hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 20/12/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quan hệ lao động là gì? Quan hệ lao động gồm những quan hệ nào?

Quan hệ lao động là một trong các nhóm quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống hằng ngày. Vậy về bản chất quan hệ lao động là gì? Quan hệ lao động gồm những quan hệ nào?

Mục lục bài viết
  • Quan hệ lao động là gì? Ví dụ về quan hệ lao động
  • Quan hệ lao động gồm những quan hệ nào?
  • Quan hệ lao động được sử dụng để làm gì? 

Quan hệ lao động là gì? Ví dụ về quan hệ lao động

Quan hệ lao động là gì?

Quan hệ lao động là gì?

Quan hệ lao động là một trong các quan hệ xã hội phát sinh trong đời sống hằng ngày và được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản hướng dẫn có liên quan. 

Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 thì quan hệ lao động được quy định là một loại quan hệ xã hội phát sinh từ việc thuê, mướn, sử dụng người khác làm việc, lao động và có trả lương. 

Đây là quan hệ phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động cũng như các tổ chức đại diện của người lao động- người sử dụng lao động và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực lao động.

Như vậy, có thể hiểu đơn giản khi có hoạt động thuê, mướn, sử dụng người khác làm việc cho mình thì phát sinh quan hệ lao động. 

Quan hệ lao động xuất phát từ quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động và phát triển lên thành các quan hệ giữa các bên với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cũng như các tổ chức đại diện cho các bên. 

Quan hệ lao động được thể hiện qua nhiều khía cạnh như: hợp đồng lao động, tiền lương,... và tất cả được điều chỉnh bởi pháp luật lao động hiện hành.

Ví dụ về quan hệ lao động:

Công ty A thuê anh Nguyễn Văn B về làm chuyên viên kỹ thuật công nghệ thông tin có ký hợp đồng lao động xác định thời hạn là 01 năm kể từ ngày ký.

 Trong hợp đồng đã thoả thuận rõ về nội dung công việc của anh B là quản lý và hỗ trợ kỹ thuật công nghệ thông tin trong công ty với mức lương là 8,5 triệu đồng/ tháng. 

Thời gian làm việc buổi sáng từ 8 giờ đến 12 giờ, thời gian làm việc buổi chiều từ 13 giờ 30 phút đến 17 giờ 30 phút,  làm việc các ngày trong tuần và được nghỉ ngày thứ 7, chủ nhật. 

Bên cạnh đó, anh còn được công ty A chi trả tiền phụ cấp ăn trưa là 01 triệu đồng/ tháng và phụ cấp gửi xe là 50.000 đồng/ tháng. Ngoài ra, anh B còn được tham gia du lịch cùng công ty vào dịp hè tháng 6 hằng năm. 

Như vậy, đây là một ví dụ về quan hệ lao động giữa người lao động là anh B và người sử dụng lao động là công ty A thông qua Hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Quan hệ lao động gồm những quan hệ nào?

Quan hệ lao động gồm những quan hệ nào?

Quan hệ lao động gồm những quan hệ nào?

Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 thì quan hệ lao động hiện nay bao gồm hai nhóm quan hệ nhỏ: Quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể. 

Việc gọi tên các nhóm quan hệ này được xác định dựa vào việc xác lập quan hệ giữa các bên. 

Chẳng hạn như quan hệ lao động tập thể là một loại quan hệ lao động được xác lập giữa đại diện người lao động với đại diện người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện người lao động với người sử dụng lao động để tạo nên sự cân đối, cân bằng về lợi ích giữa các bên trong quá trình thực hiện quan hệ lao động. 

Quan hệ lao động tập thể được biết đến là một loại quan hệ lao động phổ biến được xác lập ở nhiều doanh nghiệp trên thế giới mà không chỉ ở Việt Nam. 

Đây là quan hệ lao động mà bản thân tác giả cho là chặt chẽ nhất và có tính cân bằng tốt nhất quan hệ giữa phía người lao động với phía người sử dụng lao động. 

Tập thể đại diện cho tiếng nói, lợi ích của người lao động ở đây được pháp luật thừa nhận là tổ chức công đoàn. 

Công đoàn là tổ chức đại diện cho người lao động và có hoạt động theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn hiện hành. Quan hệ lao động tập thể được được biểu hiện mạnh mẽ và được vận hành thông qua các hình thức thương lượng tập thể, thoả ước lao động tập thể,...

Trái với quan hệ lao động tập thể, quan hệ lao động cá nhân được xác lập một cách đơn giản là giữa cá nhân người lao động với cá nhân người sử dụng lao động. Thông thường loại quan hệ lao động này được xác lập đối với những công việc có yêu cầu đơn giản, những nhóm công việc ngắn hạn,...

Khi xác lập quan hệ lao động này thì cá nhân người sử dụng lao động, người lao động phải tự nắm vững các quyền lợi chính đáng để tự bảo vệ cho lợi ích của mình khi tham gia vào quan hệ lao động.

Quan hệ lao động được sử dụng để làm gì? 

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Bộ luật Lao động năm 2019 thì quan hệ lao động được xác lập trên nguyên tắc đối thoại, thương lượng và thoả thuận giữa các bên nhằm bảo đảm sự thiện chí, bình đẳng, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp giữa các bên. 

Theo quy định này có thể hiểu, quan hệ lao động được sử dụng để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp một cách bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động. 

Bên cạnh đó, trong quy định về việc xây dựng quan hệ lao động, Bộ luật Lao động hiện hành cũng quy định rõ về việc các bên tham gia vào quan hệ lao động phải xây dựng mối quan hệ tiến bộ, hài hoà và ổn định dưới sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Việc thiết lập quan hệ lao động thường được thực hiện thông qua Hợp đồng lao động và thoả thuận làm việc bằng lời nói, trong đó có thể hiện rõ thoả thuận về trách nhiệm, quyền và lợi ích của các bên nhằm bảo đảm sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau trong quan hệ lao động. 

Tóm lại, quan hệ lao động là một quan hệ được xác lập khi phát sinh việc thuê, mướn, sử dụng người lao động và là mối quan hệ để bảo đảm cho các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động. 

Trên đây là quy định hiện hành về quan hệ lao động mà chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu còn vấn đề nào thắc mắc, hay gặp khó khăn trong các vấn đề pháp lý khác hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X