hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 16/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Năm 2022, Thừa Thiên Huế cho phép tách thửa đất ở với diện tích bao nhiêu?

Thừa Thiên Huế quy định về các điều kiện được phép tách thửa đất đối với từng loại đất. Chỉ khi đáp ứng được các điều kiện này thì thửa đất tại Thừa Thiên Huế mới được phép tách thành nhiều thửa.

Điều kiện tách thửa đất ở tại Thừa Thiên Huế năm 2022 như thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có thửa đất ở rộng 200 m2 tại Thừa Thiện Huế. Hiện nay, tôi muốn tách thửa đất này thành 02 thửa, mỗi thửa là 100 m2. Xin Luật sư giải đáp cho tôi được biết về các điều kiện để được tách thửa đất ở tại Thừa Thiên Huế hiện nay được không? Xin cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Dựa trên quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Hiện nay, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Quyết định 49/20221/QĐ-UBND quy định về việc tách thửa đối với các loại đất trên địa bản tỉnh. Theo đó, việc tách thửa đất ở của bạn phải được thực hiện theo quyết định này. Các điều kiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, điều kiện chung để được tách thửa đất ở tại Thừa Thiên Huế được quy định tại Điều 5 Quyết định 49/2021/QĐ-UBND như sau:

- Thửa đất đã được cấp sổ đỏ/Giấy chứng nhận;

- Thửa đất sau tách ra để hình thành thửa đất mới phải đảm bào quyền sử dụng đất hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai 2013;

Điều 171 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:

Điều 171. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề

1. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.

2. Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật này.

Thứ hai, điều kiện cụ thể để được tách thửa đất ở tại Thừa Thiên Huế là thửa đất mới được hình thành và thửa đất đề nghị tách thửa phải đáp ứng các điều kiện về diện tích, kích thước các cạnh thửa theo Điều 6 Quyết định 49/2021/QĐ-UBND.

Theo đó, kích thước các cạnh thửa và diện tích của từng thửa đất còn lại sau khi tách và thửa đất mới hình thành phải đảm bảo điều kiện như sau:

Vị trí

Diện tích tối thiểu của thửa đất còn lại sau khi tách và thửa đất mới hình thành

Kích thước cạnh mặt tiền

Kích thước chiều sâu

Các phường thuộc thành phố Huế

60 m2

≥ 4 m theo hướng song song với đường giao thông

≥ 5 m

Các phường sáp nhập vào thành phố Huế theo Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14

80 m2

Các xã sáp nhập vào thành phố Huế theo Nghị quyết 1264/NQ-UBTVQH14 Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa 14

100 m2

Các thị trấn thuộc huyện, các phường thuộc thị xã và các xã đồng bằng

100 m2

Các xã gồm: Phú Thuận, Phú Hải của huyện Phú Vang; thị trấn Sịa của huyện Quảng Điền

80 m2

Các xã trung du/miền núi

150 m2

Thứ ba, thửa đất được tách và thửa đất mới sau khi tách không thuộc trường hợp không được phép tách thửa theo quy định tại Điều 4 Quyết định 49/2021/QĐ-UBND

Các trường hợp không được phép tách thửa gồm:

1. Thửa đất nằm trong khu vực đã có thông báo thu hồi đất hoặc đã có quyết định thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

2. Đất khuôn viên các nhà vườn Huế đặc trưng hoặc biệt thự kiến trúc Pháp có giá trị thuộc danh mục quản lý và bảo vệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đất thuộc vùng I (một) khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Đất ở thuộc các dự án đã được Nhà nước giao đất theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được duyệt; khu vực có quy hoạch tỷ lệ 1/5000, 1/2000, 1/1000, 1/500 được phê duyệt không thuộc quy hoạch đất ở. Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu thì áp dụng quy hoạch chung.

4. Thửa đất đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt quy hoạch phân lô xen cư, phân lô có hoặc không có đầu tư hạ tầng để giao đất ở cho hộ gia đình và cá nhân, đấu giá quyền sử dụng đất. Trường hợp quy hoạch này được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, thì việc tách thửa phải đảm bảo đúng theo quy hoạch đã điều chỉnh và theo Quy định này.

5. Các khu đất ở, cơ sở nhà đất nhà nước bán đấu giá để sử dụng vào mục đích ở.

6. Tạm dừng tách thửa đối với thửa đất đang có khiếu nại, tranh chấp đang được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết theo quy định; khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc tách thửa đất của chủ sử dụng đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án.

Nếu thửa đất đề nghị tách thửa là một trong những thửa đất thuộc trường hợp nêu trên thì không được phép tách thửa.

Thứ tư, nếu thửa đất ở được đề nghị tách thửa thuộc trường hợp đặc biệt/cụ thể theo quy định tại Điều 7 Quyết định 49/2021/QĐ-UBND thì việc tách thửa được thực hiện theo quy định cụ thể đó. Cụ thể gồm có:

- Trường hợp thửa đất để nghị tách thửa có kích thước của 02 cạnh mặt tiền nhỏ hơn 04 m và tiếp giáp với 02 đường giao thông hiện hữu của 02 mặt tiền

Tuy không đảm bảo điều kiện về kích thước nhưng thửa đất còn lại sau khi tách và thửa đất mới hình thành lại có diện tích tối thiểu đảm bảo quy định tại Quyết định 49/2021/QĐ-UBND, đồng thời, kích thước 02 cạnh mặt tiền tiếp giáp đường giao thông vẫn giữ nguyên thì vẫn được phép tách thửa.

- Trường hợp thửa đất ban đầu được đề nghị tách thành 02 thửa, trong đó có 01 thửa có cạnh mặt tiền trong khoảng từ 2,5 m đến dưới 4 m, đồng thời, diện tích bên trong của thửa đất được tách ra đã đảm bảo kích thước, diện tích tối thiểu theo quy định thì vẫn được phép tách thửa.

Phần diện tích thửa đất từ cạnh mặt tiền có kích thước trong khoảng từ 2,5 m đến dưới 4 m kéo dài vào phía trong thửa đất phải được sử dụng làm lối đi và không được phép xây dựng nhà ở trên phần diện tích này.

- Trường hợp thửa đất ban đầu được tách thành nhiều thửa đất, trong đó có 01 thửa đất có diện tích ít hơn không quá 2 m2 so với diện tích tối thiểu thì vẫn được phép tách thửa;

- Trường hợp thửa đất mới được hình thành không đảm bảo diện tích tối thiểu khi tách thửa nhưng lại đồng thời đề nghị được hợp với thửa liền kề tại thành thửa đất mới đáp ứng điều kiện về diện tích tối thiểu cho phép tách thửa theo Quyết định 49/2021/QĐ-UBND thì vẫn được phép tách thửa. Lúc này, người sử dụng đất thực hiện đồng thời cả thủ tục tách thửa và hợp thửa.

- Trường hợp đề nghị tách thửa đất nhằm mục đích chia thừa kế, giải quyết tranh chấp đất đai, ly hôn chia tài sản, khiếu nại về đất đai mà thửa đất còn lại sau khi tách và thửa đất mới không đảm bảo kích thước, điều kiện được tách theo quy định tại Quyết định 49/2021/QĐ-UBND thì không được phép tách thửa.

Lúc này, các bên có thể lựa chọn phân chia giá trị tài sản, và việc thỏa thuận phân chia giá trị tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện theo quy định pháp luật.

- Trường hợp thửa đất được tách có cả đất nông nghiệp và đất ở, trong đó phần đất nông nghiệp không liền kề đất ở do thuộc quy hoạch đất giao thông, hành lang bảo vệ mương nước nên không tách thửa được

Lúc này, nếu thửa đất ở sau khi tách ra đảm bảo diện tích tối thiểu được phép tách thửa theo quy định tại Quyết định 49/2021/QĐ-UBND thì được phép tách thửa. Đồng thời, phần diện tích quy hoạch giao thông, hành lang bảo vệ mương được cho phép tách cùng thửa đất ở nhưng không được thực hiện các giao dịch mà không gắn liền với thửa đất ở đó.

Thứ năm, riêng trường hợp tách thửa đất ở mà hình thành đường giao thông (lối đi chung)

Để được tách thửa đất trong trường hợp này thì người sử dụng đất và thửa đất phải đảm bảo các điều kiện tại khoản 3 Điều 9 Quyết định 49/2021/QĐ-UBND, cụ thể gồm:

a) Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật đấu nối đường giao thông, thoát nước hiện hữu theo bản vẽ tổng thể sơ đồ mặt bằng phân lô được Ủy ban nhân dân cấp huyện thống nhất.

b) Phần diện tích được sử dụng chung (đường giao thông, cấp thoát nước, đường điện,...) theo bản vẽ tổng thể sơ đồ mặt bằng phân lô được Ủy ban nhân dân cấp huyện thống nhất hoặc bản vẽ mặt bằng phân lô được phê duyệt, sau khi người sử dụng đất xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật đấu nối đường giao thông hiện hữu, được nghiệm thu và người sử dụng đất có văn bản tự nguyện trả lại đất theo mục đích sử dụng hiện trạng của thửa đất, bàn giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thu hồi giao cho Ủy ban nhân cấp xã quản lý.

Trình tự tách thửa đất trong trường hợp này như sau:

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện chấp thuận bản vẽ tổng thể sơ đồ mặt bằng phân lô trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc

+ Người sử dụng đất tiến hành tách thửa đất;

+ Nếu thửa đất đề nghị tách có diện tích ≥ 5000 m2 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện tiến hành phê duyệt phương án tổng mặt bằng sau khi lấy ý kiến thống nhất của Sở Xây dựng theo quy định pháp luật. Trong đó thời gian phê duyệt bản vẽ tổng thể sơ đồ mặt bằng phân lô của Ủy ban nhân dân cấp huyện là không quá 20 ngày làm việc.

Lưu ý:

+ Ủy ban nhân dân cấp huyện xác định loại đất theo hiện trạng sử dụng vào mục đích mở lối đi chung (đường giao thông);

+ Ủy ban nhân dân các huyện/thị xã/ thành phố Huế rà soát các điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật (như hệ thống giao thông, thoát nước...) và hạ tầng xã hội. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện hạ hạ tầng kỹ thuật giao thông, thoát nước, môi trường... đảm bảo phù hợp theo quy hoạch, kết nối hạ tầng kỹ thuật giao thông hiện hữu chung của khu vực căn cứ các quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, giao thông và phòng chống cháy nổ.

Kết luận: Khi thửa đất ở đảm bảo các điều kiện về diện tích, kích thước và các yêu cầu khác như quy định đã nêu trên thì sẽ được phép tách thửa. Do chúng tôi chưa biết rõ vị trí thửa đất ở của bạn tại tỉnh Thừa Thiên Huế nên đối chiếu với những giải đáp của chúng tôi tại từng vị trí cụ thể như trên mà bạn có đáp án phù hợp với trường hợp của mình.

quy dinh tach thua tinh thua thien hue


Thủ tục tách thửa đất để tặng cho tại Thừa Thiên Huế thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Tôi có thửa đất ở đã được cấp Giấy chứng nhận tại thành phố Huế, nay tôi muốn tách thửa đất ở này cho con tôi một phần. Vậy trình tự, thủ tục tách thửa trong trường hợp của tôi như thế nào? Mong Luật sư hướng dẫn.

Chào bạn, hiện nay thủ tục tách thửa đất được thực hiện theo quy định tại Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, cụ thể các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị tách thửa đất

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ: Ủy ban nhân dân xã (nếu có nhu cầu) hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất; nếu địa phương bạn đã có bộ phận một cửa cấp huyện (bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính).

Hồ sơ đề nghị tách thửa đất gồm có:

- Đơn đề nghị tách thửa đất mẫu 10/ĐK (ban hành kèm theo thông tư 24/2014/TT-BTNMT);

- Giấy chứng nhận đã được cấp (bản chính);

- Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị thêm: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, Sổ hộ khẩu của mình.

- Thời gian thực hiện thủ tục tách thửa đất là không quá 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hợp lệ, đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian là không quá 25 ngày (Theo khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP).

Lưu ý: Thời gian tính giải quyết thủ tục tách thửa này không tính ngày nghỉ, ngày lễ; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Bước 2: Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các công việc

- Đo đạc để tách thửa đất theo đề nghị của bạn. Bạn cũng có thể thuê đơn vị đo đạc đất đai tư nhân để thực hiện thủ tục này cho mình;

- Xác minh điều kiện tách thửa, trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới được hình thành trong trường hợp đủ điều kiện tách thửa và trả lời cho người yêu cầu nếu không đủ điều kiện tách thửa;

- Thực hiện cập nhật, chỉnh lý vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.

Bước 3: Ký hợp đồng tặng cho

- Trường hợp được phép tách thửa, bạn và con của mình ký hợp đồng tặng cho/chuyển nhượng quyền sử dụng một phần thửa đất có công chứng/chứng thực.

- Sau khi ký xong hợp đồng, bạn thực hiện thủ tục đăng ký biến động tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

- Bạn cung cần đóng nộp các loại thuế phí như: Lệ phí thẩm định hồ sơ cấp Giấy chứng nhận, Lệ phí cấp Giấy chứng nhận và các chi phí khác theo thông báo của cơ quan có thẩm quyền để được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận.

Kết luận: Trên đây là trình tự, thủ tục tách thửa đất ở tặng cho con tại Thừa Thiên Huế. Tùy thuộc nhu cầu cụ thể của mình mà bạn thực hiện các công việc theo trình tự như giải đáp của chúng tôi ở trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về quy định tách thửa tỉnh Thừa Thiên Huế, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Tách thửa đất có mất tiền không, mất bao nhiêu?

>> Tách thửa có cần ký giáp ranh không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X