hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 16/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

10 quyền lợi chỉ dành riêng cho lao động nữ theo quy định hiện hành

Bình đẳng giới đã được thực hiện ở mọi mặt như trong lĩnh vực lao động, pháp luật đã ưu ái dành riêng cho lao động nữ nhiều quyền lợi hơn so với lao động nam. Dưới đây là các quyền lợi của lao động nữ theo quy định hiện hành.

Câu hỏi: Cho tôi hỏi hiện nay những quyền lợi nào chỉ dành riêng cho người lao động nữ theo quy định của pháp luật hiện hành?

Chào bạn, cảm ơn câu hỏi của bạn. Dưới đây chúng tôi sẽ tổng hợp về những quyền lợi chỉ dành cho lao động nữ theo quy định hiện nay.

Lao động nữ được đảm bảo chế độ khám sức khỏe định kỳ

10 quyền lợi của lao động nữ trong đó có khám sức khỏe định kỳ

Khám sức khỏe định kỳ là một chế độ đãi ngộ mà doanh nghiệp phải đảm bảo cho tất cả lao động mà không phân biệt lao động nam hay lao động nữ. Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015  thì người sử dụng lao động phải thực hiện nghĩa vụ tổ chức khám sức khoẻ cho người lao động ít nhất 01 lần/ năm.

Đối với những người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, có yếu tố độc hại; người lao động thuộc nhóm người khuyết tật, người chưa thành niên và người cao tuổi thì phải đảm bảo được khám sức khỏe định kỳ 06 tháng một lần, tương đương với 02 lần/ năm.

Đặc biệt, theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật An toàn, vệ sinh lao động và khoản 1 Điều 80 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, đối với lao động nữ, người sử dụng lao động cần phải đảm bảo việc khám sức khỏe định kỳ phải thực hiện thăm khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám về chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế quy định.

Lao động nữ được hưởng chế độ nghỉ ngơi vào “ngày đèn đỏ”

“Ngày đèn đỏ” hay còn gọi là thời gian hành kinh, là biểu hiện sinh lý bình thường chỉ có ở nữ giới. Về mặt khoa học, khi người phụ nữ trong giai đoạn hành kinh sẽ có những sự thay đổi trong cơ thể, thường mệt mỏi và xuống tinh thần.

Do đó, để bảo đảm quyền lợi cho lao động nữ, tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 và khoản 3 Điều 80 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP quy định về chế độ nghỉ ngơi cho lao động nữ trong thời gian hành kinh.

Theo quy định này, người lao động nữ khi đến “ngày đèn đỏ” sẽ được phép nghỉ ngơi 30 phút/ ngày trong thời gian làm việc và vẫn được hưởng đầy đủ chế độ tiền lương theo thoả thuận trong hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, một số lao động nữ có cơ địa yếu nên khi đến kỳ kinh cần được nghỉ ngơi nhiều nhưng lưu ý số ngày có thời gian nghỉ trong thời gian làm việc nêu trên sẽ do người lao động nữ và người sử dụng lao động tự thoả thuận với nhau nhưng phải đảm bảo tối thiểu là 03 ngày làm việc/ tháng.

Đặc biệt, trong thời gian lao động nữ đến “ngày đèn đỏ” nhưng không có nhu cầu nghỉ ngơi theo chế độ nêu trên và vẫn tiếp tục làm việc như bình thường thì sẽ được phía người sử dụng lao động trả thêm tiền lương tương ứng với thời gian lao động nữ được nghỉ ngơi hưởng chế độ nhưng vẫn làm việc.

Lao động nữ được hưởng chế độ nghỉ ngơi trong ngày nếu nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Khi nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ sẽ thường vất vả vì phải đảm bảo cả việc chăm sóc con nhỏ và công việc tại công ty.

Do đó, để đảm bảo cho người lao động nữ được nghỉ ngơi và bảo đảm sức khoẻ, tại khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 và khoản 4 Điều 80 Nghị định số 145/2002/NĐ-CP đã cho phép lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi được phép nghỉ ngơi trong giờ làm việc với thời gian nghỉ là 60 phút/ ngày.

Đối với việc nghỉ ngơi trong giờ làm việc, lao động nữ vẫn được hưởng đầy đủ chế độ lương theo thoả thuận của các bên trong hợp đồng lao động.

Lao động nữ được ưu tiên làm những công việc nhẹ nhàng hơn công việc đang đảm nhiệm khi mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi

Khi mang thai, những hoạt động của người mẹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, nếu lao động nữ làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm, có tính chất độc hại hoặc những công việc đặc biệt nặng nhọc sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 thì lao động nữ cần phải báo ngay cho người sử dụng lao động về chế độ công việc của mình gây ảnh hưởng đến thai nhi, sức khoẻ sinh sản để được chuyển sang làm công việc nhẹ nhàng hơn mà không ảnh hưởng đến chế độ tiền lương và các quyền lợi khác của người lao động nữ cho đến khi hết thời gian nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Lao động năm 2019 thì khi thực hiện chuyển người lao động nữ làm công việc nhẹ nhàng hơn so với công việc người đó đang thực hiện thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các thông tin về công việc để lao động nữ được biết và lựa chọn.

Người sử dụng lao động cần lưu ý, công việc mà lao động nữ được phân công không thuộc danh mục công việc có ảnh hưởng xấu trực tiếp đến việc sinh sản và nuôi con của người phụ nữ theo quy định tại Phụ lục được ban hành kèm theo Thông tư số 10/2020/TT-BLĐTBXH.

Lao động nữ được phép tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp động làm động trong thời gian mang thai

Để bảo đảm sức khoẻ thai sản cho lao động nữ, tại Điều 138 Bộ luật Lao động năm 2019 cho phép lao động nữ trong thời gian mang thai có quyền được tạm hoãn hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.

Theo đó, nếu trong quá trình mang thai, xét thấy công việc có ảnh hưởng xấu trực tiếp đến thai nhi và có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền thì lao động nữ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần phải đảm bảo thời gian báo trước theo quy định.

Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động vẫn có nhu cầu tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động thì sẽ được quyền tạm hoãn việc thực hiện hợp đồng lao động.

Lưu ý, thời gian tạm hoãn việc thực hiện theo hợp đồng lao động sẽ do lao động nữ và người sử dụng lao động tự thoả thuận với nhau nhưng phải đảm bảo thời gian tạm hoãn tối thiểu bằng thời gian mà cơ sở y tế có thẩm quyền chỉ định phụ nữ mang thai tạm nghỉ.

Đối với trường hợp không có sự chỉ định từ cơ sở y tế có thẩm quyền về thời gian chỉ định tạm nghỉ thì các bên tự thoả thuận với nhau về thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động.

Lao động nữ không bị áp dụng hình thức kỷ luật nào trong thời gian mang thai, nghỉ chế độ thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi

Theo quy định tại khoản 4 Điều 122 Bộ luật Lao động năm 2019, lao động nữ khi mang thai, nghỉ chế độ thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi sẽ không bị xử lý kỷ luật theo quy định.

Tuy nhiên, khi người lao động nữ hết thời gian hưởng các chế độ nêu trên, nếu thời hiệu xử lý kỷ luật lao động kéo dài và vẫn còn thời hiệu thì người sử dụng lao động vẫn có thể áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với hành vi vi phạm của người lao động nữ.

Mới đây tại Nghị định 71/2023 thì cán bộ, công viên chức nữ đang mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc cán bộ, công viên chức nam (trong trường hợp vợ chết hoặc vì lý do khách quan, bất khả kháng) đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chưa xem xét xử lý kỷ luật, trừ trường hợp người vi phạm có văn bản đề nghị xem xét xử lý kỷ luật.

Lao động nữ không bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian mang thai, nghỉ chế độ thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi

Bộ luật Lao động năm 2019 nghiêm cấm người sử dụng lao động thực hiện hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với lao động nữ mang thai, nghỉ chế độ thai sản và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Nếu người lao động vẫn cố tình vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định số 12/2022/NĐ-CP.

Cụ thể, tại khoản 2 Điều 28 Nghị định này quy định phạt tiền người sử dụng lao động có hành vi nêu trên với mức tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.

Lao động nữ trong thời gian mang thai sẽ không phải làm đêm, làm thêm ngoài giờ và đi công tác xa

Làm thêm ngoài giờ, tăng ca cũng chính là một trong các vấn đề được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động năm 2019. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 137 Bộ luật Lao động năm 2019 thì:

Người sử dụng lao động không được phép để cho lao động nữ phải làm việc ban đêm, làm thêm ngoài giờ và đi công tác xa trong thời gian mang thai từ tháng thứ 7 trở đi hoặc mang thai từ tháng thứ 6 trở đi (trong trường hợp làm việc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới…) và trong thời gian lao động nữ đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Tuy nhiên, trong trường hợp lao động nữ được hưởng chế độ này nhưng vẫn đồng ý, tự nguyện tham gia công việc làm thêm nêu trên thì người sử dụng lao động vẫn được phép sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa.

Lao động nữ được bình đẳng với lao động nam về mọi mặt trong doanh nghiệp

Bình đẳng giới là vấn đề được đề cập và thực hiện trong tất cả các lĩnh vực, mọi mặt của đời sống.

Trong lĩnh vực lao động, bình đẳng giới được thể hiện ở việc bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ ở mọi mặt trong doanh nghiệp như: chế độ lương, thưởng, điều kiện thăng tiến, các chế độ bảo hiểm…

Theo quy định tại Điều 78 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động phải đảm bảo quyền bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ trong doanh nghiệp, đảm bảo việc bình đẳng về mọi mặt như: chế độ lương, thưởng, điều kiện lao động, chế độ tham gia các loại bảo hiểm, đảm bảo các chế độ khác về cả vật chất lẫn tinh thần cho người lao động.

Lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội

Hưởng chế độ thai sản là quyền lợi tiêu biểu dành cho người lao động nữ. Chế độ thai sản theo quy định của pháp luật hiện hành không chỉ được thể hiện ở việc cho phép người lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 06 tháng mà còn thể hiện ở nhiều chế độ khác như:

  • Lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần trong thời gian mang thai, mỗi lần tương ứng với 01 ngày làm việc.

Tuy nhiên, trong trường hợp người lao động nữ phải thăm khám tại cơ sở y tế ở xa hoặc khám thai bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được phép nghỉ tối đa là 02 ngày cho mỗi lần thăm khám thai (Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014);

  • Lao động nữ được nghỉ việc khi làm các biện pháp, thủ thuật can thiệp như: nạo, hút thai; sẩy thai; thai chết lưu hoặc phá thai do bệnh lý. Thời gian nghỉ việc tối đa trong trường hợp này được quy định như sau:

  • Đối với thai dưới 05 tuần tuổi: lao động nữ được nghỉ việc tối đa 15 ngày;

  • Đối với thai từ 05 tuần tuổi đến dưới 13 tuần tuổi: lao động nữ được nghỉ việc tối đa 20 ngày;

  • Đối với thai từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi: lao động nữ được nghỉ việc tối đa 40 ngày;

  • Đối với thai từ 25 tuần tuổi trở lên: lao động nữ được nghỉ việc tối đa 50 ngày.

(Theo Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014).

  • Lao động nữ được nghỉ việc trước và sau khi sinh con: Thông thường, lao động nữ sẽ được nghỉ việc 06 tháng trước và sau khi sinh con theo quy định của Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Tuy nhiên trong trường hợp lao động nữ sinh từ con thứ 02 trở đi thì cứ mỗi con, người lao động nữ sẽ được nghỉ thêm 01 tháng hưởng chế độ thai sản khi sinh con. Chẳng hạn như sinh 02 con thì lao động nữ được nghỉ 07 tháng, sinh 03 con thì lao động nữ được nghỉ 08 tháng,...

Trên đây là một số quy định về quyền lợi của lao động nữ chúng tôi cung cấp đến quý bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định trên, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X