Vỉa hè là phần dọc theo hai bên đường dành cho người đi bộ, hoặc để đỗ xe tạm thời... Như vậy, chiều rộng vỉa hè được quy định như thế nào?
Chào bạn, vướng mắc của bạn chúng tôi xin được thông tin như sau:
Quy định chiều rộng vỉa hè như thế nào?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 36 Luật Giao thông đường bộ 2008 thì
1. Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
2. Các hoạt động khác trên đường phố phải thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này, trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Và tại Quyết định số 4927/QĐ-BGTVT vỉa hè tối thiểu được quy định dựa theo tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường theo các cấp độ khác nhau.
Cụ thể, tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến đường thực hiện các cấp A, B, C, D tuy nhiên chỉ đường cấp A và đường cấp B mới có quy định về chiều rộng vỉa hè. Cụ thể:
- Đường cấp A
+ Tốc độ tính toán: 30 (20) km/h;
+ Chiều rộng mặt đường tối thiểu: 3,5 m;
+ Chiều rộng lề đường tối thiểu: 1,50 (1,25) m;
+ Chiều rộng nền đường tối thiểu: 6,5 (6,0) m;
Như vậy chiều rộng vỉa hè tối thiểu ở tuyến đường cấp A là 1,50 (1,25) m
Đối với đường cấp B
+ Tốc độ tính toán: 20 (15) km/h;
+ Chiều rộng mặt đường tối thiểu: 3,5 (3,0) m;
+ Chiều rộng lề đường tối thiểu: 0,75 (0,5) m;
+ Chiều rộng của nền đường tối thiểu: 5,0 (4,0) m;
Đối với tuyến đường cấp B, chiều rộng vỉa hè quy định tối thiểu là 0,75 (0,5) m.
...
Như vậy, quy định chiều rộng vỉa hè có sự khác nhau giữa các tỉnh, Bộ Giao thông Vận tải chỉ quy định về chiều rộng tối thiểu của vỉa hè như trên, còn chiều rộng cụ thể tại các tuyến đường sẽ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại các tỉnh, thành quy định.
Bên cạnh đó, việc sử dụng vỉa hè vào mục đích khác ngoài mục đích giao thông cũng do UBND cấp tỉnh quy định riêng với điều kiện không được ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Chiều rộng vỉa hè ở mỗi tỉnh, thành có sự khác nhau. (Ảnh minh họa)
Sử dụng vỉa hè thế nào cho đúng luật?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 100/2013/NĐ-CP sửa đổi Điều 25 Nghị định 11/2010/NĐ-CP, vỉa hè chỉ được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp :
a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;
b) Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ;
c) Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ;
d) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó;
đ) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 1 Nghị định này cũng quy định việc sử dụng vỉa hè tạm thời không vào mục đích giao thông phải đảm bảo các điều kiện:
- Phần vỉa hè còn lại dành cho người đi bộ có chiều rộng tối thiểu là 1,5 mét
- Vỉa hè có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được sử dụng tạm thời.
Nếu sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố để trông, giữ xe có thu phí không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Như vậy, vỉa hè có chiều rộng khác nhau theo quy định của các tỉnh, thành và nếu sử dụng tạm thời vỉa hè để trông, giữ xe thì phải được UBND cấp tỉnh đồng ý đồng thời không được ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông.
Trên đây là quy định chiều rộng vỉa hè. Nếu còn băn khoăn, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 19006192 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.