hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 08/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chế độ làm việc của phó hiệu trưởng thế nào? Hiệu phó có phải là công chức?

Phó hiệu trưởng là người làm công tác quản lý trong trường học và thực hiện công việc theo sự phân công của Hiệu trưởng. Vậy hiệu phó có phải là công chức không? Chế độ làm việc của phó hiệu trưởng được quy định thế nào?

 
Mục lục bài viết
  • Hiệu phó là ai? 
  • Hiệu phó có phải là công chức?
  • Chế độ làm việc của phó hiệu trưởng được quy định thế nào?
  • Giải đáp liên quan đến phó hiệu trưởng
  • Thứ nhất, “Phó hiệu trưởng có được ký bằng tốt nghiệp không?”

Hiệu phó là ai? 

Phó hiệu trưởng là ai?

Hiện nay, quy định về phó hiệu trưởng được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định ở nhiều văn bản khác nhau, quy định theo từng cấp trường học. Cụ thể, phó hiệu trưởng ở cấp tiểu học được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT:

Phó Hiệu trưởng là người giúp việc cho hiệu trưởng và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng; chịu trách nhiệm điều hành công việc do hiệu trưởng phân công; điều hành hoạt động của nhà trường khi được hiệu trưởng ủy quyền.”. Phó hiệu trưởng ở các trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 11 Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT như sau: “Chịu trách nhiệm quản lý, điều hành công việc do hiệu trưởng phân công; điều hành hoạt động của nhà trường khi được hiệu trưởng ủy quyền.”

Dù được quy định ở nhiều văn bản khác nhau tương ứng với từng cấp bậc nhưng có thể hiểu một cách chung và tổng quát nhất thì Phó hiệu trưởng là người làm chịu trách nhiệm làm việc trước sự phân công của hiệu trưởng và thực hiện điều hành các hoạt động của trường học theo uỷ quyền của hiệu trưởng.

Hiệu phó có phải là công chức?

Hiệu phó là công chức hay viên chức là vấn đề được nhiều người quan tâm. Từ khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 có hiệu lực thi hành và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan có hiệu lực thì một số chức vụ có sự thay đổi từ công chức thành viên chức. 

Vậy hiện nay Hiệu phó có còn là công chức hay không?

Tại khoản 1 Điều 9 Luật Viên chức năm 2010 quy định: “Đơn vị sự nghiệp công lập là tổ chức do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, cung cấp dịch vụ công, phục vụ quản lý nhà nước.”. 

Căn cứ theo quy định này thì có thể hiểu các trường học như tiểu học, THCS, THPT, trường trung học có nhiều cấp là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc của mỗi địa phương. 

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP cũng quy định về viên chức quản lý là người được bổ nhiệm để giữ chức vụ quản lý có thời hạn nhất định, có trách nhiệm điều hành và tổ chức thực hiện các công việc của đơn vị sự nghiệp công lập. 

Theo các quy định trên và những phân tích tại phần nêu khái niệm “Phó hiệu trưởng” trong bài viết này thì có thể xác định hiện nay Phó hiệu trưởng ở các trường công lập ở các cấp là viên chức quản lý và được hưởng phụ cấp quản lý theo quy định.

Chế độ làm việc của phó hiệu trưởng được quy định thế nào?

Chế độ làm việc của Phó hiệu trưởng

Chế độ làm việc của Phó hiệu trưởng

Phó hiệu trưởng là người giữ chức vụ quản lý và làm việc theo sự phân công của hiệu trưởng cũng như điều hành trường học theo uỷ quyền của hiệu trưởng. Theo đó, Phó hiệu trưởng sẽ được hưởng các chế độ làm việc như:

  • Chế độ phụ cấp quản lý theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP;

  • Được hưởng các chế độ nghỉ hè hằng năm như giáo viên với thời gian nghỉ hè hằng năm là 02 tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019) và được hưởng nguyên lương cũng như phụ cấp theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT. Lưu ý: Trong trường hợp không sử dụng hết số ngày được nghỉ hằng năm thì Phó hiệu trưởng sẽ được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ chế độ;

  • Được nghỉ lễ, tết theo quy định tại Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 như:

“ Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết sau đây:

a) Tết Dương lịch: 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch);

b) Tết Âm lịch: 05 ngày;

c) Ngày Chiến thắng: 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch);

d) Ngày Quốc tế lao động: 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch);

đ) Quốc khánh: 02 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch và 01 ngày liền kề trước hoặc sau);

e) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương: 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).”

Giải đáp liên quan đến phó hiệu trưởng

Bên cạnh một số quy định về nhiệm vụ cũng như các chế độ mà Phó hiệu trưởng được hưởng trong quá trình giữ chức vụ quản lý tại trường học thì vẫn còn một số quy định khác liên quan đến Phó hiệu trưởng được nhiều người quan tâm. Dưới đây là một số giải đáp liên quan đến quyền và nghĩa vụ của hiệu phó mà chúng tôi nhận được:

Thứ nhất, “Phó hiệu trưởng có được ký bằng tốt nghiệp không?”

Hiện nay, việc cấp bằng tốt nghiệp từ cấp THCS đến giáo dục đại học đang được thực hiện theo Quy chế được ban hành kèm theo Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT. Theo quy định tại Điều 15 và Điều 20 Quy chế này thì người có thẩm quyền cấp bằng, chứng chỉ là người ký, đóng dấu văn bằng, chứng chỉ theo mẫu chữ ký đã được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Theo đó, thẩm quyền ký, đóng dấu văn bằng, chứng chỉ được quy định như sau:

“a) Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở do trưởng phòng giáo dục và đào tạo cấp;

b) Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông do giám đốc sở giáo dục và đào tạo cấp;

c) Bằng tốt nghiệp trung cấp sư phạm, bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm do người đứng đầu cơ sở đào tạo giáo viên hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học có ngành đào tạo giáo viên cấp;

d) Văn bằng giáo dục đại học do giám đốc đại học, hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, viện trưởng viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo và cấp văn bằng ở trình độ tương ứng cấp;

đ) Giám đốc đại học cấp văn bằng giáo dục đại học cho người học của các đơn vị đào tạo, nghiên cứu trực thuộc (trừ các trường đại học thành viên).”

Có thể thấy, người có thẩm quyền ký văn bằng, chứng chỉ là người đứng đầu cơ sở quản lý giáo dục và đào tạo của mỗi cấp học. Tuy nhiên, tại khoản 2 điều 20 Quy chế này quy định nếu cơ quan có thẩm quyền chưa thực hiện việc bổ nhiệm người đứng đầu thì cấp phó sẽ được giao nhiệm vụ ký và cấp văn bằng, chứng chỉ và nêu rõ trong văn bằng, chứng chỉ là Phó hiệu trưởng, Phó Viện trưởng, Phó giám đốc. Theo đó, đối với các trường đại học chưa được bổ nhiệm hiệu trưởng thì Phó hiệu trưởng sẽ có quyền ký bằng tốt nghiệp theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Thứ hai, “Hiệu phó có được làm chủ tịch công đoàn không?”

Pháp luật hiện hành không có quy định về việc cấm Phó hiệu trưởng được kiêm nhiệm Chủ tịch công đoàn. Theo đó, hiệu phó vẫn được làm chủ tịch công đoàn nếu được công đoàn tín nhiệm.

Trên đây là một số quy định về phó hiệu trưởng mà chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định trên, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X