hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 23/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy trình bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố [Cập nhật mới nhất]

Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố là người đại diện gần gũi nhất với nhân dân, đứng đầu một cộng đồng dân cư và là cầu nối giữa nhân dân với các cấp lãnh đạo. Quy trình bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hiện nay được thực hiện thế nào?

 
Mục lục bài viết
  • Kế hoạch bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thế nào?
  • Quy trình bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố mới nhất
  • Công tác chuẩn bị
  • Tiến hành bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố
  • Công nhận kết quả bầu cử
Câu hỏi: Phường nơi tôi đang ở vừa tách đơn vị hành chính thêm một tổ dân phố và đang tiến hành bầu cử tổ trưởng tổ dân phố mới. Cho tôi hỏi quy trình bầu tổ trưởng tổ dân phố thực hiện thế nào và do ai tổ chức thực hiện?

Kế hoạch bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thế nào?

Căn cứ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 59/2023/NĐ-CP, việc lập và triển khai kế hoạch bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được tiến hành chậm nhất là 20 ngày trước ngày tổ chức bầu cử tại cuộc họp cộng đồng dân cư.

Việc lập kế hoạch sẽ do Chủ tịch UBND cấp xã phối hợp với UBMT Tổ quốc Việt Nam cấp xã phối hợp thực hiện.

Kế hoạch bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố

Tại kế hoạch bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố sẽ bao gồm những nội dung chính cơ bản sau:

- Mục đích; Yêu cầu;

- Tiêu chuẩn trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố;

- Quy trình bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố;

- Thời gian, địa điểm bầu cử;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp thực hiện.

Quy trình bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố mới nhất

Quy trình bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố hiện nay được thực hiện theo Điều 6, 7, 8 Nghị định 59/2023/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Công tác chuẩn bị

- Chủ tịch UBND cấp xã phối hợp với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:

+ Lập và triển khai kế hoạch bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố: Trước 20 ngày;

+ Thành lập Tổ bầu cử: Trước 10 ngày;

+ Thông báo đến nhân dân ở thôn, tổ dân phố, niêm yết tại khu vực sinh hoạt của cộng đồng dân cư hoặc thông báo bằng các hình thức khác phù hợp đến dân cư tại địa phương: Trước 07 ngày.

-  Ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố họp lên danh sách dự kiến người ứng cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, giới thiệu ít nhất 01 người để ứng cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố.

Tiến hành bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố

Điều 7 Nghị định 59/2023/NĐ-CP quy định việc tổ chức bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định 59/2023/NĐ-CP tại cuộc họp cộng đồng dân cư. Theo đó:

- Tổ bầu cử do Chủ tịch UBND cấp xã thành lập sẽ tiến hành triệu tập và chủ trì cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố. Tiến hành cuộc họp theo quy trình sau:

+ Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu;

+ Thông qua chương trình cuộc họp;

+ Giới thiệu người làm thư ký cuộc họp (thư ký được thông qua khi có 50% số đại diện hộ gia đình biểu quyết đồng ý);

+ Công bố các văn bản liên quan cuộc họp.

Quy trình bầu cử trưởng thôn

- Tổ bầu cử sẽ thông qua danh sách giới thiệu ứng cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, khuyến khích đại diện hộ gia đình tự ứng cử hoặc giới thiệu người có đủ tiêu chí trở thành trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố ra ứng cử.

- Tiến hành bỏ phiếu bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố thông qua hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín.

+ Nếu biểu quyết bằng hình thức giơ tay thì đếm số lượng tại thời điểm bỏ phiếu;

+ Nếu biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín thì Tổ bầu cử đề xuất danh sách Ban kiểm phiếu từ 03 đến 05 người và tiến hành kiểm phiếu sau khi bỏ phiếu.

Công nhận kết quả bầu cử

Việc công nhận kết quả bầu trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố được quy định tại Điều 8 Nghị định 59/2023/NĐ-CP, cụ thể:

Sau khi nhận được quyết định kết quả bầu cử đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua, trong thời hạn 05 ngày làm việc, UBND cấp xã xem xét, quyết định công nhận trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố mới hoặc ra quyết định bầu lại. Trường hợp không công nhận hoặc phải bầu lại phải có văn bản giải thích rõ lý do.

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố chính thức hoạt động khi có quyết định công nhận của UBND cấp xã.

Một số câu hỏi liên quan đến việc bầu cử trưởng thôn

Cơ quan có thẩm quyền tổ chức bầu cử trưởng thôn

Theo Điều 3, 7 Nghị định 59/2023/NĐ-CP, Tổ bầu cử do Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định thành lập sẽ là người có thẩm quyền triệu tập và chủ trì cuộc họp bầu cử trưởng thôn.

Bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố

Tổ bầu cử gồm:

- Tổ trưởng: Đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn.

- Thành viên: Đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, đại diện hộ gia đình (không phải người ứng cử trưởng thôn) trong thôn.

Kinh phí tổ chức bầu cử trưởng thôn

Kinh phí tổ chức bầu cử trưởng thôn sẽ được đề cập tại Kế hoạch bầu cử trưởng thôn do UBND cấp xã lập. Kinh phí sẽ do UBND cấp xã cấp và do Văn phòng UBND cấp xã dự kiến, đề xuất, soạn thảo văn bản.

Trên đây là một số thông tin về quy trình bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố theo quy định pháp luật mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc liên quan đến tiêu chuẩn, quy trình bầu cử các chức danh lãnh đạo, quản lý tại địa phương, bạn đọc vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X