hieuluat
Chia sẻ email

Quy hoạch odt là gì? Nên đầu tư đất quy hoạch odt không?

Quy hoạch odt là gì? Đất thuộc quy hoạch odt là loại đất gì? Có nên đầu tư vào đất thuộc quy hoạch odt không? Cùng HieuLuat giải đáp trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang tìm hiểu về loại đất odt trước khi tiến hành đầu tư.

Theo tôi được biết, toàn bộ phần diện tích đất được ký hiệu odt hiện đã nằm trong quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Vậy Luật sư cho tôi hỏi, có nên đầu tư vào đất có quy hoạch odt không?

Quy định về quy hoạch odt năm 2023 có gì mới?

Chào bạn, với những vướng mắc xoay quanh vấn đề quy hoạch odt là gì, có nên đầu tư vào đất thuộc quy hoạch odt hay không, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Quy hoạch odt là gì? Năm 2023 có gì mới?

Quy hoạch hiểu theo nghĩa rộng tại Luật Quy hoạch 2017 là sự sắp xếp, phân bổ theo không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên một phạm vi lãnh thổ nhất định. Mục đích của việc kết hợp sử dụng tài nguyên, không gian hoạt động kinh tế xã hội,... là tạo hiệu quả tối ưu khi sử dụng nguồn lực của đất nước phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững cho một thời kỳ xác định.

Quy hoạch được hiểu chi tiết hơn đối với sử dụng nguồn lực/tài nguyên thiên nhiên là đất đai được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Đất đai 2013:

2. Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.

ODT (odt) là ký hiệu của loại đất ở tại đô thị, được sử dụng trong bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính, ký hiệu trên sổ đỏ (Thông tư 25/2014/TT-BTNMT).

Từ căn cứ đã nêu, suy ra, quy hoạch sử dụng đất odt được hiểu đơn giản là sự sắp xếp, quy hoạch, phân vùng theo không gian sử dụng đất trên cơ sở tiềm năng đất đai, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế xã hội, từng đơn vị hành chính cho mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong khoảng thời gian nhất định.

Căn cứ quy định tại Điều 37 Luật Đất đai 2013, được sửa đổi bổ sung bởi Luật sửa đổi bổ sung các Luật có liên quan đến quy hoạch, thời kỳ lập, thực hiện quy hoạch sử dụng đất như sau:

Điều 37. Thời kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

1. Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm và cấp huyện là từ 20 năm đến 30 năm.

Về cơ bản, năm 2023, việc sử dụng đất vẫn được thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt mà chưa có sự thay đổi toàn bộ.

Định hướng/tầm nhìn sử dụng đất theo quy hoạch ở nước ta là tới năm 2030.

Do đó, các tổ chức, cá nhân, cơ quan và những người có liên quan tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, quyền của mình theo quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập, xác định, thực hiện cho một vùng không gian cụ thể (theo cấp huyện, cấp tỉnh, vùng kinh tế…), vậy nên, trước khi đầu tư, người đầu tư cần tìm hiểu kỹ những vấn đề này tại địa phương nơi có đất.

Cơ quan có thẩm quyền cung cấp các thông tin này cho nhà đầu tư gồm trung tâm cung cấp thông tin thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở quy hoạch kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường…

Tùy thuộc quyền hạn, trách nhiệm mà mỗi cơ quan được quyền tiếp cận, cung cấp các thông tin về quy hoạch sử dụng đất khác nhau cho nhà đầu tư.

Tóm gọn lại, quy hoạch odt được hiểu gồm tổng hợp 3 yếu tố sau đây:

  • Là việc sắp xếp, sử dụng, phân bổ, khoanh vùng đất (đất odt) cho các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu;

  • Việc phân bổ, sắp xếp, khoanh vùng sử dụng loại đất này phải dựa trên cơ sở là tiềm năng của đất đai, nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội (ví dụ như vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Sông Cửu Long…) và từng đơn vị hành chính;

  • Quy hoạch sử dụng đất odt (phân bổ, khoanh vùng sử dụng đất odt) được thực hiện trong một khoảng thời gian xác định (thời kỳ 10 năm, tầm nhìn 30 đến 50 năm đối với cấp quốc gia hoặc 20 đến 30 năm đối với cấp huyện);

quy hoach odt


Nên đầu tư vào đất thuộc quy hoạch odt không?

Từ những phân tích ở trên, có thể suy ra, đất thuộc quy hoạch odt tức là đất được sử dụng với mục đích để ở và loại đất này là đất ở tại đô thị.

Dưới góc độ kinh tế, có thể hiểu rằng, khi được quy hoạch là đất ở tại đô thị thì cũng có nghĩa rằng sẽ có những nguồn lực đầu tư được thu hút, triển khai để phát triển khu vực này.

Các nguồn lực thường sẽ được đầu tư liên quan đến nền tảng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm), các thế mạnh phát triển của địa phương đó…

Vì vậy, việc đầu tư vào đất odt tại khu vực có quy hoạch đất odt không có tiêu chí được pháp luật quy định mà quyết định có nên đầu tư hay không thường dựa trên những yếu tố sau đây:

  • Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chính sách thu hút đầu tư, quy định pháp luật về lĩnh vực mà nhà đầu tư quan tâm…là những yếu tố đầu tiên mà mỗi nhà đầu tư cần tìm hiểu trước khi quyết định đầu tư kinh doanh về đất đai;

  • Mục tiêu đầu tư là gì: Mục tiêu đầu tư là việc căn cứ rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề có nên đầu tư hay không;

  • Khả năng tài chính của nhà đầu tư: Dựa trên quy hoạch sử dụng đất odt, kế hoạch sử dụng đất odt tại địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, nhà đầu tư đối chiếu với nhu cầu, mục tiêu, khả năng tài chính đầu tư của mình để có phương án đầu tư phù hợp;

  • Sự ổn định của chính trị, dự đoán khả năng phát triển đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh: Đây cũng là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch, dự án đầu tư kinh doanh về đất đai mà mỗi nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện.

Kết luận: Có nên đầu tư vào đất thuộc quy hoạch odt không là câu hỏi mà không có đáp án cụ thể hay có quy định pháp luật về vấn đề này.

Từ những gợi ý mà chúng tôi đã nêu ở trên, bạn đối chiếu với trường hợp của mình để có đáp án phù hợp.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về quy hoạch odt, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X