Tách thửa đất để bán, để tặng cho…không còn là thủ tục mới lạ với nhiều người. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu được hết các quy định về điều kiện tách thửa. Đất ở tại Hưng Yên được phép tách thửa khi diện tích là bao nhiêu? Nếu chưa có sổ đỏ thì có được phép tách thửa đất tại Hưng Yên không?
Tôi cũng muốn tách một phần thửa đất chưa được cấp sổ của mình để bán cho người em họ của mình. Tôi mong Luật sư có thể giải đáp cho tôi một số vấn đề sau đây:
1. Hưng Yên cho phép tách thửa đất ở với diện tích nhỏ nhất là bao nhiêu?
Chào bạn, Hưng Yên hiện nay cho phép người sử dụng đất được tách thửa đất ở khi đảm bảo các điều kiện nhất định. Với các thắc mắc của bạn, dựa trên quy định của tỉnh Hưng Yên và pháp luật đất đai hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Diện tích tối thiểu được tách thửa đất ở tại Hưng Yên là bao nhiêu?
Trước tiên, Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên ban hành quy định tách thửa đất ở trên địa bàn tỉnh theo Quyết định 18/2014/QĐ-UBND.
Căn cứ Điều 9 Quyết định 18/2014/QĐ-UBND, để được tách thửa, thửa đất ở sau khi tách (bao gồm các thửa đất ở mới hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách) tại Hưng Yên phải đảm bảo đồng thời điều kiện về diện tích, kích thước tối thiểu như sau:
Vị trí thửa đất ở tách thửa | Diện tích tối thiểu của thửa đất ở sau khi tách | Kích thước tối thiểu của cạnh mặt đường | Kích thước tối thiểu của cạnh chiều sâu | |
Đất ở tách thửa tại đô thị | 30 m2 | 3 m | 5 m | |
Đất ở tách thửa tại nông thôn | Thửa đất ở ven quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, ven chợ | 40 m2 | 4 m | 8 m |
Thửa đất ở tại vị trí còn lại | 50 m2 | 4 m | 10 m |
=> Theo đó, để được tách thửa đất ở tại Hưng Yên thì các thửa đất sau khi tách phải có diện tích tối thiểu là 30 m2 đối với đất ở tại đô thị và 40 m2 là diện tích nhỏ nhất cho đất ở tại nông thôn (khu vực đất ở ven quốc lộ, chợ, đường tỉnh, đường huyện). Bên cạnh diện tích tối thiểu thì thửa đất ở sau khi tách còn phải đáp ứng kích thước tối thiểu các cạnh thửa như quy định.
Lưu ý: Một số trường hợp ngoại lệ khi tách thửa đất (Điều 10 Quyết định 18/2014/QĐ-UBND)
Trường hợp 1: Tách thửa đồng thời với hợp thửa đất liền kề (khoản 3 Điều 10 Quyết định 18/2014/QĐ-UBND)
Khi thửa đất sau khi tách có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu được quy định tại Điều 9 như chúng tôi đã nêu trên mà người sử dụng đất đề nghị tách thửa đồng thời với hợp thửa đất sau tách thửa với thửa đất liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu theo quy định, thì được phép tách thửa.
Thủ tục tách thửa đất phải được tiến hành đồng thời với việc hợp thửa đất theo quy định pháp luật hiện hành.
Trường hợp 2: Thửa đất được hình thành do người sử dụng đất tự ý tách thửa từ sau 30/07/2011(ngày có hiệu lực của Quyết định 14/2011/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)
Nếu thửa đất ở được hình thành từ sau ngày 30/07/2011 do người sử dụng đất tự ý tách thửa mà diện tích của một trong thửa đất được hình thành không đảm bảo đủ điều kiện về diện tích tối thiểu như quy định tại Điều 9 đã nêu trên thì không được cấp Giấy chứng nhận, đồng thời, người sử dụng đất cũng không được thực hiện các quyền của người sử dụng đất (tặng cho, thừa kế, chuyển nhượng, thế chấp…).
Kết luận: Để được tách thửa đất ở tại Hưng Yên thì một trong những điều kiện bắt buộc là thửa đất sau khi tách (các thửa đất mới hình thành, thửa đất còn lại) phải đảm bảo diện tích tối thiểu tại từng vị trí theo quy định như chúng tôi nêu trên.
Đất tại Hưng Yên chưa có sổ đỏ, được phép xin tách thửa không?
Để được tách thửa đất tại Hưng Yên (áp dụng đối với mọi loại đất được phép tách thửa) thì thửa đất phải đảm bảo các điều kiện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 8 Quyết định 18/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên. Cụ thể gồm:
Một là, thửa đất đề nghị tách thửa phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ/sổ hồng) (điểm a khoản 1 Điều 8 Quyết định 18/2014/QĐ-UBND và được sửa đổi bổ sung bởi điểm 4.1 Khoản 4 Điều 2 Quyết định 04/2017/QĐ-UBND)
Nếu thửa đất đề nghị tách thửa trong trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được phép tách thửa khi có Giấy chứng nhận hoặc khi thửa đất đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận theo quy định pháp luật hiện hành.
Hai là, diện tích, kích thước của các thửa đất sau khi tách phải đáp ứng quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa tại Quyết định 18/2014/QĐ-UBND (điểm b khoản 1 Điều 8 Quyết định 18/2014/QĐ-UBND)
Ba là, thửa đất đề nghị tách thửa phải không thuộc trường hợp không được phép tách thửa (khoản 2 Điều 8 Quyết định 18/2014/QĐ-UBND)
Các trường hợp này bao gồm:
- Thửa đất đề nghị tách thửa thuộc các dự án phát triển nhà ở theo quy hoạch hoặc theo các dự án đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch để xây dựng nhà ở đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Thửa đất đề nghị tách thuộc khu vực đã có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp huyện/Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…);
- Thửa đất đề nghị tách không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận theo quy định của pháp luật về đất đai.
Như vậy, đối chiếu với các điều kiện để được tách thửa đất nêu trên tại Hưng Yên, người sử dụng đất chỉ được tách thửa khi có Giấy chứng nhận (ngoại trừ trường hợp tách thửa khi nhận thừa kế thì thửa đất đề nghị tách chỉ cần đảm bảo đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận).
Từ quy định này, suy ra, thửa đất bạn dự định tách một phần để bán là thửa đất chưa được cấp sổ đỏ/sổ hồng (chưa có Giấy chứng nhận) đã không đảm bảo điều kiện được phép tách thửa tại Hưng Yên. Vì thế, bạn không thể thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định pháp luật. Để được tách thửa, bạn cần tiến hành thủ tục cấp sổ đỏ/sổ hồng lần đầu cho thửa đất, sau đó tiến hành thủ tục tách thửa.
>> Thủ tục và chi phí tách thửa đất tặng cho con hiện nay thế nào?