hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 15/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định tách thửa tỉnh Thanh Hóa 2022 như thế nào? Có được tách đất nông nghiệp không?

Việc tách thửa đối với mỗi loại đất được thực hiện theo quy định của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất. Tại Thanh Hóa, tùy thuộc đất từng khu vực mà điều kiện tách thửa đất ở cũng có sự khác biệt.

Điều kiện tách thửa đất ở tại Thanh Hóa 2022 như thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang ở Thanh Hóa. Gia đình tôi có thửa đất ở diện tích 90 m2. Nay bố mẹ tôi muốn tách một phần thửa đất này (tách 50 m2) từ thửa đất này để tặng cho tôi. Vậy Luật sư cho tôi hỏi gia đình tôi có thể tách thửa để tặng cho tôi không?

Đất nhà tôi đã được cấp sổ đỏ mang tên bố mẹ tôi và toàn bộ 90 m2 đều là đất ở tại nông thôn. Chân thành cảm ơn Luật sư.

Chào bạn, chúng tôi xin giải đáp câu hỏi cho bạn dựa trên quy định pháp luật hiện hành như sau:

Trước hết, tách thửa được hiểu là việc phân chia một hoặc nhiều thửa đất thành hai hoặc nhiều thửa đất khác có diện tích nhỏ hơn. Theo quy định của Luật Đất đai 2013, việc tách thửa đất ở, đất nông nghiệp và các loại đất khác được thực hiện theo quy định của từng địa phương (quy định của từng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).

Việc tách thửa đất tại tỉnh Thanh Hóa hiện nay được thực hiện theo Quyết định 4463/2014/QĐ-UBND và Quyết định 4655/2017/QĐ-UBND (Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 4463/2014/QĐ-UBND) của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Điều kiện về diện tích, kích thước cạnh thửa và các điều kiện khác của thửa đất đề nghị được tách và thửa đất mới được hình thành phải thỏa mãn các quy định tại Quyết định 4463/2014/QĐ-UBND, Quyết định 4655/2017/QĐ-UBND.

Theo đó, thửa đất đề nghị tách thửa tại Thanh Hóa là để tặng cho nên phải đảm bảo các điều kiện chung tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 bao gồm:

- Thửa đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;

- Thửa đất không thuộc trường hợp có tranh chấp (có tranh chấp thường được hiểu là việc có khiếu nại, khiếu kiện, yêu cầu giải quyết tranh chập tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và đang được các cơ quan này thụ lý, giải quyết);

- Thửa đất còn thời hạn sử dụng theo quy định của Luật Đất đai 2013 đối với từng loại đất;

- Quyền sử dụng thửa đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;

Ngoài ra, thửa đất ở đề nghị tách tại Thanh Hóa phải đảm bảo đủ điều kiện về diện tích, kích thước theo quy định tại Điều 3, Điều 4 Quyết định 4463/2014/QĐ-UBND như sau:

Đối với đất ở tại đô thị (bao gồm thửa đất dung để xây dựng nhà ở, diện tích đất vườn, ao trong cùng một thửa đất thuộc khu dân cư đô thị...)

- Diện tích thửa đất còn lại sau khi tách và các thửa đất mới được hình thành phải đảm bảo từ 40 m2 trở lên;

- Kích thước các cạnh phải từ 3 m trở lên.

Lưu ý: Diện tích của các thửa đất này không bao gồm phần diện tích nằm trong hành lang an toàn giao thông

Đối với đất ở tại nông thôn (gồm đất dùng để xây nhà ở, xây dựng các công trình phục vụ đời sống,...)

- Thửa đất ở tại nông thôn thuộc địa bàn xã đồng bằng thuộc các huyện, thị xã, thành phố: Phải đảm bảo diện tích tổi thiểu là 50 m2, kích thước cạnh là 4 m áp dụng đối với các thửa đất mới được hình thành và phần diện tích đất còn lại của thửa đất đề nghị tách;

- Thửa đất ở tại nông thôn thuộc địa bàn các xã miền núi: Diện tích tổi thiểu của mỗi thửa đất mới được tách ra và phần còn lại của thửa đất được tách phải từ 60 m2, đồng thời, kích thước cạnh của thửa đất phải từ 5 m;

- Thửa đất ở tại nông thôn thuộc địa bàn xã Hải Thanh, xã Nghi Sơn huyện Tĩnh Gia; xã Ngư Lộc huyện Hậu Lộc: Thửa đất còn lại sau khi tách và thửa đất mới được hình thành phải đảm bảo có diện tích tối thiểu là 30 m2 và kích thước cạnh là 3 m ( khoản 1 Điều 1 Quyết định 4655/2017/QĐ-UBND).

Trên đây là toàn bộ những điều kiện được tách thửa đất ở tại Thanh Hóa.

Lưu ý: Nếu việc tách thửa đất là do người sử dụng đất tự ý phân lô, chia tách mà không đảm bảo quy định hiện hành về diện tích, kích thước và các điều kiện khác thì có thể sẽ bị xử lý theo pháp luật tùy theo mức độ vi phạm. Đồng thời, Thanh Hóa cũng không quy định về việc được tách thửa đối với đất nông nghiệp.

Như vậy, gia đình bạn có thể thực hiện tách thửa đất nếu đảm bảo các điều kiện sau:

- Các điều kiện chung tại Điều 188 Luật Đất đai như chúng tôi đã nêu trên như đã có sổ đỏ, không tranh chấp...;

- Diện tích tối thiểu phải từ 40 m2, kích thước các cạnh phải từ 3 m trở lên;

- Không thuộc trường hợp tự ý phân lô, tách thửa mà không theo quy định pháp luật đất đai;

- Thực hiện tách thửa theo trình tự thủ tục luật định;

Xem thêm: Trình tự tách thửa thế nào? 

- Sau khi tiến hành tách thửa, gia đình bạn thực hiện thủ tục tặng cho theo trình tự luật định.

Xem thêm: Tách thửa đất tặng cho con thế nào?

quy dinh tach thua tinh thanh hoa

Thanh Hóa có cho phép tách thửa đất nông nghiệp không? (Ảnh minh họa)


Có được tách thửa đất nông nghiệp tại Thanh Hóa không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi có 1000 m2 đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm tại Thanh Hóa. Nay gia đình tôi muốn bán lại một phần cho vợ chồng người em họ của tôi nhưng khi hỏi cán bộ địa chính ở xã thì được trả lời là thửa đất của chúng tôi được phép tách thửa, do đó không thể bán được. Rất mong Luật sư có thể giải đáp cho chúng tôi được biết, cán bộ địa chính xã trả lời chúng tôi như vậy là đúng hay sai? Xin cảm ơn.

Xin chào bạn, hiện nay việc tách thửa các loại đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được thực hiện theo Quyết định 4463/2014/QĐ-UBND và Quyết định 4655/2017/QĐ-UBND (Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 4463/2014/QĐ-UBND) của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Theo Quyết định 4463/2014/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa không quy định về vấn đề tách thửa đối với đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, theo quy định tại Điều 6 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất phải tuân thủ nguyên tắc sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, trên thực tế có thể phát sinh trường hợp như sau:

- Trường hợp 1: Gia đình bạn không được phép tách thửa đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm do Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa không quy định cho phép được tách thửa theo Quyết định 4463/2014/QĐ-UBND hoặc việc tách thửa đất nông nghiệp không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Trường hợp 2: Gia đình bạn có thể được phép tách thửa đất nông nghiệp do Quyết định 4463/2014/QĐ-UBND không cấm việc tách thửa loại đất này và việc tách thửa phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hoặc cũng có thể việc không cho phép tách thửa đất trồng cây lâu năm tại thời điểm này ở tỉnh Thanh Hóa là do có thanh tra, kiểm tra nhằm rà soát, xử lý các vi phạm về vấn đề tách thửa đất đai tại Thanh Hóa của cơ quan có thẩm quyền.

Từ các phân tích trên, tạm thời chúng tôi chưa thể có đủ căn cứ để xác định cán bộ địa chính cấp xã nơi bạn hỏi thông tin trả lời cho bạn là đúng pháp luật hay chưa. Để kiểm tra thông tin là đúng hay sai thì bạn có thể yêu cầu địa chính xã trả lời cho bạn bằng văn bản và có nêu rõ lý do từ chối cho bạn thực hiện thủ tục tách thửa; hoặc cung cấp cho bạn văn bản, quyết định cụ thể về việc không cho phép tách thửa đất nông nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, cán bộ địa chính xã trả lời bạn vì không tách thửa được nên không bán được là không đúng. Bởi vì, theo quy định tại khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 về việc cấp sổ đỏ:

2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.

Theo đó, gia đình bạn và vợ chồng người em họ của gia đình bạn có thể cùng đứng tên trên Giấy chứng nhận để xác nhận chung quyền sử dụng thửa đất. Tại đây, các bên thực hiện các công việc sau đây:

- Ký hợp đồng chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất (chuyển nhượng một phần quyền sử dụng đất mà không tiến hành tách thửa). Hợp đồng này phải được ký công chứng tại văn phòng công chứng/phòng công chứng hoặc ký chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất (khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013);

- Thực hiện đăng ký sang tên và nhận kết quả là Giấy chứng nhận đã có tên của cả gia đình nhà bạn và của vợ chồng người em họ của bạn.

Kết luận: Hiện nay, tỉnh Thanh Hóa không quy định việc tách thửa đối với đất nông nghiệp. Do vậy, nếu người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa đất nông nghiệp thì cần liên hệ với cơ quan quản lý đất đai tại địa phương để được hướng dẫn, trả lời cụ thể. Nếu không thể tách thành thửa riêng biệt thì các bên có thể lựa chọn cách thức chung quyền sử dụng, cùng đứng tên trên sổ đỏ.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về quy định tách thửa tỉnh Thanh Hóa​​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Cha mẹ tách sổ cho con mất bao nhiêu tiền?

>> Sang tên sổ khi mất giấy tờ mua bán viết tay được không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X