đó, nếu vợ chồng ly hôn thuận tình, quyết định ly hôn thuận tình sẽ có hiệu lực pháp luật sau khi được ban hành, đồng nghĩa với việc thời điểm đó quan hệ hôn nhân cũng hoàn toàn chấm dứt.
Đối với ly hôn đơn phương
Theo khoản 1 Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn kháng cáo đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Nếu đương sự, đại diện cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân khởi kiện không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án, có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.
Và theo khoản 1 Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn kháng nghị đối với bản án của Tòa án cấp sơ thẩm của Viện kiểm sát cùng cấp kể từ ngày tuyên án là 15 ngày, của Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 01 tháng.
Như vậy, nếu ly hôn đơn phương đã hết thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án và hết thời hạn kháng nghị của Viện kiểm sát (15 ngày nếu Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị, 01 tháng nếu Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị) mà không có kháng cáo hay kháng nghị thì bản án ly hôn sẽ chính thức có hiệu lực pháp luật.
Lúc này, quan hệ hôn nhân được xem là đã hoàn toàn chấm dứt.
Trên đây là giải đáp về quan hệ hôn nhân chấm dứt khi nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Hành vi kết hôn khi chưa ly hôn bị xử lý thế nào?