hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 11/05/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định về kinh doanh photocopy mới nhất

Hiện nay, ngành dịch vụ kinh doanh photocopy ngày càng phát triển. Bài viết dưới đây sẽ nói về những quy định về kinh doanh photocopy mới nhất.

Câu hỏi: Chào Luật sư! Nhà tôi gần trường học cấp 3. Gia đình tôi dự định sẽ mở cửa hàng kinh doanh photocopy, in ấn. Nhờ Luật sư tư vấn giúp tôi quy định về kinh doanh photocopy mới nhất.

Photocopy có phải đăng ký kinh doanh?

Theo Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP quy định những trường hợp không bắt buộc phải đăng ký kinh doanh, cụ thể:

Cá nhân hoạt động th­ương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động đ­ược pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác như­ng không thuộc đối t­ượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và không gọi là “th­ương nhân” theo quy định của Luật Thương mại. Cụ thể bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động th­ương mại sau đây:

a) Buôn bán rong (buôn bán dạo) là các hoạt động mua, bán không có địa điểm cố định (mua rong, bán rong hoặc vừa mua rong vừa bán rong), bao gồm cả việc nhận sách báo, tạp chí, văn hóa phẩm của các th­ương nhân đ­ược phép kinh doanh các sản phẩm này theo quy định của pháp luật để bán rong;

b) Buôn bán vặt là hoạt động mua bán những vật dụng nhỏ lẻ có hoặc không có địa điểm cố định;

c) Bán quà vặt là hoạt động bán quà bánh, đồ ăn, n­ước uống (hàng nước) có hoặc không có địa điểm cố định;

d) Buôn chuyến là hoạt động mua hàng hóa từ nơi khác về theo từng chuyến để bán cho người mua buôn hoặc ng­ười bán lẻ;

đ) Thực hiện các dịch vụ: đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe, trông giữ xe, rửa xe, cắt tóc, vẽ tranh, chụp ảnh và các dịch vụ khác có hoặc không có địa điểm cố định;

e) Các hoạt động thương mại một cách độc lập, th­ường xuyên không phải đăng ký kinh doanh khác.

Như vậy, cửa hàng dịch vụ kinh doanh photocopy không thuộc các trường hợp nêu trên, nên vẫn phải thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh.

Quy định về kinh doanh photocopy

Quy định về kinh doanh photocopy

Quy định về kinh doanh photocopy

Điều kiện kinh doanh photocopy

Để kinh doanh dịch vụ photocopy, các cá nhân, tổ chức cần đáp ứng điều kiện quy định tại Nghị định 72/2022/NĐ-CP gồm:

- Có thiết bị in ấn phù hợp;

- Có mặt bằng hợp pháp;

- Chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân Việt Nam;

- Có người đứng đầu thường trú hợp pháp tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có trình độ cao đẳng trở lên về chuyên ngành in.

Ngoài ra, cửa hàng kinh doanh dịch vụ photocopy cần có trách nhiệm:

- Hoạt động đúng địa điểm đã khai báo;

- Chấp hành các yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước;

- Báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước về các giấy tờ, tài liệu nhận photocopy có nội dung vi phạm pháp luật;

- Người đứng đầu cơ sở dịch vụ in ấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động của cửa hàng photocopy;

- Xuất trình hồ sơ, giấy tờ liên quan đến hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ photocopy, chấp hành, giải trình đầy đủ, trung thực theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền thi hành nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.

Thủ tục thành lập cơ sở kinh doanh photocopy

Các cá nhân, tổ chức thành lập cơ sở kinh doanh photocopy cần thực hiện các bước sau đây:

Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ

Nếu cá nhân thành lập cơ sở kinh doanh photocopy dưới dạng hộ kinh doanh thì cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:

- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

- Bản sao hợp lệ CMND/CCCD/hộ chiếu của chủ hộ kinh doanh;

- Bản sao hợp đồng thuê nhà, hợp đồng mượn nhà hoặc sổ đỏ đối với trường hợp chủ hộ đứng tên địa chỉ hộ kinh doanh (không cần công chứng).

Bước 2. Nộp hồ sơ

Có thể nộp hồ sơ bằng 02 cách:

- Nộp trực tuyến qua trang dịch vụ công của Sở Kế hoạch và Đầu tư;

- Nộp trực tiếp tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi mở cửa hàng photocopy.

Bước 3. Chờ nhận giấy phép kinh doanh

Nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho chủ hộ kinh doanh trong vòng 03-05 ngày làm việc.

Nếu hồ sơ không hợp lệ chủ hộ kinh doanh sẽ nhận được văn bản yêu cầu bổ sung, sửa đổi.

Những hành vi bị cấm khi kinh doanh photocopy

Những hành vi bị cấm khi kinh doanh photocopy

Những hành vi bị cấm khi kinh doanh photocopy

Tại Điều 9 Nghị định 60/2014/NĐ-CP đã được sửa đổi bởi Nghị định 72/2022/NĐ-CP quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động in ấn, photocopy như sau:

Thứ nhất, nghiêm cấm hành vi chế bản, in, gia công sau in hoặc photocopy sản phẩm in, giấy tờ khác có nội dung vi phạm điều cấm như:

- Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

- Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa li khai, gây hận thù, chia rẽ giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;

-  Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;

- Thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; sử dụng hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Thứ hai, nghiêm cấm hành vi hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động in, không đăng ký hoạt động, không khai báo hoạt động theo quy định.

Thứ ba, cơ sở kinh doanh photocopy không được lợi dụng hoạt động chế bản, in, gia công sau in, photocopy để tạo ra, phát tán trái phép sản phẩm in có nội dung vi phạm; làm giả giấy tờ của cơ quan Nhà nước; trực tiếp hoặc gián tiếp sản xuất hàng giả.

Thứ tư, cơ sở kinh doanh photocopy không được chế bản, in, gia công sau in, photocopy vi phạm các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Thứ năm, cấm sản xuất, nhập khẩu thiết bị in trái quy định của pháp luật.

Thứ sáu, cấm in, đặt in bao bì, nhãn hàng hóa của các sản phẩm mà các sản phẩm này thuộc loại phải có giấy phép lưu hành, giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận chất lượng theo quy định của pháp luật nhưng không có các loại giấy tờ này.

Trên đây là nội dung tư vấn về Quy định về kinh doanh photocopy.

Nếu cần giải đáp về các quy định của pháp luật, hãy gọi ngay các chuyên viên pháp lý theo số  19006192 để được hỗ trợ

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X