Quy định tách thửa tỉnh Phú Thọ đối với đất ở như thế nào? Diện tích đất ở từ 50 m2 trở lên có được phép tách thửa không? Hạn mức công nhận đất ở tại Phú Thọ là bao nhiêu?
Diện tích tối thiểu để tách thửa đất ở tại tỉnh Phú Thọ là bao nhiêu?
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có thửa đất ở tại Phú Thọ có diện tích 100 m2 đã được cấp sổ hồng. Nay tôi muốn tách thành 02 thửa, mỗi thửa 50 m2 để tặng cho con gái và con rể tôi một thửa.
Điều 6 Quyết định 12/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Phủ Thọ quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất ở trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, cụ thể như sau:
- Diện tích tối thiểu của các thửa đất sau khi tách (thửa đất mới hình thành, thửa đất còn lại sau khi tách) là 50 m2 áp dụng tại các vị trí, khu vực của thửa đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ;
- Trong trường hợp thửa đất được tách thửa trước ngày 13/6/2007 (ngày Nghị định 84/2007/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) mà có diện tích nhỏ hơn 50 m2 thì được xem xét cấp Giấy chứng nhận;
- Trường hợp thửa đất mới hình thành, thửa đất còn lại sau khi tách có diện tích nhỏ hơn 50 m2, đồng thời, thửa đất nhỏ hơn 50 m2 được hợp với thửa liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích lớn hơn hoặc bằng 50 m2 thì vẫn được phép tách thửa.
Như vậy, diện tích của các thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách phải đảm bảo diện tích tối thiểu là 50 m2 thì đủ điều kiện để được tách thửa tại tỉnh Phú Thọ. Đối chiếu với trường hợp của bạn, diện tích mỗi thửa dự định là 50 m2 đã đáp ứng điều kiện về diện tích tổi thiểu được phép tách thửa đất. Bạn có thể thực hiện thủ tục tách thửa tặng cho con gái và con rể của mình.
Xem thêm: Thủ tục và chi phí tách thửa để tặng cho con như thế nào?
Hạn mức công nhận đất ở tại tỉnh Phú Thọ là bao nhiêu?
Câu hỏi: Chào Luật sư. Gia đình tôi đang thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu tại Phú Thọ. Tôi muốn Luật sư giải đáp cho tôi, hạn mức công nhận đất ở tại Phú Thọ như thế nào? Xin chân thành cảm ơn.
Chào bạn, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất được hiểu là diện tích tối đa mà hộ gia đinh/cá nhân/tổ chức được Nhà nước công nhận để sử dụng vào một mục đích nhất định. Hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở là diện tích tối đa mà hộ gia đình/cá nhân được Nhà nước công nhận để sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở, các công trình khác phục vụ cho đời sống.
Ngoài ra, hạn mức công nhận đất ở còn được dùng làm căn cứ để tính tiền sử dụng đất khi công nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân.
Căn cứ Quyết định 12/2014/QĐ-UBND và khoản 2 Điều 1 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND (Quyết định sửa đổi bổ sung Điều 4 Quyết định 12/2014/QĐ-UBND), Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ quy định hạn mức công nhận đất ở đối với từng khu vực như sau:
Một là, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân được tính theo số lượng nhân khẩu (số lượng người tính theo sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ xác nhận nơi thường trú) của hộ gia đình đó:
- Hạn mức công nhận đất ở tại các phường, thị trấn: 50 m2/01 khẩu;
- Hạn mức công nhận đất ở tại các xã đồng bằng, trung du: 75 m2/01 khẩu;
- Hạn mức công nhận đất ở tại các xã miền núi: 100 m2/01 khẩu.
Như vậy, tùy thuộc vào số lượng nhân khẩu trong một hộ gia đình, vị trí của thửa đất mà hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở cũng có sự khác biệt.
Hai là, hạn mức công nhận đất ở theo số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình được quy định nêu trên được áp dụng để:
- Xác định diện tích đất ở trong trường hợp thửa đất ở có diện tích đất vườn, ao được hình thành từ ngày 18/12/1980 đến trước ngày 01/7/2004 và người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013 mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở. Đồng thời, diện tích đất ở được công nhận quyền sử dụng đất là phần diện tích đất không vượt quá diện tích của thửa đất đó.
Ví dụ: Thửa đất đề nghị công nhận quyền sử dụng đất ở tại khu vực đồng bằng, hộ gia đình có 04 người, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời trước 15/10/1993 mà trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời không ghi rõ diện tích đất ở. Diện tích của thửa đất đề nghị công nhận quyền sử dụng đât là 500 m2.
Lúc này, theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình này là 75 m2 x 04 = 300 m2, diện tích đất vượt quá 300 m2 sẽ không được công nhận quyền sử dụng đất là đất ở mà được công nhận quyền sử dụng đất theo hiện trạng, mục đích đang sử dụng.- Xác định diện đất ở đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013, đồng thời, đất đã sử dụng ổn định từ thời điểm trước ngày 15/10/1993.
Ví dụ: Thửa đất xin được cấp Giấy chứng nhận sử dụng từ năm 1991, không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật đất đai và không có một trong những giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013. Thửa đất có vị trí tại khu vực đô thị, hộ gia đình sử dụng đất có 03 người. Lúc này, hạn mức công nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình này là 50 m2 x 3 = 150 m2.
Lưu ý: Số lượng nhân khẩu để xác định diện tích đất ở theo quy định trên là số khẩu (số người) hiện có của hộ gia đình sử dụng đất (theo khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất) tại thời điểm xem xét công nhận quyền sử dụng đất ở.
Kết luận: Tùy thuộc từng vị trí thửa đất và số lượng người trong một hộ gia đình (những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng tại thời điểm được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất) mà hạn mức công nhận quyền sử dụng đất có sự khác biệt.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về quy định tách thửa tỉnh Phú Thọ, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Quy trình cấp sổ đỏ lần đầu theo Luật Đất đai 2013 thế nào?
>> Cấp sổ đỏ cho thửa đất thuộc nhiều xã, phường thế nào?