hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 13/12/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy trình dẫn giải thế nào? Có được dẫn giải người làm chứng sau 10 giờ đêm?

Dẫn giải được áp dụng với người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua xác minh xác định họ có liên quan đến hành vi phạm tội. Vậy, quy trình dẫn giải thế nào? Có được dẫn giải sau 10 giờ đêm không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn làm rõ vấn đề này.

Câu hỏi: Anh trai tôi là nhân chứng trong một vụ đánh nhau, tối qua (khoảng 23h) công an có đến và đưa anh trai tôi đi. Vậy xin hỏi họ đến đưa anh tôi đi vào thời gian đó có đúng không? Mong sớm nhận được phản hồi. Tôi cảm ơn!

Dẫn giải là gì? Áp dụng với những đối tượng nào?

Theo quy định tại điểm l khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

l) Dẫn giải là việc cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế người làm chứng, người bị tố giác hoặc bị kiến nghị khởi tố đến địa điểm tiến hành điều tra, truy tố, xét xử hoặc người bị hại từ chối giám định.

Dẫn giải có thể áp dụng với các đối tượng sau:

- Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập.

- Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

- Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt.

Lưu ý, trường hợp dẫn giải được áp dụng với các trường hợp nêu trên trong trường hợp họ vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

Theo quy định trên, trường hợp anh trai bạn là nhân chứng trong một vụ án mà đã được cơ quan công an triệu tập nhưng vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hay trở ngại khách quan thì sẽ bị áp dụng dẫn giải.

Quy trình dẫn giải thế nào? Có được dẫn giải sau 10 giờ đêm? (Ảnh minh họa)


Có được dẫn giải người làm chứng sau 10 giờ đêm không?

Như đã trình bày ở trên, người làm chứng là đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp dẫn giải. Theo khoản 1 Điều 9 Quyết định 1502/2008/QĐ-BCA, thủ tục trước khi dẫn giải như sau:

- Yêu cầu chủ nhà hoặc người có mặt tại nơi người cần dẫn giải đang cư trú, làm việc cho gặp người cần dẫn giải.

- Kiểm tra, đối chiếu ảnh, các giấy tờ tùy thân, xác định đúng là người có tên trong quyết định dẫn giải.

- Đọc quyết định dẫn giải, giải thích cho người bị dẫn giải về quyền và nghĩa vụ của họ trong quá trình bị dẫn giải theo quy định của pháp luật, giải đáp thắc mắc của người bị dẫn giải (nếu có).

-  Lập biên bản về việc dẫn giải người làm chứng.

Khi dẫn giải, phải cử ít nhất hai cán bộ, chiến sĩ dẫn giải một người làm chứng;

Đặc biệt, không khóa tay, xích chân người làm chứng. Đồng thời, theo quy định tại khoản 6 Điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

6. Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.

Như vậy, pháp luật không cho phép việc áp dụng biện pháp dẫn giải với người làm chứng vào ban đêm. Do đó, việc anh trai bạn bị dẫn giải lúc 23h là trái quy định pháp luật.

Vừa rồi là những thông tin liên quan đến quy trình dẫn giải. Nếu có thêm vướng mắc, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

>> Lừa đảo bao nhiêu tiền thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Có thể bạn quan tâm

X