hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 13/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Tỉnh Tuyên Quang quy định về tách thửa thế nào?

Người sử dụng đất tại Tuyên Quang khi có nhu cầu tách thửa cần phải tìm hiểu các điều kiện theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh. Ngoài những điều kiện cơ bản được quy định tại Luật Đất đai 2013, thửa đất được tách còn phải đảm bảo các điều kiện cụ thể khác.

Diện tích đất ở tối thiểu được tách thửa ở Tuyên Quang là bao nhiêu?

Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Tôi có thửa đất ở tại Tuyên Quang. Hiện nay, tôi muốn tách một phần thửa đất ở của tôi để bán cho người hàng xóm của gia đình tôi. Rất mong HieuLuat có thể cho tôi biết quy định về việc tách thửa đất ở để bán tại Tuyên Quang hiện nay như thế nào? Xin cảm ơn.

Chào bạn, hiện nay Tuyên Quang thực hiện việc tách thửa đất ở theo quy định tại Quyết định 16/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang.

Theo đó, việc tách thửa đất tại Tuyên Quang phải đảm bảo các điều kiện chung tại Điều 188 của Luật Đất đai 2013 (do thửa đất đề nghị tách là để bán nên phải đảm bảo các điều kiện tại Điều 188 Luật Đất đai 2013) và Điều 5 Quyết định 16/2014/QĐ-UBND, cụ thể như sau:

- Thửa đất đã được cấp Sổ đỏ; Trong thời hạn sử dụng đất; Quyền sử dụng đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án; Đất không có tranh chấp;

- Thửa đất đề nghị được chia tách phải phù hợp với quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

- Thửa đất mới được hình thành sau khi tách thửa phải có chiều rộng tối thiểu là 04 mét, chiều sâu tối thiểu là 09 mét tính từ chỉ giới hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng hoặc chỉ giới quy hoạch xây dựng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;

- Thửa đất mới được hình thành sau khi tách thửa có diện tích nhỏ hơn 36 m2 hoặc kích thước cạnh thửa không đáp ứng được yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định 16/2014/QĐ-UBND (chiều rộng tối thiểu là 04 m, chiều sâu tối thiểu là 09 m) nhưng trên đất đã có nhà ở riêng, ổn định từ trước ngày 01/01/2009 thì được thực hiện tách thửa theo quy định. Khi chủ sử dụng đất cải tạo hoặc xây dựng lại nhà ở phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về xây dựng.

- Trường hợp người sử dụng đất đề nghị tách thửa có diện tích nhỏ hơn 36 m2 để hợp thửa với thửa đất khác tạo thành thửa đất mới đảm bảo điều kiện về diện tích tối thiểu và kích thước thửa đất quy định tại khoản 1 Điều 5 Quyết định 16/2014/QĐ-UBND (chiều rộng tối thiểu là 04 m, chiều sâu tối thiểu là 09 m) thì được thực hiện tách thửa theo quy định.

Lưu ý: Điều kiện về tách thửa đất ở tại Tuyên Quang không áp dụng đối với trường hợp Nhà nước thu hồi một phần thửa đất; thừa kế quyền sử dụng đất hoặc thừa kế tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật; đất hiến tặng cho Nhà nước, tặng cho hộ gia đình, cá nhân để xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương; tách thửa khi thực hiện kết quả hòa giải thành hoặc quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Ngoài ra, tỉnh Tuyên Quang hiện không quy định về việc tách thửa đất nông nghiệp. Do vậy, người sử dụng đất có nhu cầu tách thửa đất nông nghiệp thì cần liên hệ trực tiếp tới cơ quan quản lý đất đai tại địa phương (Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất...) để được hướng dẫn cụ thể.

Kết luận: Để được tách thửa đất ở tại Tuyên Quang thì thửa đất của bạn phải đáp ứng các điều kiện:

- Điều kiện chung theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013 (đã có Giấy chứng nhận, không có tranh chấp…);

- Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh…);

- Diện tích tối thiểu của thửa đất mới được hình thành và thửa đất bị chia tách phải từ 36 m2, trong đó thửa đất mới hình thành phải có chiều rộng tối thiểu là 04 m, chiều sâu tối thiểu là 09 m;

- Có 02 trường hợp mà diện tích thửa đất mới được hình thành nhỏ hơn 36 m2 nhưng vẫn được phép tách thửa là:

+ Diện tích nhỏ hơn 36 m2, kích thước các cạnh không đủ 4m chiều ngang, 9m chiều sâu nhưng đã có nhà ở sử dụng ổn định trước 01/01/2009;

+ Diện tích nhỏ hơn 36 m2 kích thước các cạnh không đủ 4m chiều ngang, 9m chiều sâu nhưng việc tách thửa đồng thời được thực hiện cùng với việc hợp thửa mà thửa đất sau khi hợp thửa đảm bảo đủ điều kiện về diện tích, kích thước các cạnh thửa.

Do chưa biết rõ các thông tin về thửa đất nên từ những giải đáp của chúng tôi nêu trên, bạn lựa chọn câu trả lời phù hợp cho mình.

quy dinh tach thua tinh tuyen quang

Tuyên Quang có cho phép tách thửa đất nông nghiệp không? (Ảnh minh họa)


Thủ tục tách thửa đất ở để bán tại Tuyên Quang thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có thửa đất ở tại Tuyên Quang, nay muốn tách thửa để bán. Mong Luật sư hướng dẫn cho tôi được biết trình tự để tách thửa đất để bán như thế nào? Xin cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi xin giải đáp cho bạn dựa trên thông tin bạn cung cấp và quy định pháp luật hiện hành như sau:

Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ tách thửa

Bạn chuẩn bị một bộ hồ sơ theo khoản 11 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, gồm:

- Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK (ban hành kèm theo Thông tư 24/2014/TT-BTNMT);

- Bản gốc Sổ đỏ/sổ hồng.

Nơi tiếp nhận hồ sơ: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất (nếu có nhu cầu); hoặc bộ phận tiếp nhận hồ sơ của chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hoặc bộ phận tiếp nhận và hẹn trả kết quả thủ tục hành chính (bộ phận một cửa) cấp huyện nơi có đất (nếu địa phương đã có bộ phận một cửa này);

Bước 2: Xử lý hồ sơ

Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc:

- Đo đạc địa chính để tách thửa đất;

- Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;

- Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;

Tổng thời gian tiến hành tách thửa là không quá 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.

Bước 3: Ký hợp đồng mua bán/chuyển nhượng quyền sử dụng đất

Căn cứ khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng mua bán/chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có công chứng/chứng thực.

Bạn thực hiện ký hợp đồng có chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất hoặc văn phòng công chứng/phòng công chứng có trụ sở trong phạm vi cấp tỉnh nơi có đất.

Bước 4: Đăng ký biến động/sang tên

Sau khi ký kết hợp đồng, bạn thực hiện đăng ký biến động quyền sử dụng đất/sang tên đất đai tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Lưu ý: Hồ sơ khi thực hiện thủ tục đăng ký sang tên gồm:

- Đơn đăng ký biến động đất đai mẫu 09/ĐK ban hành kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT;

- Tờ khai lệ phí trước bạ mẫu 01/LPTB ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC;

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân mẫu số 03/BĐS-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC;

- Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp mẫu số 04/TK-SDDPNN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về quy định tách thửa tỉnh Tuyên Quang, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Tách thửa đất tại Vĩnh Phúc thế nào?

>> Quy định về tách thửa đất tại Vĩnh Long hiện nay là gì?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X