Luật Thi đua Khen thưởng 2022 và Nghị định hướng dẫn 98/2023/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày không 01/01/2024. Bài viết dưới đây sẽ trình bày các Quy định mới về Danh hiệu vinh dự Nhà nước [Cập nhật 2024] trong hai văn bản này.
Danh hiệu vinh dự Nhà nước là gì?
Căn cứ Điều 9 Luật Thi đua Khen thưởng 2022 thì Danh hiệu Nhà nước là một trong những hình thức khen thưởng cấp Nhà nước và được định nghĩa cụ thể tại khoản 1 Điều 59 như sau: Danh hiệu vinh dự Nhà nước là danh hiệu “để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân, tặng cho tập thể có những đóng góp đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”
Danh hiệu vinh dự Nhà nước là gì?
Trong đó, khoản 2 Điều 59 Luật Thi đua Khen thưởng 2022 liệt kê Danh hiệu cao quý của Nhà nước gồm có tám hình thức khác nhau cho từng đóng góp đặc biệt xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những đối tượng, lĩnh vực khác nhau, cụ thể như sau:
- Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng”;
- Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”;
- Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”;
- Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Anh hùng Lao động”;
- Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”;
- Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú”;
- Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú”;
- Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”.
Mức tiền thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước là bao nhiêu?
Mức tiền thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước là bao nhiêu?
Điều 56 Nghị định 98/2023/NĐ-CP có quy định cụ thể về mức tiền thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước cho từng Danh hiệu vinh dự Nhà nước cụ thể, được tổng hợp trong bảng dưới đây:
Đối tượng | Hình thức thưởng | |
Bà mẹ được tặng hoặc truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” | - Tặng Huy hiệu, Hộp đựng Huy hiệu, Bằng danh hiệu, khung - Tiền thưởng bằng 15,5 lần mức lương cơ sở | |
Danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động” | Cá nhân | - Tặng Bằng, khung, Huy hiệu, Hộp đựng Huy hiệu - Tiền thưởng bằng 15,5 lần mức lương cơ sở |
Tổ chức | - Tặng Cờ, Bằng, khung, Huy hiệu, Hộp đựng Huy hiệu - Tiền thưởng bằng 31 lần mức lương cơ sở | |
Cá nhân được tặng danh hiệu: “Nhà giáo nhân dân”,, “Thầy thuốc nhân dân”, , “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ nhân nhân dân” | - Tặng Huy hiệu, Hộp đựng Huy hiệu, Bằng khen, khung - Tiền thưởng bằng 12,5 lần mức lương cơ sở | |
Cá nhân được tặng danh hiệu: “Nhà giáo ưu tú”, , “Thầy thuốc ưu tú”, , “Nghệ sĩ ưu tú”, “Nghệ nhân ưu tú” | - Tặng Huy hiệu, Hộp đựng Huy hiệu, Bằng khen, khung - Tiền thưởng bằng 9,0 lần mức lương cơ sở |
Lưu ý, khi thực hiện cải cách tiền lương bãi bỏ lương cơ sở sẽ điều chỉnh cách tính mức thưởng đối với các Danh hiêu. Hiểu Luật sẽ cập nhật khi có thông tin hướng dẫn.
Các trường hợp bị tước Danh hiệu vinh dự Nhà nước
Điều 93 Luật Thi đua Khen thưởng 2022 quy định cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Cụ thể các trường hợp bị tước Danh hiệu vinh dự Nhà nước, thu hồi hiện vật khen thưởng và tiền thưởng:
- Có hành vi gian dối trong việc kê khai công trạng, thành tích để được tặng danh hiệu;
- Cung cấp thông tin sai sự thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ để đề nghị tặng danh hiệu;
- Thẩm định, xét, duyệt, đề nghị danh hiệu trái quy định của pháp luật;
- Có kết luận, quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền về việc người đã được tặng danh hiệu có vi phạm, khuyết điểm dẫn đến không bảo đảm tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu trong khoảng thời gian tính thành tích hoặc liên quan đến công trình, tác phẩm là cơ sở để tặng giải thưởng.
- Cá nhân bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc tử hình, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.
- Cá nhân được tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động” thời kỳ kháng chiến, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” mà bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác bị áp dụng hình phạt tù chung thân hoặc tử hình hoặc tham gia hoạt động chống phá chế độ, Đảng, Nhà nước, đào ngũ, phản bội, chiêu hồi mà bị chấm dứt hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
- Pháp nhân thương mại bị kết tội bằng bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật và bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Lưu ý: Cá nhân, pháp nhân thương mại bị tước Danh hiệu vinh dự Nhà nước mà sau đó có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật tuyên không có tội, miễn trách nhiệm hình sự hoặc không thuộc trường hợp 03 trường hợp nêu trên thì được phục hồi và trao lại danh hiệu vinh dự nhà nước.
Theo đó, hậu quả pháp lý khi bị tước Danh hiệu vinh dự Nhà nước được quy định tại Điều 76 Nghị định 98/2023/NĐ-CP như sau: Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được quyết định tước danh hiệu, cá nhân và tổ chức có trách nhiệm nộp lại đầy đủ hiện vật khen thưởng và tiền thưởng đã nhận cho bộ, ban, ngành, tỉnh nơi đã trình khen và chi tiền thưởng.
Giải đáp thắc mắc liên quan đến Danh hiệu vinh dự Nhà nước
Ai có thẩm quyền đề nghị xét tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước?
Căn cứ Điều 83 Luật Thi đua Khen thưởng 2022 thì thẩm quyền đề nghị xét tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước thuộc về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND cao, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng các ban của Đảng và tương đương ở trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Tổng Kiểm toán nhà nước, người đứng đầu cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp có tổ chức đảng đoàn hoặc có tổ chức đảng thuộc Đảng bộ khối các cơ quan trung ương, Giám đốc đại học quốc gia, Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Riêng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch là người có thẩm quyền.
Ai có thẩm quyền tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước?
Căn cứ Điều 77 Luật Thi đua Khen thưởng 2022 thì Chủ tịch nước là người có thẩm quyền
Mẫu bằng cờ Danh hiệu vinh dự Nhà nước
Mẫu bằng cờ danh hiệu vinh dự nhà nước được quy định tại Phụ II.2 và Phụ lục II.3 Nghị định 98/2023/NĐ-CP.
Trên đây là nội dung cụ thể về Quy định mới về Danh hiệu vinh dự Nhà nước [Cập nhật 2024].Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số 19006192 để hỗ trợ, giải đáp