Quỹ bảo trì chung cư là chi phí cư dân phải đóng trong thời gian sinh sống tại chung cư. Vậy quỹ bảo trì chung cư dùng để làm gì? Ai phải đóng góp vào quỹ bảo trì chung cư? Cùng tìm hiểu các quy định về quỹ này tại bài viết bên dưới.
Quỹ bảo trì chung cư dùng để làm gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 107 Luật Nhà ở 2014, bảo trì chung cư bao gồm bảo trì phần sở hữu riêng và bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư. Chủ sở hữu chung cư phải bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp chi phí để thực hiện việc bảo trì phần sở hữu chung của chung cư.
Có thể hiểu quỹ bảo trì chung cư là phần chi phí do các chủ sở hữu chung cư đóng góp để thực hiện các công việc bảo trì phần sở hữu chung của chung cư.
Theo quy định tại Điều 109 Luật Nhà ở 2014, phí bảo trì chung cư được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của chung cư. Quỹ bảo trì chung cư không được sử dụng cho việc quản lý vận hành chung cư và các mục đích khác.
Quỹ bảo trì chung cư được sử dụng để bảo trì các phần sở hữu chung của chung cư
Nếu chung cư bị phá dỡ mà quỹ bảo trì chưa sử dụng hết thì quỹ này được sử dụng để hỗ trợ cư dư tái định cư hoặc đưa vào quỹ bảo trì của chung cư mới sau khi chung cư được xây dựng lại.
Hoạt động bảo trì chung cư theo khoản 1 Điều 11 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD) quy định bao gồm những hoạt động sau:
Kiểm tra, kiểm định chất lượng, sửa chữa các nhỏ, sửa chữa lớn và sửa chữa định kỳ phần xây dựng chung cư;
Kiểm tra, duy trì hệ thống an toàn, hệ thống phòng cháy chữa cháy;
Thay thế các linh kiện, các thiết bị sử dụng chung của chung cư.
Cụ thể Điều 34 của Quy chế trên quy định các hạng mục sử dụng quỹ bảo trì chung cư bao gồm:
Các hạng mục và phần diện tích thuộc sở hữu chung, nhà sinh hoạt cộng đồng của chung cư;
Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, các thiết bị thuộc sở hữu chung và các thiết bị khác dùng chung trong chung cư;
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng kết nối với chung cư, các công trình công cộng;
Xử lý nước thải, hút bể phốt, cấy vi sinh hệ thống nước thải;
Các hạng mục khác thuộc sở hữu chung tại chung cư.
Dùng phí bảo trì chung cư không đúng mục đích bị phạt bao nhiêu? Trường hợp ban quan trị sử dụng quỹ sai quy định sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại. |
Khi nào phải đóng phí bảo trì chung cư?
Theo quy định tại Luật Nhà ở 2014, có thể xác định đối tượng phải đóng phí bảo trì chung cư gồm: Chủ đầu tư và chủ sở hữu chung cư.
Chủ đầu tư phải đóng phí bảo trì chung cư trong trường hợp sau:
Căn hộ, phần diện tích khác trong chung cư mà chủ đầu tư giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán, chưa cho thuê mua;
Căn hộ đã được mua bán, thuê mua hoặc diện tích khác trong căn hộ sau ngày 01/07/2006 mà trong hợp đồng mua bán, thuê mua không có thỏa thuận về kinh phí bảo trì.
Chủ sở hữu chung cư đóng phí bảo trì chung cư trong các trường hợp sau:
Căn hộ, phần diện tích khác trong chung cư mà chủ sở hữu mua, thuê mua (quy định trong hợp đồng mua bán, thuê mua);
Phí bảo trì không đủ để thực hiện bảo trì;
Chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong chung cư trước ngày 01/07/2006 mà chưa thu phí bảo trì;
Chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong chung cư sau ngày 01/07/2006 mà trong hợp đồng chưa tính phí bảo trì.
Cách tính phí bảo trì chung cư
Hiện nay, cách tính phí bảo trì chung cư được quy định cụ thể tại Điều 108 Luật Nhà ở 2014.
Cách tính phí bảo trì chung cư.
Theo đó:
Chủ sở hữu chung cư nộp phí: 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích khác mua, thuê mua. Trường hợp phí bảo trì không đủ và phải đóng thêm thì các chủ sở hữu thống nhất mức đóng.
Chủ đầu tư nộp phí: 2% giá trị căn hộ, diện tích giữ lại (tính theo giá bán căn hộ có giá cao nhất của nhà chung cư).