hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 17/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề được quy định thế nào?

Quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề là vấn đề nhận được nhiều quan tâm của người sử dụng đất, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp, hàng ngày tới cuộc sống của người dân. Đây cũng là vấn đề mà người dân cần đặc biệt lưu tâm khi thực hiện các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ tư vấn về vấn đề trên:

Mục lục bài viết
  • Quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề bao gồm những quyền nào?
  • Quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề được xác lập dựa trên căn cứ nào?
Câu hỏi: Năm 2015 tôi có mua một thửa đất, nhưng vị trí thửa đất lại nằm phía trong và chỉ có lối đi duy nhất là qua ngõ đi chung của các hộ gia đình khác. Mấy tháng gần đây, có một hộ gia đình rào lối đi chung không cho gia đình tôi đi lại. Hiện nay, gia đình tôi không có lối đi ra đường dân sinh. Xin hỏi theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành thì quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề được pháp luật quy định thế nào? Mong nhận được giải đáp. Tôi xin cảm ơn./.

Trả lời:

Xin chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi của bạn về quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề. Chúng tôi xin giải đáp như sau:

Quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề bao gồm những quyền nào?

Trước tiên, quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề được hiểu là quyền được thực hiện trên một thửa đất (gọi là thửa đất chịu hưởng quyền) nhằm phục vụ cho việc khai thác của một thửa đất khác thuộc quyền sở hữu của người khác (gọi là thửa đất hưởng quyền).

Theo khoản 1 Điều 171 Luật Đất đai 2013 quy định quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm:

- Về quyền về lối đi: người sử dụng đất có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không đủ hoặc không có lối đi ra đường dân sinh thì có quyền yêu cầu các bất động sản vây bọc dành một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

- Về quyền về cấp thoát nước qua bất động sản liền kề: trường hợp do vị trí tự nhiên mà mà việc cấp, thoát nước của bất động sản buộc phải qua một bất động sản khác thì chủ sở hữu của bất động sản có nước chảy qua phải xem xét dành một lối cấp, thoát nước thích hợp, không được có hành vi cản trở hoặc ngăn chặn dòng nước chảy.

Chủ sở hữu của bất động sản hưởng quyền phải hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua khi thực hiện việc lắp đặt đường dẫn nước. Nếu qua việc lắp đặt mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp do địa thế tự nhiên mà nước tự nhiên chảy từ vị trí cao xuống vị trí thấp (ví dụ: nước mưa…) mà gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản có nước chảy qua thì không phải bồi thường.

- Về quyền cung cấp tưới nước, tiêu nước trong canh tác: người có quyền sử dụng đất canh tác mà qua việc canh tác nhưng có nhu cầu về tưới nước, tiêu nước thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu của các bất động sản xung quanh để cho mình một lối dẫn nước thích hợp, thuận tiện cho việc tưới, tiêu; chủ sở hữu của các bất động sản xung quanh có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó.

- Về quyền mắc đường dây tải điện, thông tin liên lạc qua bất động sản khác: chủ sở hữu bất động sản được thực hiện các quyền mắc đường dây thông tin liên lạc, dây tải điện qua bất động sản của các chủ sở hữu khác một cách hợp lý, nhưng phải lưu ý đảm bảo an toàn và thuận tiện cho các chủ sở hữu đó; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Như vậy, quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề bao gồm các quyền mà chúng tôi đã phân tích ở trên.

quyen su dung han che thua dat lien ke

Quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề được xác lập dựa trên căn cứ nào?

Theo Điều 246 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nguyên tắc, quyền đối với bất động sản liền kề có thể được xác lập trên một trong các căn cứ sau:

+ Do địa thế tự nhiên

+ Theo quy định của luật

+ Theo thỏa thuận

+ Theo di chúc.

Căn cứ điểm l khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013 thì việc đăng ký biến động được thực hiện trong trường hợp thửa đất liền kề có thay đổi về xác lập, hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế.

quyen su dung han che thua dat lien ke

Về thủ tục thực hiện hoặc chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề:

Điều 73 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 01/2017/NĐ-CP quy định:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Đơn đăng ký biến động (sử dụng theo Mẫu số 09/ĐK)

- Bản gốc Sổ đỏ đã được cơ quan Nhà nước cấp cho một bên hoặc các bên.

- Văn bản thỏa thuận, hợp đồng hoặc Quyết định của Tòa án.

- Sơ đồ vị trí, kích thước thửa đất mà người sử dụng thửa đất liền kề được quyền sử dụng hạn chế.

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ hợp lệ đến Văn phòng đăng ký đất đai/Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất hoặc nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã nếu có nhu cầu.

Nếu hồ sơ đầy đủ thì hồ sơ được tiếp nhận và cấp biên nhận cho người sử dụng đất. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ thì chuyên viên giải thích và hướng dẫn người sử dụng đất bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký đất đai sẽ kiểm tra, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thể hiện trên Sổ đỏ nếu có yêu cầu.

Bước 4: Trả kết quả

Đến ngày hẹn, người sử dụng đất liên hệ và nhận kết quả tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký đất đai.

Như vậy, quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề được xác lập trên các căn cứ mà chúng tôi đã phân tích ở trên.

Bài viết đã cung cấp đến bạn những thông tin cần thiết về quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề là gì. Để tìm hiểu thêm những vấn đề pháp lý liên quan, hãy liên hệ trực tiếp đến tổng đài   19006199  để được tư vấn kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

X