Quyền sử dụng đất nông nghiệp là gì? Có được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp không? Điều kiện, thủ tục chuyển đổi thế nào?... Thực tế cho thấy, rất nhiều người được giao, được cho thuê đất nông nghiệp (đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân) có mong muốn được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của mình. Bài viết dưới đây của HieuLuat sẽ giải đáp cho bạn đọc những vấn đề pháp lý xoay quanh việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi có thửa đất nông nghiệp được Nhà nước giao từ năm 1993, diện tích là 4 sào Bắc Bộ. Nay do nhu cầu muốn được canh tác ở gần nhà nên bố mẹ tôi dự định chuyển đổi thửa đất đó với thửa đất của nhà hàng xóm. Tôi mong Luật sư giải đáp cho tôi, bố mẹ tôi có được phép chuyển đổi như vậy không? Nếu được thì thủ tục thực hiện ra sao?
Chào bạn, liên quan đến quyền sử dụng đất nông nghiệp có được chuyển đổi không mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Quyền sử dụng đất nông nghiệp có được phép chuyển đổi không?
Quyền sử dụng đất nông nghiệp có thể được hiểu là quyền sử dụng đất hợp pháp mà người sử dụng đất được Nhà nước công nhận. Quyền sử dụng đất nông nghiệp trong bài viết này được giới hạn là quyền mà người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc được nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận chuyển nhượng.
Chuyển đổi quyền sử dụng đất có thể được hiểu là việc trao đổi ngang bằng về quyền và nghĩa vụ giữa hai bên trong giao dịch. Theo đó, các bên chấm dứt toàn bộ quyền với thửa đất mình dự định chuyển đổi và tiếp nhận toàn bộ quyền đối với thửa đất của bên còn lại.
Luật Đất đai 2013 cho phép người sử dụng đất được chuyển đổi quyền sử dụng thửa đất mà mình có nhưng phải thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 190:
Điều 190. Điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp
Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác thì chỉ được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.
=> Theo đó, các điều kiện để người sử dụng đất được chuyển đổi quyền sử dụng đất là:
- Đối tượng được thực hiện chuyển đổi: Hộ gia đình cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, được nhận thừa kế/tặng cho, nhận chuyển nhượng;
- Loại đất nông nghiệp được chuyển đổi quyền sử dụng: Toàn bộ các loại đất nông nghiệp;
- Hình thức sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi: Đất được Nhà nước giao hoặc hộ gia đình, cá nhân được nhận thừa kế/tặng cho, nhận chuyển nhượng, chuyển đổi;
- Giới hạn phạm vi/vị trí thửa đất thực hiện chuyển đổi: Trong phạm vi cấp xã nơi có đất;
- Mục đích cho phép chuyển đổi: Để thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp;
Như vậy, pháp luật cho phép hộ gia đình, cá nhân có đất nông nghiệp được Nhà nước giao, được nhận tặng cho, thừa kế… trong cùng phạm vi cấp xã được chuyển đổi quyền sử dụng đất cho nhau. Việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp phải đảm bảo các quy định của Luật Đất đai 2013 và các văn bản có liên quan.
Thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thế nào?
Để được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện theo trình tự được quy định tại Điều 79 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Cụ thể gồm các bước như sau:
Bước 1: Ký văn bản thỏa thuận về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp
Văn bản thỏa thuận về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp được các bên tự thỏa thuận, tự lập và không cần phải công chứng/chứng thực. Việc công chứng/chứng thực chỉ được thực hiện theo nhu cầu của các bên.
Thông thường, văn bản này có thể được lập dưới tên gọi là văn bản thỏa thuận/hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp. Nhằm đảm bảo nội dung đầy đủ, khách quan và nhanh chóng, các bên thường công chứng văn bản thỏa thuận/hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất. Cơ quan có thẩm quyền công chứng là văn phòng công chứng/phòng công chứng.
Bước 2: Nộp hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp
Hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp dồn điền đổi thửa bao gồm các loại giấy tờ được quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT gồm:
- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mẫu số 09/ĐK được điền đầy đủ thông tin;
-Văn bản thỏa thuận/hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp;
- Bản gốc giấy chứng nhận/sổ đỏ đã cấp;
- Giấy tờ tùy thân (nhân thân)/giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp còn thời hạn sử dụng của các bên;
Bước 3: Văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền thực hiện các công việc chuyên môn
- Tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và thẩm định hồ sơ;
- Xác nhận biến động vào sổ đỏ/giấy chứng nhận khi đã đủ điều kiện. Trường hợp cần cấp đổi thì thực hiện cấp đổi;
- Cập nhật, chỉnh lý thông tin trong hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
- Lập phiếu chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế để tính toán thuế (nếu có);
Bước 4: Trả kết quả
- Người sử dụng đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo thông báo của cấp có thẩm quyền trước khi nhận kết quả;
- Người sử dụng đất nhận kết quả theo giấy hẹn tại Ủy ban nhân dân cấp xã (nếu nộp hồ sơ qua Ủy ban nhân dân cấp xã) hoặc văn phòng đăng ký đất đai (nếu hồ sơ được nộp tại đây).
Như vậy, trình tự thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân mà không thuộc trường hợp dồn điền đổi thửa được thực hiện theo các bước mà chúng tôi đã trình bày ở trên.
Trên đây là giải đáp về Quyền sử dụng đất nông nghiệp, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Nên nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp với giá bao nhiêu?
>> Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp là bao nhiêu?