hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 22/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định tách thửa tỉnh Quảng Nam năm 2022 như thế nào?

Tỉnh Quảng Nam cho phép tách thửa đối với đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp mà không phải là đất ở. Mỗi một loại đất phải đảm bảo các điều kiện về diện tích khác nhau khi tách thửa.

Diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất ở tại thành phố Hội An là bao nhiêu?

Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi có thửa đất ở tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Nay ba mẹ tôi muốn tách thửa đất này thành 02 thửa để tặng cho tôi 01 thửa. Xin Luật sư cho biết, diện tích nhỏ nhất được phép tách thành thửa đất riêng tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam là bao nhiêu? Xin chân thành cảm ơn.

Xin chào bạn, hiện nay Quảng Nam cho phép tách thửa đối với đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Điều kiện để tách thửa đối với mỗi loại đất này có sự khác biệt.

Căn cứ Điều 14 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, diện tích, kích thước tối thiểu của mỗi thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách như sau:

Diện tích tối thiểu:

Diện tích tối thiểu

Khu vực I:

-  Thửa đất tại các phường thuộc thành phố Hội An và thành phố Tam Kỳ, phường Vĩnh Điện thuộc thị xã Điện Bàn;

- Thửa đất tại nội thị trấn thuộc các huyện: Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Quế Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức, Phú Ninh;

- Thửa đất tại các thửa đất có mặt tiếp giáp với trục giao thông chính liên xã, huyện lộ, tỉnh lộ, quốc lộ hoặc các thửa đất có mặt tiếp giáp với các trục giao thông chính đi vào các khu thương mại, khu du lịch, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề đã được hình thành thuộc các huyện, thị xã, thành phố nêu trên;

Khu vực II:

- Thửa đất tại các xã, phường còn lại thuộc thị xã Điện Bàn, các thị trấn hoặc phường được thành lập hoặc sáp nhập từ sau ngày 01/6/2015 (trừ khu vực nội thị của thị trấn Tân An (cũ) trước khi xác nhập để thành lập thị trấn Tân Bình (mới) của huyện Hiệp Đức) trên địa bàn tỉnh.Quảng Nam;

- Thửa đất tại khu vực nội thị trấn thuộc các huyện: Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang và Đông Giang; trung tâm các huyện lỵ: Nông Sơn, Nam Trà My và Tây Giang;

- Thửa đất tại các xã và các khu vực ngoại thị trấn thuộc các huyện, thành phố: Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Núi Thành, Quế Sơn, Hội An, Tam Kỳ, Phú Ninh (trừ xã Tam Lãnh); khu vực ngoại thị trấn thuộc các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức;

Khu vực III:

Thửa đất tại các xã và các khu vực ngoại thị trấn còn lại trừ khu vực I và khu vực II

Diện tích tối thiểu của thửa đất hình thành mới và thửa đất còn lại sau khi tách tại các khu vực

40 m2

50 m2

60 m2

Kích thước tối thiểu:

Thửa đất ở được hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách phải đảm bảo kích thước chiều rộng mặt tiền ≥ 4 m. Trong trường hợp thửa đất có chiều rộng mặt tiền > 04 m thì chiều sâu (tính từ mặt tiền đến hết thửa đất) phải đảm bảo ≥ 05 m (sau khi trừ lộ giới hoặc các công trình có hành lang bảo vệ).

Như vậy, thửa đất ở của bạn tại thành phố Hội An thuộc khu vực I thì phải đảm bảo diện tích tối thiểu của các thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại là 40 m2, đồng thời, kích thước cạnh thửa phải đảm bảo điều kiện như chúng tôi đã nêu trên.

quy dinh tach thua tinh quang nam

Diện tích mỗi thửa sau khi tách là 30 m2 thì có được phép tách thửa đất ở tại Quảng Nam không?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư. Tôi có thửa đất ở tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Nay tôi có nhu cầu tách thửa đất này thành 02 thửa, mỗi thửa có diện tích 30 m2. Tôi đọc báo thì thấy tỉnh Quảng Nam không cho phép tách thửa khi diện tích chỉ có 30 m2. Vậy, mong Luật sư giải đáp cho tôi, trong trường hợp của tôi thì có thể tách thửa được không? Xin cảm ơn.

Chào bạn, hiện nay tỉnh Quảng Nam quy định các điều kiện tách thửa đối với các loại đất tại Quyết định 15/2020/QĐ-UBND.

Theo đó, điều kiện tối thiểu của mỗi thửa đất ở mới được hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam là 40 m2 (Điều 14 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND). Với diện tích mỗi thửa đất dự định tách ra là 30 m2, thửa đất của bạn đã không đảm bảo quy định tại Điều 14 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND.

Tuy nhiên, nếu việc tách thửa của bạn là một trong những trường hợp được quy định tại Điều 16 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND thì vẫn có thể được xem xét, cho phép tách thửa, cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Việc tách thửa được xem xét cho phép thực hiện nếu: Diện tích mỗi thửa mới được hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách tối thiểu là 30 m2, cạnh chiều rộng mặt tiền ≥ 3,5 m, cạnh chiều sâu (tính từ mặt tiền đến hết thửa đất) ≥ 05 m, đồng thời thửa đất gốc đã được cấp Giấy chứng nhận và thuộc một trong những trường hợp được liệt kê dưới đây:

- Tách thửa đất để phân chia tài sản là quyền sử dụng đất khi ly hôn hoặc sau khi ly hôn, để thừa kế di sản là quyền sử dụng đất;

- Thực hiện tách thửa đất để thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất do hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn.

Lưu ý: Việc xác định hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và chịu trách nhiệm. Việc xác nhận của Chủ tịch UBND cấp xã trên cơ sở ý kiến của hội đồng tư vấn cấp xã, ý kiến này phải được lập bằng biên bản.

Thành phần hội đồng tư vấn cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định, bao gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo dõi công tác quản lý đất đai làm Chủ tịch Hội đồng và các thành viên là công chức địa chính, ủy viên Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã, cán bộ tư pháp, đại diện khối phố/tổ dân phố;

- Thửa đất đủ diện tích tối thiểu được tách thửa tại Điều 14 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND (quy định về diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất ở) nhưng trước đây người sử dụng đất đã hiến đất để thực hiện các công trình trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố (đã được đăng ký biến động theo quy định trên Giấy chứng nhận), hiện nay diện tích đất còn lại đủ diện tích tối thiểu quy định tại khoản 1 Điều 16 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND (từ 30 m2 trở lên) thì được phép tách thửa;

Lưu ý: Khi tách thửa trong các trường hợp này mà phải thực hiện thủ tục cấp đổi, cấp lại hoặc cấp mới Giấy chứng nhận thì thẩm quyền thực hiện là của Sở Tài nguyên và Môi trường (hoặc Văn phòng Đăng ký đất đai Quảng Nam trường hợp được ủy quyền) và phải có văn bản thống nhất đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất tách thửa (kèm theo hồ sơ).

Trường hợp 2: Trường hợp người sử dụng đất tự thực hiện dự án đầu tư hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất để người nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư

Để được tách thửa đất thì các dự án đầu tư của người sử dụng đất trong trường hợp này phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Lúc này, diện tích đất tối thiểu được tách thửa (đối với thửa đất mới được hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách) thực hiện theo dự án đầu tư phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (Ủy ban nhân dân cấp huyện/Ủy ban nhân dân cấp tỉnh...).

Lưu ý: Nếu trường hợp diện tích thửa đất còn lại sau khi tách thửa nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định tại Điều 14 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND (quy định về diện tích tối thiểu tách thửa đối với đất ở) thì người sử dụng đất vẫn được cấp Giấy chứng nhận cho diện tích còn lại theo quy định hiện hành.

Trường hợp 3: Tách thửa trong khu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố

- Trong trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện hoặc đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện nơi có đất mà diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án/chuyển mục đích sử dụng đất.

Sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích, lúc này, cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất đã ghi trong kế hoạch sử dụng đất. Tại đây người sử dụng đất được thực hiện việc tách thửa như bình thường.

- Việc tách thửa được phép cũng được thực hiện trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh hủy bỏ hoặc có điều chỉnh hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh hủy bỏ.

Trường hợp 4: Trường hợp người sử dụng đất đề tách thửa liên quan đến việc mở đường (đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông cục bộ) khớp nối với giao thông công cộng hiện có

Lúc này căn cứ khoản 4 Điều 16 Quyết định 15/2020/QĐ-UBND, việc tách thửa được thực hiện đối với mỗi loại đất sau khi chủ sử dụng đất lập văn bản, bản vẽ mặt bằng chi tiết gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất (hoặc cơ quan có thẩm quyền về quản lý quy hoạch, xây dựng) để được phê duyệt và lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất hoặc thu hồi đất, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng (phần diện tích đất này thể hiện là đường giao thông). Cụ thể như sau:

a) Đối với đất ở: người sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký chuyển mục đích không phải xin phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động theo điểm d, khoản 1, Điều 12, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

b) Đối với đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp (không phải là đất ở): trước khi tách thửa người sử dụng đất phải có văn bản trả lại đất (kèm theo trích đo địa chính khu đất xin trả do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện lập) gửi UBND cấp xã; trên cơ sở đó UBND cấp xã có văn bản đề nghị gửi phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện để thẩm tra xác minh thực địa, tham mưu cho UBND cấp huyện ban hành quyết định thu hồi đất theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 65 Luật Đất đai giao cho UBND cấp xã quản lý sử dụng vào mục đích giao thông, hướng dẫn cho người có đất xin trả lại đất tự xây dựng đường giao thông theo hướng dẫn của Sở Xây dựng.

c) Về tiêu chuẩn và độ rộng của đường khi được phép mở: đối với đường trong khu dân cư đô thị thì phải phù hợp với quy hoạch đô thị được phê duyệt, trường hợp khu vực đô thị chưa được phê duyệt quy hoạch thì UBND cấp huyện căn cứ về hạ tầng giao thông, đề xuất tuân thủ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hành. Ngoài ra, đối với khu vực nông thôn UBND tỉnh đã ban hành các thiết kế mẫu để áp dụng trong Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới để thống nhất chủ trương về tiêu chuẩn và độ rộng của đường khi được phép mở.

Như vậy, với diện tích thửa đất mới được hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách là 30 m2 thì người sử dụng đất có thể được xem xét, giải quyết việc tách thửa nếu thuộc một trong những trường hợp mà chúng tôi đã giải đáp ở trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về quy định tách thửa tỉnh Quảng Nam, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Đất không có đường đi phải làm thế nào?

>> Thủ tục tách thửa tặng cho con hiện nay thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X