Việc xin nghỉ không lương khá phổ biến đối với nhiều người lao động, pháp luật cũng có quy định tạo điều kiện cho họ được nghỉ để giải quyết việc riêng. Quy định này cụ thể như thế nào?
Chào bạn, cảm ơn bạn vì đã gửi câu hỏi cho chúng tôi. Vấn đề bạn hỏi, nhiều người lao động cũng từng gặp phải. Chúng tôi gửi đến bạn một vài thông tin để bạn tham khảo cho trường hợp của mình. Đầu tiên là các trường hợp được nghỉ không lương theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nào được nghỉ không lương?
Căn cứ khoản 2 Điều 115 Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động được nghỉ việc riêng, không được hưởng lương trong các trường hợp:
Người lao động được nghỉ không hưởng lương 01 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; cha hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
Khi xin nghỉ trong các trường hợp này người lao động phải thông báo để người sử dụng lao động được biết.
Ngoài ra, nếu xin nghỉ không lương vì lý do khác, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Có thể thấy, người lao động được nghỉ không lương trong hai trường hợp:
- Theo quy định của pháp luật có liên quan đến người thân trong gia đình
- Thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Thời gian xin nghỉ không lương khi thỏa thuận với người sử dụng lao động, pháp luật không giới hạn và cũng không quy định cụ thể. Nên người lao động chỉ cần thương lượng thỏa thuận và thống nhất về thời gian nghỉ không lương với người sử dụng lao động là được.
Tuy nhiên, người lao động cần lưu ý về quy định tại khoản 4 Điều 125 Bộ luật Lao động:
4. Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong thời hạn 30 ngày hoặc 20 ngày cộng dồn trong thời hạn 365 ngày tính từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
vì nếu rơi vào trường hợp này có thể sẽ bị xử lý kỷ luật.
Chính vì vậy người lao động muốn xin nghỉ không lương phải nhận được sự đồng ý của người sử dụng lao động để tránh ảnh hưởng đến công việc, lợi ích của đôi bên.
Theo các nội dung chúng tôi vừa nêu ở trên cho thấy, bạn có thể xin nghỉ không lương trong thời gian nửa tháng. Tuy nhiên, cần có sự đồng ý của ban lãnh đạo công ty (trưởng nhóm, Giám đốc...) đồng thời cần có sự thỏa thuận rõ ràng về thời gian nghỉ của bạn. Về vấn đề bạn nêu, nếu nghỉ nửa tháng có được đóng bảo hiểm xã hội không, mời bạn theo dõi tiếp thông tin sau.
Người lao động có thể nghỉ không lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý. Ảnh minh họa.
Quy định về quyền lợi khi nghỉ không lương
Quyền lợi bảo hiểm xã hội
Pháp luật không giới hạn về số ngày nghỉ không hưởng lương tối đa của người lao động, nhưng nếu nghỉ không lương dài ngày, người lao động cần chú ý đến quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm xã hội.
Cụ thể theo khoản 3 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì:
“3. Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Như vậy người lao động nếu nghỉ việc không hưởng lương nhiều hơn 14 ngày trong tháng thì tháng đó sẽ không được đóng bảo hiểm xã hội và được xem là tháng không tham gia bảo hiểm xã hội.
Theo câu hỏi của bạn, thời gian bạn định xin nghỉ là nửa tháng, tức là 15 ngày, đối chiếu quy định nêu trên thì tháng nghỉ đó bạn sẽ không được đóng bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, nếu ngày nghỉ của bạn trùng với nghỉ lễ, Tết bạn tham khảo tiếp nội dung chúng tôi nêu sau đây.
Nếu nghỉ không lương trùng với ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết
Nếu người lao động xin nghỉ không hưởng lương và thời gian đó trùng với ngày nghỉ lễ, Tết thì quyền lợi của người lao động vẫn được giải quyết. Do ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định là ngày nghỉ được hưởng nguyên lương nên nếu trùng vào những ngày này, người lao động vẫn có lương. Cụ thể:
- Nghỉ Tết dương lịch: Ngày 01/01 hằng năm
- Nghỉ Tết Nguyên đán: Nghỉ 05 ngày
- Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3): Nghỉ 01 ngày
- Ngày 30/4 - Ngày Giải phóng Miền Nam: được nghỉ 01 ngày
- Ngày 01/5 – Quốc tế Lao động: nghỉ 01 ngày
- Ngày Quốc khánh: Nghỉ 02 ngày
Nếu người lao động là người nước ngoài đang lao động ở Việt Nam, ngoài những ngày lễ trên, họ được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền, 01 ngày Quốc khánh của quốc gia họ.
Như vậy, dù người lao động xin nghỉ không hưởng lương mà thời gian nghỉ đó trùng với một trong những dịp lễ Tết kể trên thì người lao động vẫn được hưởng nguyên lương.
Chế độ nghỉ không lương với viên chức thế nào?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 13, Luật Viên chức 2010 được sửa đổi, bổ sung năm 2019 thì viên chức được nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, nghỉ việc riêng theo quy định của pháp luật về lao động.
Viên chức không sử dụng hoặc sử dụng không hết số ngày nghỉ hàng năm do yêu cầu công việc thì được thanh toán một khoản tiền cho những ngày không nghỉ.
Đối với viên chức làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo,… hoặc trường hợp đặc biệt khác được gộp số ngày nghỉ phép của 02 năm để nghỉ một lần nếu có nhu cầu.
Nếu gộp số ngày nghỉ phép của 03 năm để nghỉ một lần, phải được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Riêng quy định về nghỉ không lương của viên chức được nêu tại khoản 4 Điều này:
4. Được nghỉ không hưởng lương trong trường hợp có lý do chính đáng và được sự đồng ý của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
Căn cứ thêm Điều 115 Bộ luật Lao động 2019 thì viên chức có quyền xin nghỉ không hưởng lương và phải được sự đồng ý của Thủ trưởng đơn vị, nơi đang làm việc.
Như vậy, nếu bạn có nguyện vọng nghỉ không lương, bạn cần nhận được sự đồng ý của Hiệu trưởng, nơi trường bạn đang công tác.
Vừa rồi là những thông tin liên quan đến quy định về nghỉ không lương. Nếu bạn còn có thêm vướng mắc, có thể gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.
>> Người lao động được nghỉ không lương tối đa bao nhiêu ngày?