Bình Dương là một trong 7 tỉnh có dân số đông nhất cả nước. Chính vì vậy mà nhu cầu tách thửa, mua bán cũng tỉ lệ thuận với số đông dân cư tập trung ở vùng này. So với trước đây, thủ tục pháp lý trong quy định việc tách thửa đất tại tỉnh Bình Dương có nhiều thay đổi, các loại đất như: đất nông nghiệp, đất ở đô thị…sẽ có thay đổi khác biệt. Vậy cụ thể những thay đổi này ra sao? Mời quý độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây:
Trả lời:
Xin chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi của bạn về quy định tách thửa tỉnh Bình Dương. Với những thắc mắc bạn gửi đến, chúng tôi giải đáp như sau:
1. Tách thửa đất tại tỉnh Bình Dương cần điều kiện gì?
Tại Điều 3 Quyết định 25/2017/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương quy định diện tích tối thiểu được tách thửa như sau:
- Đối với đất nông nghiệp:
Đơn vị hành chính | Diện tích (m2) |
Tại các phường | 300 |
Tại các thị trấn | 500 |
Tại các xã | 1000 |
Lưu ý: Trường hợp tách thửa đất nông nghiệp mà theo quy hoạch sử dụng đất là đất phi nông nghiệp, đất ở hoặc việc tách thửa đất ở còn phải đảm bảo tại vị trí tách thửa đã đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật (thông tin viễn thông, cấp thoát nước đường giao thông, các tuyến cấp điện…) phù hợp với quy hoạch xây dựng, đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật trong khu vực.
- Đối với đất phi nông nghiệp:
+ Đối với đất ở:
Đơn vị hành chính | Diện tích (m2) |
Tại các phường | 60 |
Tại các thị trấn | 80 |
Tại các xã | 100 |
- Đối với loại đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở):
Việc tách thửa đất phi nông nghiệp (không phải đất ở) được căn cứ cụ thể vào dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nhưng cần phải đảm bảo phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.
Ngoài ra, tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định việc tách thửa đất còn cần đáp ứng thêm các điều kiện:
- Đã được cấp sổ đỏ.
- Đang trong thời hạn sử dụng.
- Không thuộc trường hợp có tranh chấp đất đai.
- Thửa đất không thuộc trường hợp bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
- Đáp ứng đủ điều kiện về diện tích, kích thước thửa đất khi tách thửa.
Tóm lại, để được tách thửa thì thửa đất của bạn phải đáp ứng đủ các điều kiện mà chúng tôi đã phân tích ở trên.
2. Thủ tục tách thửa tại Bình Dương được thực hiện thế nào?
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Đơn đề nghị tách thửa (mẫu 11/ĐK kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT);
- Sổ đỏ;
- Bản sao (chứng thực) chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân và sổ hộ khẩu.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ hợp lệ cho cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận. Theo Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận là Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị tách thửa đất
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và thực hiện các công việc:
- Thực hiện các thủ tục và tiến hành đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
- Thực hiện việc lập hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền cấp sổ đỏ cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách;
- Cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; chỉnh lý hồ sơ, trao sổ đỏ cho người được cấp hoặc trong trường hợp người sử dụng đất nộp hồ sơ tại cấp xã thì cơ quan có thẩm quyền sẽ gửi kết quả đến Ủy ban nhân dân xã để trao cho người sử dụng đất.
Bước 4: Trả kết quả
Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định:
Không quá 15 ngày kể từ ngày nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ hợp lệ và không bị sai sót, bạn sẽ nhận được kết quả cùng với sổ đỏ và các văn bản giấy tờ có liên quan khác.
Nếu hồ sơ cần bổ sung giấy tờ hoặc có sai sót thì cơ quan tiếp nhận phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản (phải nêu rõ lý do) và yêu cầu bạn bổ sung hoặc trả hồ sơ.
3. Khoản tiền phải nộp khi thực hiện thủ tục tách thửa tại tỉnh Bình Dương
– Người có nhu cầu tách thửa phải nộp các khoản chi phí sau:
+ Chi phí đo đạc: Nếu bạn thuê đơn vị đo vẽ tư nhân thì chi phí đo đạc sẽ theo mức cụ thể của đơn vị đo vẽ. Nếu nếu việc đo vẽ được thực hiện bởi đơn vị đo vẽ hoạt động bằng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước thì chi phí đo đạc sẽ được tính theo quyết định thu lệ phí của từng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
+ Lệ phí cấp sổ: được quy định cụ thể theo quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh.
– Ngoài ra, nếu việc tách thửa là để tặng cho hoặc mua bán thì bạn còn có thể phải chịu thêm các chi phí khác như: phí ký hợp đồng, các khoản phí, thuế phải nộp khác là (thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, lệ phí thẩm định hồ sơ..)
Tóm lại, thủ tục tách thửa đất là hoạt động đăng ký biến động nhằm tách một phần thửa. Bạn có thể tham khảo về hồ sơ cũng như quy trình thực hiện thủ tục tách thửa theo nội dung mà chúng tôi đã giải đáp ở trên.
Bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin cần thiết về quy định tách thửa tỉnh Bình Dương. Để có thể tìm hiểu những vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ trực tiếp đến tổng đài 19006192 để được tư vấn kịp thời.