hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 23/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Lao động nữ đi làm trở lại sau sinh có những quyền lợi gì?

Phụ nữ luôn được ưu ái và các chính sách pháp luật cũng dành cho họ sự quan tâm đặc biệt hơn, nhất là đối với phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Với lao động nữ đi làm sau sinh cũng có những quyền lợi nhất định.

Câu hỏi: Vợ tôi đang nghỉ thai sản và chuẩn bị tháng 04/2022 đi làm lại sau sinh. Cho tôi hỏi những chế độ và quyền lợi dành cho lao động nữ khi trở lại làm việc sau sinh thế nào. Nếu người sử dụng lao động không đảm bảo được chế độ đó thì bị xử lý thế nào? Tôi xin cảm ơn!

Chào bạn, phụ nữ mang thai, đi làm trở lại sau sinh, đang nuôi con nhỏđều có nhiều quyền lợi ưu tiên theo quy định của pháp luật. Mời bạn cùng Hieuluat tìm hiểu cụ thể hơn về những quyền lợi này ngay dưới đây.

Quyền lợi đi làm sau sinh với lao động nữ thế nào?

1. Không bắt buộc phải làm đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa 

Theo đó tại điểm b khoản 1 Điều 137 Bộ Luật Lao động năm 2019 có quy định rõ việc người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong trường hợp đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp được người lao động đồng ý.

Theo đó, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi nếu không đồng ý sẽ không phải làm ban đêm, làm thêm giờ hoặc đi công tác xa.

Quy định mới tại Bộ luậtLao động 2019 cho phép người lao động nữ nuôi con nhỏ được quyền lựa chọn làm thêm giờ, làm ban đên hay đi công tác xa, giúp lao động nữ nếu sắp xếp được có thể làm thêm giờ, làm ban đêm…để có thêm thu nhập.

So với trước đây tại Bộ luật Lao động 2012 thì điều này là không được phép dù người lao động đồng ý hay không.

2. Không bị sa thải hoặc chấm dứt hợp đồng lao động

Một trong các trường hợp người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đó là lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Điều này được quy định tại khoản 3 Điều 37 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định cụ thể như sau:

Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động hoặc bị cơ quan chuyên môn về đăng ký kinh doanh ra thông báo không có người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật.

3. Mỗi ngày được giảm 1 giờ làm và hưởng nguyên lương

Khoản 4 Điều 137 Bộ luật Lao động 2019 quy định lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi có quyền nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Điều này giúp tạo điều kiện cho lao động nữ trong việc cho con bú, trữ sữa và nghỉ ngơi.

Ngoài ra, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ lương theo hợp đồng lao động.

quyen loi di lam sau sinh

4. Nếu đang làm công việc nặng nhọc, độc hại sẽ được chuyển công việc khác

Nội dung này được quy định tại khoản 2 Điều 137 Bộ Luật Lao động năm 2019. Cụ thể

- Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho người sử dụng lao động biết sẽ được người sử dụng lao động chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Theo nội dung trên có thể thấy, quyền lợi này chỉ áp dụng đến hết thời gian nuôi con dưới 12. Đồng nghĩa, nếu con tròn 01 tuổi, lao động nữ sẽ phải quay về chế độ làm việc trước khi mang thai và sinh con.

Khoản 4 Điều 80 Nghị định 145/2020/NĐ-CP đã hướng dẫn chi tiết về quy định này. Theo đó, lao động nữ được phép thỏa thuận với người sử dụng lao động để được bố trí lịch nghỉ linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu của lao động nữ.

Nếu không có nhu cầu nghỉ và được người sử dụng lao động đồng ý cho làm việc thì lao động nữ sẽ được trả thêm tiền lương theo công việc mà người lao động đã làm trong thời gian được nghỉ.

5. Lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi không bị xử lý kỷ luật lao động

Khoản 4 Điều 122 Bộ Luật Lao động năm 2019, có quy định các trường hợp không được xử lý kỷ luật:

a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;

d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Do đó, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng, nếu vi phạm kỷ luật lao động nữ sẽ không bị xử lý mà người sử dụng lao động phải chờ đến khi hết thời gian này, đồng thời còn thời hiệu xử lý mới được tiến hành xử lý kỷ luật người lao động.

Điều 123 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định thời hiệu xử lý kỷ luật lao động là 06 tháng kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm; trường hợp đặc biệt là 12 tháng. Khi hết thời gian người lao động nuôi con dưới 12 tháng, nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu nhưng không quá 60 ngày.

6. Được bảo đảm về công việc sau khi nghỉ thai sản

Theo Điều 140 Bộ Luật Lao động năm 2019 thì lao động nữ sau khi nghỉ thai sản và quay trở lại làm việc sẽ được bảo đảm việc làm cũ mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích so với trước khi nghỉ thai sản.

Nếu việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Bên cạnh đó, nếu hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì lao động nữ còn được ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới (khoản 3 Điều 137 Bộ Luật Lao động năm 2019)

7. Hưởng chế độ ốm đau khi con ốm

Điều 141 Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định quyền lợi khi người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau sẽ được hưởng trợ cấp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Căn cứ Điều 25 Luật BHXH năm 2014, người lao động tham gia BHXH bắt buộc được hưởng chế độ ốm đau khi con bị bệnh nếu đáp ứng đồng thời các điều kiện:

- Phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 07 tuổi bị ốm đau

- Có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền.

Vi phạm chế độ với phụ nữ đi làm sau sinh, phạt thế nào?

Theo quy định trên, có thể biết được những quyền lợi đi làm sau sinh danh cho lao động nữ, cũng như lao động mang thai, nuôi con nhỏ. Và nếu người sử dụng lao động vi phạm chế độ này của người lao động sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 28 Nghị định 12/2022

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi:

- Sử dụng người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ hoặc làm việc ban đêm hoặc đi công tác xa, trừ trường hợp được người lao động đồng ý

- Không thực hiện việc chuyển công việc hoặc giảm giờ làm đối với lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà người lao động đã thông báo với người sử dụng lao động biết, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác

- Không cho lao động nữ nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác

- Không cho lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi nghỉ 60 phút mỗi ngày trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác

- Không ưu tiên giao kết hợp đồng lao động mới đối với trường hợp hợp đồng lao động hết hạn trong thời gian lao động nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi

- Xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ đang trong thời gian mang thai hoặc nghỉ thai sản; xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi

- Sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi

- Không lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc khi sử dụng từ 1.000 người lao động nữ trở lên.

Từ các thông tin Hieuluat cung cấp, chắc hẳn bạn đã biết rõ hơn về quyền lợi đi làm sau sinh dành cho vợ của mình cũng như mức phạt dành cho người sử dụng lao động nếu vi phạm chế độ này.  Nếu vẫn còn thắc mắc, bạn vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Tôi có thể dùng mẫu đơn nào để xin đi làm sớm sau sinh?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X