hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 20/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định tách thửa tỉnh Quảng Trị năm 2022 thế nào?

Tách thửa đất ở, đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm tại Quảng Trị phải đảm bảo các điều kiện như thế nào? Đất vườn ao có được tách thửa không và diện tích phải đảm bảo bao nhiêu?

Năm 2022, diện tích đất ở được tách thửa đất tỉnh Quảng Trị là bao nhiêu?

Câu hỏi: Chào Luật sư. Chị tôi có một thửa đất ở tại Quảng Trị. Chị tôi muốn tách một phần để bán. Vậy Luật sư cho tôi hỏi: Tỉnh Quảng Trị quy định bao nhiêu m2 thì được tách thửa đất ở? Cảm ơn Luật sư.

Chào bạn, hiện nay, việc tách thửa đất ở tại Quảng Trị được thực hiện theo Quyết định 30/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị. Để được tách thửa thì thửa đất ở phải đảm bảo các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, để được tách thửa thì thửa đất ở mới hình thành, thửa đất ở còn lại sau khi tách phải đảm bảo đồng thời diện tích và kích thước tối thiểu được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND như sau:

- Thửa đất ở thuộc khu vực đô thị:

+ Diện tích của thửa đất ở mới hình thành, thửa đất ở còn lại sau khi tách phải ≥ 45 m2;

+ Chiều rộng cạnh mặt tiền tiếp giáp với đường giao thông hiện phải ≥ 4,5 m;

+ Chiều sâu được tính từ chỉ giới xây dựng (đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên thửa đất) ≥ 10 m.

- Thửa đất ở thuộc khu vực nông thôn:

+ Diện tích của thửa đất ở mới hình thành, thửa đất ở còn lại sau khi tách phải ≥ 60 m2;

+ Chiều rộng cạnh mặt tiền tiếp giáp với đường giao thông hiện phải ≥ 5 m;

+ Chiều sâu được tính từ chỉ giới xây dựng (đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên thửa đất) ≥ 12 m.

Lưu ý: Diện tích các thửa đất ở mới hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách không bao gồm diện tích đất vườn/ao trong cùng thửa đất ở đề nghị tách (thửa đất vườn/ao này cùng thửa đất ở nhưng chưa được công nhận là đất ở). Trong trường hợp thửa đất đề nghị tách thửa không đảm bảo điều kiện về diện tích tối thiểu để tách thửa thì người sử dụng đất phải thực hiện thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất trước khi đề nghị tách thửa theo quy định pháp luật hiện hành.

Thứ hai, để được tách thửa thì thửa đất ở tại Quảng Trị còn phải đảm bảo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND, cụ thể gồm các điều kiện sau:

- Thửa đất ở đã được cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất);

- Thửa đất ở mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách thửa (đã trừ đi phần diện tích trong chỉ giới quy hoạch, phần diện tích thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng) phải có đường giao thông hiện hữu (lối vào/đường đi) vào thửa đất (điều kiện này không áp dụng đối với thửa đất đề nghị tách là đất sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp tập trung nằm ngoài dân cư);

- Trong trường hợp thửa đất ở có nhà ở thì sau khi thực hiện tách thửa, diện tích thửa đất có nhà ở phải đảm bảo lớn hơn hoặc bảng diện tích đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống hiện hữu (công trình phục vụ sinh hoạt, ví dụ nhà bếp, khu nhà vệ sinh, khu chuồng trại chăn nuôi,…).

Thứ ba, nếu thửa đất ở đề nghị tách thửa thuộc trường hợp đặc thù theo quy định tại Điều 7 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND thì điều kiện tách thửa được thực hiện theo quy định đó. Chi tiết như sau:

Trường hợp đặc thù 1: Thửa đất ở đề nghị tách thửa có hình dạng đặc thù (điểm a khoản 1 Điều 7 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND): Cạnh tiếp giáp với đường giao thông không đủ kích thước tối thiểu để tách thành 02 thửa đất nếu trong phạm vi thửa đất tách ra và thửa đất còn lại dựng được hình chữ nhật, có 4 cạnh thỏa mãn điều kiện về diện tích, kích thước cạnh tối thiểu theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND như chúng tôi đã nêu trên thì được pháp tách ra thêm 01 thửa đất.

Tuy nhiên, thửa đất sau khi tách ra và thửa đất còn lại phải có cạnh tiếp giáp với đường giao thông hiện hữu, kích thước cạnh này phải lớn hơn hoặc bằng 3 m;

Trường hợp đặc thù 2: Thửa đất ở nằm tại vị trí cuối cùng của đường không thông nhau (nằm ở ngõ cụt) (điểm b khoản 1 Điều 7 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND)

Nếu thửa đất ở đề nghị tách thửa nằm ở vị trí này thì khi tách thửa không bắt buộc cạnh tiếp giáp với đường giao thông phải đảm bảo kích thước tối thiểu theo quy định tại Quyết định 30/2021/QĐ-UBND, tuy nhiên, trong thửa đất ở này phải dựng được hình chữ nhật có kích thước cạnh là 4,5 m x 10 m đối với các thửa đất có vị trí ở khu vực đô thị và kích thước các cạnh là 5 m x 12 m đối với các thửa đất có vị trí ở khu vực nông thôn.

Trường hợp đặc thù 3: Tách thửa để chuyển mục đích sử dụng đất và các thửa đất sau khi tách thửa (thửa đất mới được hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách) vẫn của một chủ sử dụng đất thì việc phân vị trí, loại đường không thay đổi so với vị trí, loại đường trước đó đã được quy định (khoản 2 Điều 7 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND).

Trường hợp đặc thù 4: Tách thửa đất mà đường đi vào thửa đất tách ra phải băng qua (cắt ngang) mương nước tiếp giáp với đường giao thông thì việc tách thửa được tiến hành theo khoản 3 Điều 7 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND như sau:

3. Trường hợp tách thửa đất mà đường đi vào thửa đất tách ra phải băng qua mương nước tiếp giáp đường giao thông thì xử lý như sau: Nếu mương nước đã được ngầm hóa (hoặc sơ đồ tại Giấy chứng nhận thể hiện thửa đất giáp mương hở nhưng hiện trạng đã ngầm hóa) thì được tách thửa theo quy định đồng thời với việc chỉnh lý hồ sơ địa chính. Trường hợp đường đi vào thửa đất phải băng qua mương nước hở thì trước khi thực hiện việc tách thửa yêu cầu người sử dụng đất tự ngầm hóa mương nước hoặc xây dựng cầu, cống để làm lối đi qua thửa đất và phải được cơ quan quản lý công trình theo quy định về phân cấp quản lý cho phép, chấp thuận (cơ quan chuyên ngành cho phép hoặc cơ quan quản lý đô thị chấp thuận đối với khu vực đô thị; Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận đối với khu vực nông thôn).

Trường hợp đặc thù 5: Thửa đất ở thuộc phạm vi quy hoạch để thực hiện dự án đầu tư đã có trong danh mục dự án thu hồi đất/chuyển mục đích sử dụng đất đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua hoặc thửa đất ở đã có thông báo thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, thửa đất ở có thông báo thu hồi đất này có một phần diện tích nằm ngoài phạm vi thực hiện dự án thì được phép tách thửa phần diện tích đất nằm ngoài phạm vi dự án đầu tư nhưng phải đảm bảo các quy định về điều kiện, diện tích tách thửa và điều kiện khác được phép tách thửa tại Điều 5, Điều 6 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND như chúng tôi đã nêu trên;

Trường hợp đặc thù 6: Tách thửa đất nông nghiệp (bao gồm cả đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư) để nhằm mục đích chuyển mục đích sử dụng dụng một phần thửa đất thì diện tích được phép tách thửa theo kết quả thẩm định về nhu cầu, điều kiện của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,…) và phải đảm bảo về diện tích, kích thước tối thiếu được quy định tại Quyết định 30/2021/QĐ-UBND (quy định này không áp dụng với trường hợp chuyển mục đích một phần để hợp với thửa đất liền kề).

Thứ tư, nếu tách thửa đất ở thành 02 hay nhiều thửa đất có hình thành lối đi, đường giao thông mới thì thửa đất ở phải đảm bảo quy định tại khoản 4 Điều 6 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND

Tại đây, việc tách thửa đất có thể thuộc trường hợp có thể thỏa thuận lối đi chung với người sử dụng đất liền kề hoặc việc tách thửa trong trường hợp mở đường giao thông theo dự án đầu tư đã được phê duyệt, cụ thể như sau:

a) Trường hợp tách thửa thỏa thuận lối đi chung thì thỏa thuận theo quy định của Bộ Luật Dân sự và quyền sử dụng đất hạn chế đối với thửa đất liền kề thì thực hiện theo Điều 171 Luật Đất đai 2013; vị trí, kích thước, phần diện tích chiều rộng lối đi chung được thể hiện trên văn bản nhưng tối thiểu phải là 3,0 m (kèm theo sơ đồ) để xác lập quyền hạn chế giữa các bên liên quan;

b) Trường hợp mở đường giao thông mới theo dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận mà người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất cho nhà nước, cộng đồng dân cư để thực hiện dự án đó thì người sử dụng đất phải lập văn bản tặng cho, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận (có sơ đồ kèm theo). Việc tách thửa đất chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành công trình đường giao thông đưa vào sử dụng, đã được Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện chỉnh lý biến động đất đai theo quy định tại khoản 3 điều 79 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.

Như vậy, tỉnh Quảng Trị cho phép tách thửa nếu diện tích tối thiểu của mỗi thửa đất ở mới hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách tối thiểu là 45 m2 đối với khu vực đô thị và 60 m2 đối với khu vực nông thôn. Đồng thời, các thửa đất này phải đảm bảo quy định về kích thước và các quy định khác như chúng tôi đã nêu trên, nếu thửa đất đề nghị tách thuộc trường hợp đặc thù thì việc tách thửa thực hiện theo các quy định đặc thù đó.

quy dinh tach thua tinh quang tri

Đất nông nghiệp được tách thửa ở Quảng Trị khi có diện tích tối thiểu là bao nhiêu?

Câu hỏi: Chào Luật sư. Tôi đang chuẩn bị mua một phần của một thửa đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm tại Quảng Trị. Tôi muốn biết diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất trồng cây lâu năm ở Quảng Trị là bao nhiêu? Mong Luật sư giải đáp. Chân thành cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Trước tiên, đất trồng cây lâu năm là một trong những loại đất nông nghiệp được quy định tại Điều 10 Luật Đất đai 2013. Để được tách thửa thì đất nông nghiệp này phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Quyết định 30/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị. Cụ thể các điều kiện đó như sau:

Điều kiện 1: Đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND

Diện tích của thửa đất còn lại và thửa đất mới hình thành của mỗi loại đất nông nghiệp tại các khu vực của tỉnh Quảng Trị khi tách thửa phải đảm bảo như bảng dưới đây:

Loại đất

Thửa đất tại các phường thuộc thành phố Đông Hà

Thửa đất tại các thị trấn thuộc huyện và các phường, xã thuộc thị xã Quảng Trị

Thửa đất tại các xã đồng bằng

Thửa đất tại các xã trung du, miền núi

Đất trồng cây hàng năm (trừ đất trồng lúa)

≥ 500 m2≥ 700 m2≥ 1.000 m2≥ 1.500 m2

Đất trồng lúa

≥ 1.000 m2≥ 1.000 m2≥ 1.000 m2≥ 1.000 m2

Đất trồng cây lâu năm

≥ 500 m2≥ 700 m2≥ 1.000 m2≥ 2.000 m2

Đất nuôi trồng thủy sản

≥ 500 m2≥ 700 m2≥ 2.000 m2≥ 1.000 m2

Đất lâm nghiệp

≥ 3.000 m2≥ 3.000 m2≥ 3.000 m2≥ 3.000 m2

Đất nông nghiệp khác

≥ 10.000 m2≥ 10.000 m2≥ 10.000 m2≥ 10.000 m2

Lưu ý:

+ Diện tích tối thiểu được phép tách thửa các loại đất nông nghiệp trên đây không bao gồm thửa đất nông nghiệp có nguồn gốc tách ra từ thửa đất ở có vườn, ao.

+ Đất nông nghiệp khác khi tách thửa phải đảm bảo phù hợp theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Điều kiện 2: Nếu thửa đất đề nghị tách thửa là đất nông nghiệp có nguồn gốc tách ra từ thửa đất ở có vườn, ao thì việc tách thửa được thực hiện nếu thửa đất đề nghị tách đáp ứng đồng thời điều kiện về hạn mức tách thửa và diện tích, kích thước tách thửa quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND

Theo đó:

- Hạn mức diện tích được tách thửa áp dụng theo hạn mức giao đất được quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND:

Khoản 1 Điều 3 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND quy định như sau:

Điều 3. Hạn mức giao đất ở; hạn mức công nhận quyền sử dụng đất ở cho mỗi hộ gia đình, cá nhân được quy định như sau

1. Hạn mức giao đất ở:

a) Đối với khu vực nông thôn theo quy định tại Điều 143 Luật Đất đai 2013:

- Các xã Đồng bằng: 300 m2.

- Các xã Trung du, miền núi: 400 m2.

b) Đối với khu vực đô thị theo quy định tại Điều 144 Luật Đất đai 2013:

- Khu vực thành phố, thị xã:

Vị trí 1 của đường phố loại 1, 2 là: 120 m2.

Vị trí 1 của đường phố loại 3, 4 và vị trí 2, 3 của đường phố loại 1, 2 là: 200 m2;

Các vị trí khác còn lại là: 250 m2.

- Khu vực thị trấn:

Vị trí 1 của đường phố loại 1, 2, 3 là: 250 m2.

Các vị trí khác còn lại là: 300 m2.

...

-  Không quy định diện tích tối thiểu của đất vườn ao nhưng diện tích đất ở tối thiểu phải đảm bảo quy định điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND khi thửa đất tách ra vừa có đất ở, vừa có đất vườn ao trong cùng thửa đất ở.

Điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND quy định như sau:

Điều 5. Diện tích tối thiểu của thửa đất được phép tách thửa

1. Thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách ra phải đảm bảo điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 6 và đạt diện tích tối thiểu sau đây:

a) Đối với đất ở:

- Khu vực đô thị là 45,0 m2, có chiều rộng cạnh mặt tiền tiếp giáp với đường giao thông hiện có tối thiểu là 4,5 m và chiều sâu tối thiểu được tính từ chỉ giới xây dựng (đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên thửa đất) là 10,0 m.

- Khu vực nông thôn là 60,0 m2, có chiều rộng cạnh mặt tiền tiếp giáp với đường giao thông hiện có tối thiểu là 5,0 m và chiều sâu tối thiểu được tính từ chỉ giới xây dựng (đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên thửa đất) là 12,0 m.

Diện tích thửa đất ở tối thiểu áp dụng tại điểm a, khoản này không bao gồm diện tích đất vườn, ao trong cùng thửa đất đó chưa được công nhận là đất ở. Trường hợp thửa đất không đủ diện tích đất ở tối thiểu để tách thửa thì người sử dụng đất phải thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định, sau đó mới được tách thửa.

...

Điều kiện 3: Khi thực hiện tách thửa đất nông nghiệp, thửa đất tại Quảng Trị phải đảm bảo không thuộc trường hợp không được phép tách thửa theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND (ví dụ như không đủ diện tích tối thiểu, đất thuộc khu vực quy hoạch chi tiết phân lô, thửa đất hình thành làm thay đổi dòng chảy tự nhiên…)

Cụ thể các trường hợp đó bao gồm:

+ Thửa đất nông nghiệp mới hình thành hoặc thửa đất nông nghiệp còn lại sau khi tách thửa không đáp ứng điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 của Quyết định 30/2021/QĐ-UBND về diện tích, kích thước tối thiểu thiểu được tách thửa đất nông nghiệp như chúng tôi đã nêu trên (điểm a khoản 2 Điều 6 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND);

+ Đất nông nghiệp đề nghị tách thửa thuộc phạm vi quy hoạch thực hiện dự án mà đã có dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt, cấp chủ trương đầu tư hoặc dự án đã có trong danh mục công trình thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua hoặc thuộc phạm vi khu vực thực hiện dự án đầu tư đã có thông báo thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 03 năm nếu không triển khai dự án (điểm b khoản 2 Điều 6 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND);

+ Thửa đất hình thành ngăn cản hoặc làm thay đổi dòng chảy tự nhiên hoặc làm mất tác dụng thoát nước phía thượng lưu, hạ lưu của cầu, cống (điểm đ khoản 2 Điều 6 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND);

+ Các khu vực đã có quy định phải bảo vệ, bảo tồn và các trường hợp không đủ điều kiện thực hiện quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn theo quy định tại điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194 Luật Đất đai 2013 (điểm e khoản 2 Điều 6 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND);

+ Thửa đất nông nghiệp đề nghị tách thửa đang có khiếu kiện, tranh chấp, tố cáo được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thụ lý, giải quyết theo quy định pháp luật (điểm g khoản 2 Điều 6 Quyết định 30/2021/QĐ-UBND);

Kết luận: Để được tách thửa đất trồng cây lâu năm tại Quảng Trị thì thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách phải có diện tích tối thiểu là 500 m2 (đối với các phường thuộc thành phố Đông Hà), 700 m2 (đối với các thị trấn thuộc huyện và các phường, xã thuộc thị xã Quảng Trị), 1.000 m2 (đối với các xã đồng bằng), 2.000 m2 (đối với các xã trung du, miền núi). Ngoài điều kiện về diện tích thì thửa đất trồng cây lâu năm khi tách thửa phải đảm bảo các quy định khác như chúng tôi đã nêu ở trên.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về quy định tách thửa tỉnh Quảng Trị​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Tách thửa đất để bán thế nào?

>> Tách thửa cần ký giáp ranh không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X