hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 08/05/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Diện tích nhỏ nhất được tách thửa tại Hậu Giang là bao nhiêu?

Cũng giống các tỉnh thành khác, Hậu Giang quy định các điều kiện cụ thể về tách thửa đất. Chỉ khi thửa đất đề nghị tách đáp ứng đầy đủ các quy định thì người sử dụng đất mới có thể thực hiện thủ tục tách thửa. Đối với mỗi vị trí thửa đất, điều kiện để được tách thửa cũng có sự khác biệt.

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có 200 m2 đất ở tại Hậu Giang đã được cấp giấy chứng nhận từ năm 2018. Hiện nay, tôi muốn tách thửa đất này thành 02 thửa đất (một thửa có diện tích 90 m2, thửa còn lại sau khi tách có diện tích 110 m2) để bán cho vợ chồng người bạn của mình. Xin hỏi Luật sư:

1. Diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại Hậu Giang là bao nhiêu?

2. Trình tự tách thửa đất ở để bán tại Hậu Giang như thế nào?

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi về tách thửa đất ở để bán tại Hậu Giang của bạn. Xoanh quanh vấn đề tách thửa đất này và dựa trên thông tin bạn cung cấp, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Diện tích tối thiểu được tách thửa đất ở tại Hậu Giang là bao nhiêu?

Hiện nay, việc tách thửa đất tại Hậu Giang được thực hiện theo quy định tại Quyết định 35/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang.

Căn cứ Điều 5 Quyết định 35/2014/QĐ-UBND, người sử dụng đất được phép tách thửa đất ở tại Hậu Giang phải đảm bảo đồng thời điều kiện về diện tích, kích thước tối thiểu ở từng vị trí đất cụ thể như sau:

Vị trí thửa đất ở Hậu Giang xin tách thửa đất

Diện tích tối thiểu của các thửa đất mới hình thành, thửa đất ở còn lại sau khi tách (sau khi trừ hành lang an toàn hoặc chỉ giới đường đỏ)

Kích thước bề rộng tối thiểu của thửa đất sau khi tách

Kích thước chiều sâu tối thiểu của thửa đất sau khi tách

Vị trí thửa đất ở là tại khu đất ở được quy hoạch mới khi tiếp giáp với đường giao thông có lộ giới (hoặc chỉ giới đường đỏ)   ≥ 20 m

45  m2

5 m

5 m

Thửa đất ở có vị trí tại các khu vực còn lại

36 m2

4 m

4 m

Bên cạnh đó, khi tách thửa đất tại Hậu Giang, người sử dụng đất phải đảm bảo không thuộc các trường hợp không được tách thửa quy định tại Điều 4 Quyết định 35/2014/QĐ-UBND. Các trường hợp này cụ thể là:

- Đã có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đối với phần diện tích đất đề nghị tách thửa;

- Tài sản gắn liền với đất của thửa đất đề nghị tách thửa đang bị các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền niêm phong tài sản để thực hiện bản án có hiệu lực của Tòa án;

- Thửa đất đề nghị tách thửa là thửa đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao hoặc cho người sử dụng đất thuê để thực hiện dự án nhưng người sử dụng đất không thực hiện đầu tư dự án;

Như vậy, để được tách thửa đất ở tại Hậu Giang, người sử dụng đất và thửa đất đề nghị tách phải đáp ứng đầy đủ các quy định mà chúng tôi đã nêu ở trên. Do chúng tôi chưa nhận được đầy đủ thông tin về thửa đất ở tại Hậu Giang đề nghị tách của bạn, nên về cơ bản, chúng tôi chỉ có thể nhận định thửa đất đề nghị tách của bạn đã đáp ứng điều kiện về diện tích tách thửa. Bạn đối chiếu lại với các quy định mà chúng tôi đã nêu trên để giải quyết tình huống của mình.

quy dinh tach thua tinh hau giang


Tách thửa đất ở để bán ở Hậu Giang như thế nào?

Việc tách thửa đất có thể nhằm mục đích để bán, để tặng cho, thế chấp, thừa kế…Dù là tách thửa để nhằm mục đích gì thì người sử dụng đất và thửa đất cũng phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ các quy định pháp luật về điều kiện tách thửa (diện tích, kích thước các cạnh thửa…).

Vì thế cho nên, để được tách thửa đất ở để bán tại Hậu Giang thì trước hết, thửa đất ở sau khi tách của bạn phải đảm bảo đầy đủ các quy định để được tách thửa như Quyết định 35/2014/QĐ-UBND (như chúng tôi đã nêu trên).

Sau khi đảm bảo các điều kiện để được tách thửa như trên, bạn có thể tiến hành tách thửa để bán theo quy trình, trình tự được quy định tại Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và các văn bản khác có liên quan như sau:

Bước 1: Thực hiện tách thửa đất

Bạn nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa đất tới cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất/chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất/văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất). Bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT gồm:

- Đơn đề nghị tách thửa đất (mẫu chung) số 11/ĐK;

- Giấy chứng nhận (sổ đỏ/sổ hồng) đã cấp (bản gốc);

- Bạn nên có thêm sổ hộ khẩu và giấy tờ tùy thân nộp cùng hồ sơ đề nghị tách thửa đất;

- Nếu bạn đã nhờ đơn vị đo đạc  tiến hành đo đạc thửa đất để tách thửa thì bạn có thể nộp kèm với hồ sơ đề nghị tách thửa là kết quả của việc đo đạc để tách thửa (bản đo vẽ/hồ sơ kỹ thuật thửa đất/trích đo địa chính..)

Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sau khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị tách thửa, thẩm định và kiểm tra hồ sơ, nếu thấy đảm bảo các điều kiện để được tách thửa thì thực hiện các công việc sau đây:

- Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp mới Giấy chứng nhận cho bên mua;

- Cập nhật, chỉnh lý các thông tin về diện tích, người sử dụng đất, kích thước cạnh thửa…trong cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính;

- Gửi thông tin sang cơ quan thuế có thẩm quyền để tính toán ra thông báo thuế cho các bên;

- Trả lời người đề nghị tách thửa đất về việc có đủ điều kiện hay không đủ điều kiện để được tách thửa.

Bước 2: Ký hợp đồng mua bán/chuyển nhượng quyền sử dụng một phần thửa đất

Bạn và bên mua thực hiện ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng/chứng thực sau khi nhận được kết quả trả lời đủ điều kiện tách thửa của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Trường hợp không đủ điều kiện để được tách thửa đất thì bạn không thể thực hiện thủ tục ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng/chứng thực.

Cơ quan có thẩm quyền chứng nhận/chứng thực hợp đồng này là tổ chức hành nghề công chứng có trụ sở đặt tại tỉnh Hậu Giang (văn phòng công chứng, phòng công chứng) hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

Bước 3: Thực hiện thủ tục sang tên quyền sử dụng đất

Bạn và bên mua thực hiện đăng ký biến động/sang tên quyền sử dụng đất tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo trình tự luật định.

Bạn nhận kết quả là sổ đỏ đã được xác nhận biến động và bên mua nhận sổ đỏ mới do cơ quan có thẩm quyền cấp sau khi các bên đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật.

Lưu ý: Nếu bạn không thực hiện thủ tục đăng ký biến động/sang tên trong khoảng thời gian pháp luật yêu cầu thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính.

Xem thêm: Chậm sang tên sổ đỏ bị phạt bao nhiêu tiền?

Như vậy, trình tự, thủ tục tách thửa đất để bán tại Hậu Giang được tiến hành theo các bước như chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về quy định tách thửa tỉnh hậu giang​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Giải pháp nào nếu tách thửa đất không có lối đi?

>> Thủ tục và chi phí tách thửa đất tặng cho con hiện nay thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X