hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 15/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định tách thửa tỉnh Tiền Giang thế nào? Chi phí tách thửa hết bao nhiêu?

Tách thửa đất tại Tiền Giang được thực hiện theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Theo đó, không phải mọi loại đất đều có thể được tách thửa. Chi phí tách thửa đối với mỗi trường hợp cũng khác nhau.

Điều kiện tách thửa đất ở tại Tiền Giang như thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có thửa đất ở tại tỉnh Tiền Giang. Nay tôi muốn tách thành 02 thửa nhỏ hơn để cho 02 con của mình. Xin Luật sư cho tôi được biết quy định về điều kiện tách thửa tại Tiền Giang đổi với đất ở hiện nay như thế nào? Chân thành cảm ơn.

Chào bạn, hiện nay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, việc tách thửa đối với các loại đất được thực hiện theo Quyết định 08/2020/QĐ-UBND và Quyết định 28/2021/QĐ-UBND (Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 08/2020/QĐ-UBND) của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang. Theo đó, bạn muốn tách thửa đất của mình cho con thì phải đảm bảo các điều kiện cụ thể theo quy định tai Quyết định này.

Thửa đất được phép tách thửa tại Tiền Giang phải thỏa mãn các điều kiện như sau:

Điều kiện 1: Thửa đất đã được cấp sổ đỏ/sổ hồng, thửa đất không có tranh chấp (không bị khiếu nại, khiếu kiện hành chính/dân sự), trong thời hạn sử dụng đất và quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án ((do thửa đất đề nghị tách là để tặng cho nên phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 188 Luật Đất đai 2013);

Điều kiện 2: Thửa đất được hình thành mới sau khi tách phải đảm bảo diện tích tối thiểu theo Điều 3 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND và khoản 1 Điều 1 Quyết định 28/2021/QĐ-UBND (Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 08/2020/QĐ-UBND) của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang

Cụ thể, diện tích tối thiểu đối với thửa đất mới được hình thành tại các khu vực, vị trí của tỉnh Tiền Giang như sau:

- Vị trí 1 là thửa đất tại các phường thuộc các thị xã và thành phố Mỹ Tho: Diện tích tối thiểu là 40 m2;

- Vị trí 2: Tại đây được chia thành 03 khu vực chi tiết, gồm:

+ Thửa đất tại mặt tiền đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ thuộc địa bàn các huyện, thành, thị: Diện tích tối thiếu là 50 m2;

+ Thửa đất tại mặt tiền đường cao tốc, đường dẫn cao tốc, tuyến tránh quốc lộ và tỉnh lộ thuộc địa bàn tỉnh: Diện tích tối thiếu là 50 m2;

+ Thửa đất tại các thị trấn thuộc huyện; các xã thuộc các thị xã và thành phố Mỹ Tho (Các thửa đất này phải trừ các thửa đất tại vị trí 1): Diện tích tối thiếu là 50 m2;

Như vậy, tại vị trí 2 ở các khu vực, diện tích tối thiểu được phép tách thửa đất ở đều là 50 m2.

- Vị trí 3: Thửa đất ở vị trí còn lại của các xã thuộc huyện: Diện tích tối thiếu là 100 m2.

Lưu ý: Đối với thửa đất ở có tiếp giáp với đường giao thông là đường bộ (bao gồm cả thửa đất có mặt tiền có kênh công cộng phía trước song song với đường ngoài) thì ngoài việc đáp ứng diện tích tổi thiểu là 40 m2 hoặc 50 m2 hoặc 100 m2 cho 03 vị trí như trên thì kích thước của thửa đất còn lại sau khi tách và thửa đất mới hình thành phải có chiều ngang mặt tiền từ 04 m trở lên. Riêng thửa đất có vị trí là ở mặt tiền đường cao tốc (đối với bên không có đường dân sinh) thì không áp dụng quy định về kích thước chiều ngang mặt tiền (từ 04 m trở lên).

Điều kiện 3: Thửa đất ở không thuộc các trường hợp không được phép tách thửa quy định tại Điều 5 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND

Các trường hợp đó cụ thể gồm:

1. Không đảm bảo các Quy định tại Điều 3, Điều 4 Quyết định này.

2. Thửa đất đã có quyết định thu hồi đất, thông báo thu hồi đất thể hiện bằng văn bản của cấp có thẩm quyền.

3. Thửa đất đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai và đang được cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết; thửa đất có tài sản gắn liền với đất đang bị các cơ quan có thẩm quyền kê biên để thực hiện quyết định, bản án có hiệu lực của Tòa án.

4. Khu vực bảo tồn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt danh mục phải bảo tồn theo Quy định pháp luật.

5. Thửa đất thuộc dự án nhà ở, khu dân cư, tái định cư và khu đô thị mới thực hiện theo quy hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp quy hoạch này được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh thì việc tách thửa phải đảm bảo đúng theo quy hoạch đã điều chỉnh đó.

6. Tách thửa có tính chất phân lô, bán nền (có hình thành đường giao thông và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác) không đúng Quy định pháp luật.

Trên đây là 03 điều kiện để thửa đất ở được tách tại Tiền Giang.

Ngoài ra, theo Quyết định 08/2020/QĐ-UBND và Quyết định 28/2021/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng quy định các trường hợp tách thửa đất riêng biệt. Khi thửa đất của bạn thuộc vào những trường hợp đặc biệt này thì việc tách thửa được thực hiện theo quy định đó. Cụ thể các trường hợp riêng biệt như sau:

Trường hợp 1: Thửa đất được tách ra để hợp với thửa đất liền kề (khoản 1 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND)

a) Thửa đất ở tách ra để hợp với thửa đất liền kề (có cùng mục đích sử dụng đất) thì thửa đất tách ra đó được phép có diện tích, kích thước nhỏ hơn theo Quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định này, nhưng thửa đất ở còn lại phải đảm bảo theo Quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định này (trừ trường hợp thửa đất còn lại cũng được hợp với một thửa đất khác có cùng mục đích sử dụng);

b) Thửa đất nông nghiệp tách ra để hợp với thửa đất liền kề (có cùng mục đích sử dụng đất) thì thửa đất tách ra đó được phép có diện tích, kích thước nhỏ hơn theo Quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định này, nhưng thửa đất nông nghiệp còn lại phải đảm bảo theo Quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định này (trừ trường hợp thửa đất còn lại cũng được hợp với một thửa đất khác có cùng mục đích sử dụng);

c) Thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở tách ra để hợp với thửa đất liền kề (có cùng mục đích sử dụng đất) đối với hộ gia đình, cá nhân thì thửa đất tách ra đó được phép có diện tích, kích thước nhỏ hơn theo Quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Quyết định này, nhưng thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở còn lại phải đảm bảo theo Quy định tại điểm b khoản 3 Điều 3 Quyết định này (trừ trường hợp thửa đất còn lại cũng được hợp với một thửa đất khác có cùng mục đích sử dụng).

Trường hợp 2: Thửa đất được tách ra là đất nông nghiệp/đất phi nông nghiệp không phải là đất ở nhưng chuyển mục đích sang đất ở (khoản 2 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND)

Đối với những thửa đất thuộc trường hợp này thì phải đảm bảo điều kiện phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch xây dựng có mục đích đất ở thì diện tích, kích thước được phép tách thửa được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND (tại 03 vị trí như chúng tôi đã nêu ở trên). Việc tách thửa được thực hiện đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.

Các thửa đất còn lại sau khi tách (diện tích đất nông nghiệp còn lại và diện tích đất phi nông nghiệp không phải là đất ở mà hộ gia đình cá nhân là người sử dụng) thì thực hiện lần lượt theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND và điểm c khoản 1 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND (như chúng tôi đã nêu tại trường hợp 1 trên).

Trường hợp 3: Thửa đất được hình thành mới là thửa đất được tách ra từ nhiều thửa có cùng mục đích sử dụng đất (khoản 3 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND)

Thủ tục tách thửa đất được thực hiện đồng thời với nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nếu người sử dụng đất được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ nhiều thửa đất được tách ra có cùng mục đích sử dụng đất và những phần được tách ra này có diện tích, kích thước nhỏ hơn Quy định (quy định tại Quyết định 08/2020/QĐ-UBND). Đồng thời, việc nhận chuyển nhượng này nhằm mục đích hợp thành thửa đất có diện tích, kích thước đảm bảo theo Quy định tại Điều 3 Quyết định Quyết định 08/2020/QĐ-UBND (thửa đất còn lại phải đảm bảo theo Quy định tại khoản 1 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND).

Lưu ý: Trường hợp tổ chức đề nghị được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đồng thời với việc tách thửa thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi thực hiện tách thửa. Lúc này, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ căn cứ vào từng dự án đầu tư, phương án đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt...để quyết định việc tách thửa, nhận quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của tổ chức.

Trường hợp 4: Thửa đất được tách ra là thửa đất có tính chất phân lô, bán nền (khoản 4 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND)

Khi tách thửa đất có tính chất phân lô, bán nền (thường được hiểu là từ một thửa đất ban đầu tách thành nhiều thửa, nhiều lô khác nhau có diện tích nhỏ hơn và có hình thành đường giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật khác tại khu đất đó) thì việc tách thửa đất được thực hiện sau khi Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát các điều kiện về diện tích đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội

Từ các căn cứ quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng và các Quy định pháp luật có liên quan, Ủy ban nhân dân huyện hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Các công trình hạ tầng kỹ thuật này phải đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn, đảm bảo phù hợp theo quy hoạch (quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới) đã được duyệt và phải đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu của khu vực thửa đất được tách.

Trường hợp 5: Thửa đất được tách ra có mục đích là đất ở kết hợp với mục đích sử dụng khác (khoản 5 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND)

Đây là những trường hợp được tách thửa khi đảm bảo các điều kiện cụ thể tại khoản 5 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND như sau:

5. Tách thửa đất có mục đích sử dụng là đất ở kết hợp với mục đích sử dụng khác thì sau khi trừ hành lang an toàn bảo vệ công trình công cộng, thửa đất mới được hình thành và thửa đất còn lại phải đảm bảo:

a) Trường hợp thửa đất mới được hình thành và thửa đất còn lại cùng còn mục đích sử dụng đất ở thì chỉ áp dụng phần diện tích đất ở trong thửa đất mới được hình thành và thửa đất còn lại theo Quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định này;

b) Trường hợp tách thửa mà có thửa đất (thửa đất mới được hình thành hoặc thửa đất còn lại) không còn mục đích sử dụng đất ở thì thửa đất đó thực hiện theo Quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định này (nếu là đất nông nghiệp) và điểm b khoản 3 Điều 3 Quyết định này (nếu là đất phi nông nghiệp không phải là đất ở đối với hộ gia đình, cá nhân); thửa đất còn lại có mục đích sử dụng đất ở phải đảm bảo diện tích đất ở theo Quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định này hoặc thửa đất còn lại có mục đích sử dụng đất ở với toàn bộ diện tích đất ở trong thửa đất trước khi tách thửa (nhưng toàn bộ diện tích thửa đất còn lại này sau khi trừ hành lang an toàn bảo vệ công trình công cộng thì không được nhỏ hơn diện tích tối thiểu tách thửa theo Quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định này).

Trường hợp 6: Thửa đất được tách ra (bao gồm cả đất ở và đất nông nghiệp) đã được cấp Giấy chứng nhận và có một phần thuộc hành lang an toàn bảo vệ công trình công cộng (khoản 6 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND)

Đây là những thửa đất đã được cấp sổ đỏ, trong đó mục đích sử dụng đất bao gồm cả đất ở và đất nông nghiệp, đồng thời, một phần diện tích đất thuộc hành lang an toàn bảo vệ công trình công cộng và Nhà nước chưa thực hiện thu hồi đất để thực hiện quy hoạch. Lúc này, khi tách thửa, phần diện tích đất nông nghiệp này được tách cùng với đất ở và không bị điều chỉnh về diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp Quy định tại khoản 2 Điều 3 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND việc tách thửa đất ở phải đảm bảo Quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND.

Trong đó, Điều 3 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Trường hợp 7: Thửa đất được tách ra là đất ở thuộc các dự án được Nhà nước giao đất, thực hiện phân lô theo quy hoạch được phê duyệt  (khoản 7 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND)

Lúc này thửa đất ở được tách thửa và thửa đất mới được hình thành được xác định theo dự án và quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt

Trường hợp 8: Thửa đất được tách ra thuộc các dự án đầu tư xây dựng (khoản 8 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND)

Đây là những thửa đất thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc kinh doanh chợ. Đồng thời, các dự án này được đầu tư thực hiện theo hình thức xã hội hóa thì điều kiện về diện tích tách thửa, phân lô bán nền đất ở xung quanh khu vực chợ thuộc cùng một dự án đầu tư như sau:

- Nếu thửa đất chỉ tiếp giáp với đường nội bộ trong khu vực chợ thì diện tích tối thiểu được phép tách thửa là 36 m2 và phải thỏa mãn chiều ngang mặt tiền thửa đất tối thiểu là 04 m, chiều sâu thửa đất tối thiểu là 04 m;

- Nếu thửa đất vừa tiếp giáp với đường nội bộ trong khu vực chợ vừa tiếp giáp đường hiện hữu khác, thì việc chia tách thửa thực hiện theo khoản 1 Điều 3 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND (quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất nông nghiệp tại tỉnh Tiền Giang).

Trường hợp 9: Thửa đất được tách ra để làm đường đi, đường dẫn nước, thoát nước (khoản 9 Điều 4 Quyết định 08/2020/QĐ-UBND)

Đây là trường hợp đề nghị tách thửa tương đối đặc biệt. Thửa đất đề nghị tách thuộc trường hợp được nhận chuyển nhượng hoặc nhận tặng cho và thửa đất này nhỏ hơn diện tích tối thiểu được phép tách thửa để làm đường đi, đường dẫn nước, thoát nước (do thửa đất của người nhận chuyển nhượng hoặc nhận tặng cho nằm phía trong hiện không có đường đi, đường dẫn nước, thoát nước).

Tại đây, việc tách thửa được thực hiện khi có văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất sau khi xem xét từng trường hợp cụ thể. Cần lưu ý cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chỉ xem xét giải quyết một lần cho thửa đất nằm phía trong này.

Trường hợp 10: Thửa đất được tách ra là thửa đất nông nghiệp xin chuyển một phần diện tích thành đất ở (khoản 2 Điều 1 Quyết định 28/2021/QĐ-UBND)

Trường hợp người này được áp dụng đối với các thửa đất được xin phép chuyển mục đích sử dụng một phần từ đất nông nghiệp sang đất ở (đảm bảo quy định về tách thửa và chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định), phần diện tích đất còn lại không thuộc hành lang an toàn bảo vệ công trình công cộng.

Khi người sử dụng đất xin tách thửa đối với những trường hợp này thì điều kiện phải đảm bảo để được tách thửa là: Phần diện tích đất còn lại có diện tích lớn hơn hoặc bằng diện tích tối thiểu tách thửa. Không thực hiện việc tách thửa nếu phần diện tích đất còn lại có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu tách thửa theo quy định của tỉnh Tiền Giang.

Lưu ý: Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao sẽ không thực hiện thủ tục tách thửa khi chuyển mục đích sử dụng một phần thửa đất (trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa theo quy định).

Kết luận: Tỉnh Tiền Giang quy định những điều kiện chung đối với việc tách thửa đất ở (như điều kiện về kích thước, diện tích,...) và quy định các trường hợp tách thửa đất ở riêng biệt. Khi thực hiện tách thửa tại Tiền Giang, bạn có thể đối chiếu với những trường hợp cụ thể này để tránh mất thời gian, công sức đi lại, giải quyết hồ sơ.

Xem thêm: Hướng dẫn thủ tục tách thửa 

quy dinh tach thua tinh tien giang

Được tách thửa đất ở tại Tiền Giang khi đất nằm trong khu quy hoạch dân cư mới không? (Ảnh minh họa)

Tách thửa đất ở để bán tại Tiền Giang mất bao nhiêu tiền?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có thửa đất ở tại tỉnh Tiền Giang. Nay muốn tách thành 03 thửa để bán. Vậy Luật sư cho tôi hỏi chi phí để tách thửa tôi phải chịu là bao nhiêu? Xin cảm ơn.

Chào bạn, hiện nay chi phí tách thửa đất thường phụ thuộc vào từng địa phương, từng loại đất và từng khu vực, từng yêu cầu của người tách thửa.

Tại Tiền Giang, việc tách thửa đất sẽ chịu các chi phí sau đây:

Một là, chi phí đo đạc để tách thửa đất: Đây là loại chi phí có thể được thu theo hai cách:

- Nếu là đơn vị đo đạc tư nhân: Phí đo đạc tách thửa là do thỏa thuận giữa các bên;

- Nếu là đơn vị đo đạc được hoạt động bằng nguồn Ngân sách Nhà nước thì theo Quyết định 43/2021/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, mức phí này được tính tùy thuộc từng vị trí và loại phương pháp đo đạc.

Hai là, chi phí ký kết hợp đồng mua bán/chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013

- Nếu ký công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất: Phí ký hợp đồng được tính theo giá trị tài sản được các bên thỏa thuận ghi trong hợp đồng (Thông tư 257/2016/TT-BTC); và thù lao công chứng (thường hay gọi là phí soạn thảo hợp đồng) do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 100.000 đồng (theo Quyết định 17/2015/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang);

- Nếu ký chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất: 50.000 đồng (Thông tư 226/2016/TT-BTC);

Ba là, lệ phí trước bạ nhà đất: Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định lệ phí này được tính bằng 0,5% giá trị tài sản đươc ghi trên hợp đồng.

Trong đó:

- Nếu giá trị tài sản ghi trên hợp đồng mua bán/chuyển nhượng lớn hơn hoặc bằng giá tài sản được quy định trong bảng giá đất của tỉnh Tiền Giang thì giá tính lệ phí trước bạ là giá ghi trên hợp đồng;

- Nếu giá trị tài sản ghi trên hợp đồng mua bán/chuyển nhượng nhỏ hơn giá tài sản được quy định trong bảng giá đất của tỉnh Tiền Giang thì giá tính lệ phí trước bạ là giá theo bảng giá đất của tỉnh Tiền Giang.

Lưu ý: Nếu thuộc một trong những trường hợp như bố mẹ chuyển nhượng cho con cái, ông bà nội chuyển nhượng cho cháu...thì sẽ được miễn lệ phí trước bạ.

Xem thêm: Miễn lệ phí trước bạ cho những trường hợp nào khi sang tên sổ đỏ?

Bốn là, lệ phí thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Lệ phí này được thu theo quy định tại Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang, mức thu đối với cá nhân, hộ gia đình là 180.000 (trong trường hợp chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc 315.000 đồng (trong trường hợp chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà).

Năm là, lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

Lệ phí này được thu theo quy định tại Nghị quyết 14/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Tiền Giang. Tùy thuộc vị trí thửa đất (xã, phường, thị trấn...) và thủ tục người sử dụng đất thực hiện (đăng ký biến động, chứng nhận quyền sử dụng đất...) mà mức thu khác nhau.

Sáu là, thuế thu nhập cá nhân: 2% giá trị tài sản chuyển nhượng (Điều 17 Thông tư 92/2015/TT-BTC)

- Nếu giá trị tài sản chuyển nhượng ghi trên hợp đồng nhỏ hơn giá tài sản được quy định trong bảng giá đất/bảng giá nhà của tỉnh Tiền Giang thì giá trị tài sản chuyển nhượng được tính theo giá quy định trong bảng giá đất/bảng giá nhà;

- Nếu giá trị tài sản chuyển nhượng ghi trên hợp đồng lớn hơn hoặc bằng giá tài sản được quy định trong bảng giá đất/bảng giá nhà của tỉnh Tiền Giang thì giá trị tài sản chuyển nhượng được tính theo giá ghi trên hợp đồng.

Lưu ý: Nếu việc chuyển nhượng là từ bố mẹ sang cho con cái, ông bà nội sang cho cháu...thì sẽ được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Xem thêm: Trường hợp nào được miễn thuế thu nhập cá nhân khi sang tên đất đai?

Như vậy, đây là những chi phí phải chịu trong quá trình thực hiện thủ tục tách thửa để bán.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về quy định tách thửa tỉnh Tiền Giang​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Quy định tách thửa tại An Giang thế nào?

>> Tách thửa đất ở tại Vĩnh Long thế nào?
Văn bản liên quan

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X