hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 27/05/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định đảng viên tham gia tôn giáo [Cập nhật hiện hành]

Tự do tôn giáo là quyền của công dân, tuy nhiên đối với đối tượng đặc biệt như đảng viên thì cần lưu ý vấn đề gì? Quy định đảng viên tham gia tôn giáo năm 2024 có những nội dung đáng lưu ý sau đây.

Câu hỏi: Em là đảng viên dự bị thì có được tham gia tôn giáo không? Nếu là người theo đạo thì có đủ điều kiện kết nạp vào hàng ngũ của đảng không ạ?

Đảng viên có được tham gia sinh hoạt tôn giáo không?

Đảng viên có được tham gia sinh hoạt tôn giáo không?

Theo Điều 24 Hiến pháp 2013, Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 thì tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, theo/không theo tôn giáo nào là quyền của công dân; quyền này được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ, không bị xâm phạm. Việc bày tỏ niềm tin đối với tôn giáo, tín ngưỡng, thực hành lễ nghi, tham gia lễ hội,... hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu, mong muốn của công dân mà không bị cản trở, bị ép buộc.

Đảng viên cũng là một công dân trong xã hội, do đó, họ cũng có quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, được tôn trọng và bảo vệ quyền công dân này.

Đồng thời, theo Chương I Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 quy định về 19 điều Đảng viên không được làm, trong đó Điều 19 có nêu Đảng viên không được lợi dụng các hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi; không có bất kỳ quy định nào cấm về việc tham gia tôn giáo của Đảng viên.

Từ những căn cứ trên có thể khẳng định rằng đảng viên được quyền tham gia sinh hoạt tôn giáo, được nhà nước thừa nhận và bảo vệ quyền này. Tuy nhiên, Đảng viên cũng cần lưu ý không được lợi dụng quyền này để trục lợi.

Đảng viên vi phạm quy định về tín ngưỡng tôn giáo bị xử lý như thế nào?

Đảng viên vi phạm quy định về tín ngưỡng tôn giáo bị xử lý như thế nào?

Trên cơ sở quy định tại khoản 2 Điều 3 Quy định 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 thì đảng viên vi phạm được hiểu là người đảng viên không thực hiện theo, làm trái với quy định pháp luật, quy định của nhà nước, điều lệ đảng. Vi phạm quy định tín ngưỡng tôn giáo là trường hợp đảng viên có hành vi không thực hiện hoặc không tuân thủ các quy định về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo hoặc có hành vi làm trái với các quy định này.

Theo Điều 55 của Quy định 69 thì đảng viên vi phạm các quy định về hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo sẽ bị xử lý kỷ luật như sau:

* Trường hợp 1: Khiển trách

Nếu vi phạm các trường hợp dưới đây mà gây hậu quả ít nghiêm trọng:

  • Biết nhưng không có biện pháp để giáo dục, ngăn chặn hoặc không báo cáo mà để vợ/chồng/con tham gia vào tổ chức tôn giáo chưa được phép hoạt động/tuyên truyền đạo trái quy định pháp luật.

  • Mê tín hoặc dị đoan, xem bói, xóc thẻ, yểm bùa trừ tà ma hay những việc mê tín khác.

  • Cưỡng ép, có hành vi ngăn cản hoạt động tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo hợp pháp của các cá nhân khác.

  • Tiếp tay, vận động các cá nhân, tổ chức xây dựng cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trái phép, trái quy định.

* Trường hợp 2: Cảnh cáo hoặc cách chức (nếu đảng viên có chức vụ)

- Nếu vi phạm trường hợp 1, đã bị kỷ luật mà vẫn còn tài phạm;

- Nếu vi phạm trường hợp 1 gây hậu quả nghiêm trọng;

- Nếu vi phạm một trong những trường hợp dưới đây:

  • Tự ý theo tôn giáo hoặc tiếp nhận 1 chức sắc, vị trí trong tổ chức tôn giáo mà không báo cáo, xin ý kiến của chi bộ đảng hoặc đã báo cáo/xin ý kiến nhưng chưa được đồng ý bằng văn bản;

  • Phân biệt đối xử với cá nhân khác vì lý do tín ngưỡng, lý do tôn giáo dưới bất kỳ hình thức nào.

  • Tổ chức hoặc vận động, lôi kéo, dụ dỗ hay đe dọa, ép người khác tham gia vào tôn giáo bất hợp pháp.

  • Ủng hộ hoặc tham gia vào các tổ chức tôn giáo  bất hợp pháp. Vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo mà gây ra tác động xấu đến đoàn kết dân tộc, tác động xấu đến truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc Việt Nam chúng ta.

  • Bao che hoặc tiếp tay cho các hoạt động mê tín, dị đoan tại lễ hội hoặc lợi dụng tín ngưỡng, lợi dụng tôn giáo để trục lợi dưới mọi hình thức.

* Trường hợp 3: Khai trừ ra khải đảng

- Nếu vi phạm trường hợp 1, trường hợp 2 gây ra hậu quả rất nghiêm trọng;

- Nếu có hành vi vi phạm một trong các trường hợp liệt kê dưới đây:

  • Tổ chức kích động nhằm mục đích chia rẽ đoàn kết tôn giáo;

  • Cuồng tín, mù quáng với các hoạt động mê tín; hành nghề thầy bói, thầy cúng, thầy địa lý,...đồng cốt.

  • Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo để

(i) kích động bạo lực, để tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền những nội dung trái pháp luật nhằm phá hoại hoà bình, phá hoại độc lập, thống nhất của đất nước.

(ii) gây chia rẽ, gây kỳ thị, hoặc ly khai giữa các dân tộc, tôn giáo, nhân dân với nhau; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến sức khỏe/tính mạng, gây ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự hoặc tài sản của tổ chức/cá nhân; cản trở việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân.

  • Tham gia hoặc vận động, ủng hộ hoặc bao che, tiếp tay cho việc lập, xây các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo trái phép gây ra hậu quả rất nghiêm trọng.

Quy định về kết nạp đảng viên là người có đạo

Theo Mục 3 Hướng dẫn 01-HD/TW năm 2021 quy định các điều kiện để kết nạp đảng viên cũng như thủ tục kết nạp đảng, theo đó:

Pháp luật đặt ra các điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, trình độ học vấn, sự tự nguyện tham gia tổ chức đảng, sự tín nhiệm của mọi người, nhận thức đối với đảng, lý lịch đảng viên cũng như được người giới thiệu vào tổ chức đảng.

Nội dung thẩm tra lý lịch để xem xét kết nạp đảng viên gồm thẩm tra lý lịch của người vào đảng và bố mẹ đẻ hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng và vợ/chồng, con đẻ của người vào đảng.

Ngoài ra, không có bất kỳ quy định nào nêu rằng người theo đạo thì không được kết nạp đảng. Hiện nay nhiều người có đạo vẫn đứng trong hàng ngũ của đảng.

Do đó, người có đạo vẫn có thể trở thành đảng viên nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật quy định.

Trên đây là những nội dung liên quan đến “Quy định đảng viên tham gia tôn giáo năm 2024”.

Nếu cần giải đáp về các quy định của pháp luật, hãy gọi ngay các chuyên viên pháp lý theo số  19006192 để được hỗ trợ

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X