hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 23/05/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Diện tích được tách thửa tại thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu?

Với tốc độ phát triển kinh tế nhanh, hiện đại và rất phát triển, các giao dịch về đất đai, trong đó có các giao dịch liên quan đến tách thửa đất để bán, chuyển nhượng…tại thành phố Hồ Chí Minh diễn ra rất nhộn nhịp. Để được tách thửa đất tại thành phố Hồ Chí Minh thì người sử dụng đất, thửa đất phải đảm bảo các điều kiện riêng biệt.

Câu hỏi: Kính chào Luật sư, tôi đang sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Gia đình tôi có thửa đất ở tại Thủ Đức và thửa đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh. Nay, do nhu cầu, gia đình tôi muốn tách thửa đất ở tại Thủ Đức cho người con thứ 2 của bố mẹ tôi và tách thửa đất nông nghiệp tại Bình Chánh cho tôi. Tôi mong Luật sư có thể giải đáp cho tôi những vấn đề sau đây:

1. Diện tích nhỏ nhất để tôi có thể được tách thửa đất ở tại thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh là bao nhiêu?

2. Đất nông nghiệp tại Bình Chánh có được phép tách thửa không? Nếu được tách thửa thì diện tích nhỏ nhất của mỗi thửa sau khi tách là bao nhiêu?

Xin chào bạn, với những thắc mắc về việc tách thửa đất tại thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Diện tích nhỏ nhất được tách thửa đất ở tại Hồ Chí Minh là bao nhiêu?

Trước tiên, thành phố Hồ Chí Minh cho phép tách thửa đất ở khi thửa đất ở đề nghị tách phải đảm bảo các quy định cụ thể tại Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

Theo đó, Điều 5 Quyết định 60/2017/QĐ-UBND quy định việc tách thửa đất ở tại thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện khi đảm bảo các điều kiện sau đây:

Điều kiện 1: Đảm bảo phù hợp với các căn cứ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để được tách thửa (điểm a khoản 1 Điều 5 Quyết định 60/2017/QĐ-UBND)

- Căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để giải quyết; trường hợp chưa có các quy hoạch này thì căn cứ quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, để giải quyết.

- Các quy hoạch được duyệt nêu trên xác định thửa đất ở thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu (dân cư hiện trạng) hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang thì được tách thửa đất.

- Trường hợp quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt xác định thửa đất thuộc quy hoạch đất ở xây dựng mới, đất sử dụng hỗn hợp (trong đó có chức năng đất ở) và có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện, để thu hồi thực hiện dự án thì không được tách thửa đất. Sau 03 năm, kể từ ngày rà soát phê duyệt các quy hoạch này, mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện hoặc có trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện và chưa có thông báo thu hồi đất, chưa có quyết định thu hồi đất, mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì được tách thửa đất.

Điều kiện 2: Thửa đất ở sau khi tách (thửa đất mới hình thành, thửa đất còn lại) phải thỏa mãn đồng thời điều kiện về diện tích, kích thước tối thiểu để được tách thửa đất ở tại thành phố Hồ Chí Minh (điểm b khoản 1 Điều 5 Quyết định 60/2017/QĐ-UBND)

Khu vực thửa đất ở đề nghị tách thửa

Diện tích tối thiểu của thửa đất ở tại thành phố Hồ Chí Minh sau khi tách

Kích thước tối thiểu của chiều rộng mặt tiền thửa đất ở sau khi tách

Quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình và Tân Phú (khu vực 1)

36 m2

3 m

Quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, thành phố Thủ Đức và thị trấn các huyện (khu vực 2)

50 m2

4 m

Huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ (ngoại trừ thị trấn) (khu vực 3)

80 m2

5 m

Một số trường hợp tách thửa đất ở đặc biệt tại thành phố Hồ Chí Minh:

- Việc tách thửa đất ở tại thành phố Hồ Chí Minh mà có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật:

Ủy ban nhân dân quận, huyện rà soát các điều kiện về diện tích đất, điều kiện về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và căn cứ các quy định pháp luật quy hoạch, xây dựng và hướng dẫn các Sở ngành và người sử dụng đất để người sử dụng đất thực hiện hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo phù hợp theo quy hoạch được duyệt, kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu của khu vực trước khi cho phép tiến hành tách thửa.

- Trường hợp thửa đất ở đề nghị tách đã được cấp Giấy chứng nhận mà có phần diện tích đất thuộc hành lang công trình công cộng và phần diện tích này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời, Nhà nước chưa thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì phần diện tích đất nông nghiệp này được tách cùng với đất ở, đồng thời không bị điều chỉnh về diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp quy định tại Quyết định 60/2017/QĐ-UBND và việc tách thửa đất ở phải đảm bảo quy định tại Quyết định 60/2017/QĐ-UBND này.

Như vậy, để được tách thửa thì thửa đất của bạn tại Thủ Đức phải có diện tích tối thiểu là 50 m2. Ngoài ra, các thửa đất sau khi tách phải đảm bảo các điều kiện về kích thước tối thiểu được phép tách thửa, nếu thửa đất đề nghị tách thuộc trường hợp đặc biệt thì việc tách thửa được tiến hành theo các quy định riêng biệt đó.

quy dinh tach thua tp hcm


Đất nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh được tách thửa không?

Trước hết, theo Quyết định 60/2017/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho phép người sử dụng đất được tách thửa đất nông nghiệp. Theo đó, tùy thuộc mỗi loại đất nông nghiệp mà diện tích tối thiểu được phép tách thửa có sự khác nhau.

Cụ thể, khoản 2 Điều 5 Quyết định 60/2017/QĐ-UBND, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cho phép người sử dụng đất được phép tách thửa đất nông nghiệp thì thửa đất nông nghiệp có diện tích đảm bảo như sau:

Vị trí thửa đất nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tách thửa

Thửa đất nông nghiệp tách thửa là đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác

Thửa đất nông nghiệp tách thửa là đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối

Thửa đất nông nghiệp thuộc khu vực quy hoạch, để sản xuất nông nghiệp

500 m2

1.000 m2

Thửa đất nông nghiệp thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố

Không được phép tách thửa

Thửa đất nông nghiệp thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và không thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và công bố


Thực hiện theo quy định chung tại Điều 49 Luật Đất đai 2013:

- Nếu thửa đất nông nghiệp đề nghị tách thửa thuộc trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện nơi có đất thì người sử dụng đất nông nghiệp được tiếp tục sử dụng và được thực hiện tách thửa theo quy định pháp luật;

Nếu tại thời điểm người sử dụng đất đề nghị tách thửa mà đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất nông nghiệp trong khu vực phải chuyển mục đích sử dụng đất và thu hồi đất theo kế hoạch được tiếp tục được thực hiện thủ tục tách thửa đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở hoặc công trình hoặc trồng cây lâu năm trên đất.

- Nếu sau 03 năm kể từ khi diện tích đất (diện tích đất nông nghiệp) được ghi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được công bố phải thu hồi để thực hiện dự án hoặc phải chuyển mục đích sử dụng đất mà chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, hủy bỏ và phải công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất đó.

Nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ thì người sử dụng đất không bị hạn chế quyền thực hiện thủ tục tách thửa đất;

Như vậy, thành phố Hồ Chí Minh cho phép tách thửa đất nông nghiệp. Tuy nhiên, tùy thuộc từng trường hợp mà điều kiện về diện tích được tách thửa đất nông nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh có sự khác biệt.

Trong trường hợp thông thường (không thuộc các trường hợp nằm trong quy hoạch hoặc không phù hợp quy hoạch) thì diện tích nhỏ nhất của mỗi thửa đất nông nghiệp sau khi tách thửa tại Bình Chánh là 500 m2 đối với đất trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp khác hoặc 1.000 m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối. Căn cứ vào những giải đáp của chúng tôi ở trên, bạn đối chiếu với trường hợp của mình để có đáp án chính xác.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về quy định tách thửa tp.hcm, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Các trường hợp không được tách thửa đất hiện nay là gì?

>> Có được tách thửa đất khi chỉ có lối đi chung không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X