hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 24/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Rủi ro vay vốn thế chấp sổ đỏ cho công ty tư nhân là gì?

Rủi ro khi vay vốn thế chấp sổ đỏ cho công ty tư nhân là gì? Là người đi vay, cần làm gì để hạn chế rủi ro? Cùng HieuLuat tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây nhé.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có nghe nói hiện nay được vay vốn, thế chấp bằng sổ đỏ tại các công ty tư nhân như công ty tài chính, công ty thương mại,..

Xin hỏi Luật sư, việc thế chấp như vậy có tiềm ẩn những rủi ro gì?

Do các thủ tục tại ngân hàng tương đối phức tạp, tốn nhiều thời gian để được giải ngân nên tôi muốn vay thế chấp sổ đỏ tại các công ty tư nhân thì nên làm gì để giảm rủi ro?

Cảm ơn Luật sư đã hỗ trợ.

Chào bạn, vay vốn tại các công ty tư nhân không phải là ngân hàng có ưu điểm là được giải quyết nhanh chóng, vốn giải ngân sớm.

Tuy nhiên, quy định về việc vay vốn thế chấp bằng quyền sử dụng đất tại các công ty tư nhân hiện nay tiềm ẩn những rủi ro pháp lý gây thiệt hại cho bên đi vay.

Những rủi ro khi vay vốn thế chấp sổ đỏ cho công ty tư nhân là gì?

Kể từ ngày 15/5/2021, khi Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực thi hành thì bên nhận thế chấp được mở rộng hơn rất nhiều.

Cụ thể, gồm:

  • Các tổ chức tín dụng;

  • Cá nhân là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

  • Tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng (gồm có các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài);

Theo đó, chúng tôi hiểu rằng các công ty tư nhân mà bạn nhắc tới có thể là các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần… có hoạt động cho vay tiền, nhận thế chấp quyền sử dụng đất.

Một số rủi ro liên quan đến hoạt động vay, cho vay này như tại thủ tục đăng ký xác nhận thế chấp, lãi suất cho vay thường cao, xử lý khi có tranh chấp vẫn còn nhiều phức tạp, rủi ro tồn tại khách quan (như bên nhận thế chấp hoặc bên thế chấp không còn..),...

Cụ thể như sau:

Một là, rủi ro vì không được đăng ký thế chấp

Điều 95 Luật Đất đai 2013 quy định, việc thế chấp quyền sử dụng đất phải được đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên, trong các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai hiện hành, chưa có quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thế chấp đối với các tổ chức không phải là tổ chức tín dụng.

Do vậy, dù hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đã được ký công chứng nhưng các bên không thể thực hiện đăng ký biến động tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Điều này dẫn đến các hệ quả như:

  • Không được pháp luật công nhận về việc thế chấp quyền sử dụng đất;

  • Các bên phải ký hủy hợp đồng công chứng;

  • Rủi ro lớn hơn nếu chuyển hợp đồng vay có thế chấp thành vay không có tài sản bảo đảm;

Một số rủi ro khi vay vốn thế chấp sổ đỏ cho công ty tư nhânMột số rủi ro khi vay vốn thế chấp sổ đỏ cho công ty tư nhân

Hai là, lãi suất cho vay thường cao

  • Với ưu điểm thủ tục nhanh gọn, hồ sơ đơn giản, dễ xử lý, lãi suất cho vay tại các công ty không phải là tổ chức tín dụng thường cao, thậm chí là rất cao;

  • Người vay phải trả khoản tiền vay lớn, thậm chí còn có thể phải chịu các phương thức đòi nợ, xử lý nợ không theo quy định được áp dụng như của các tổ chức tín dụng;

Ba là, cách xử lý tranh chấp phát sinh tương đối phức tạp đối với những người chưa có kinh nghiệm

  • Thông thường, việc xử lý tranh chấp được thực hiện thông qua việc thương lượng, thỏa thuận;

  • Tuy nhiên, đối với những đơn vị cho vay này, pháp luật không quy định các điều khoản bắt buộc để giải quyết tranh chấp nên việc thương lượng, thỏa thuận khó có thể thực hiện được;

  • Mặt khác, nếu thực hiện giải quyết tranh chấp tại Tòa án nhân dân, các bên phải yêu cầu thi hành án nếu như bên phải thi hành án không tự thực hiện. Điều này sẽ làm gia tăng thời gian, thủ tục cần thực hiện để đòi lại tiền/tài sản, giải quyết tranh chấp liên quan đến việc vay, thế chấp;

Bốn là, một trong hai bên không còn tồn tại

  • Đối với bên nhận thế chấp: Có thể giải thể, phá sản hoặc vì lý do khách quan khác không còn tham gia giao dịch trên thị trường;

    • Điều này có thể làm gián đoạn/chấm dứt việc thực hiện hợp đồng vay, xử lý hợp đồng thế chấp, dẫn đến thiệt hại về kinh tế, phức tạp trong thủ tục giải quyết;

  • Đối với bên thế chấp: Chết, mất tích hoặc bị tòa án tuyên bố đã chết, mất tích, hoặc bị hạn chế, mất năng lực hành vi dân sự;

    • Rủi ro được đặt ra đối với những người thừa kế của người để lại khoản nợ hoặc những người cùng có quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản trên đất là sổ đỏ không tham gia giao dịch được, khó khăn trong việc định đoạt quyền sử dụng đất;

Trên đây là một số rủi ro khi vay vốn thế chấp sổ đỏ cho công ty tư nhân mà bạn nên quan tâm, tìm hiểu trước khi thực hiện.

Trong trường hợp bạn vẫn chấp nhận vay và thế chấp quyền sử dụng đất thì phải cân nhắc toàn diện các yếu tố dẫn đến rủi ro, tranh chấp.

Xem tiếp: Được thế chấp đất mà không thế chấp nhà trên đất không?

Một số vấn đề nên tìm hiểu để giảm thiểu rủi ro vay vốn công ty tư nhânMột số vấn đề nên tìm hiểu để giảm thiểu rủi ro vay vốn công ty tư nhân

Nên làm gì để hạn chế rủi ro vay vốn thế chấp sổ đỏ cho công ty tư nhân?

Thực tế, rủi ro khi vay vốn thế chấp sổ đỏ cho công ty tư nhân dù ít hay nhiều thì mỗi người vay đều có thế vướng phải.

Xuất phát từ thực tiễn và những nguyên nhân pháp lý tồn tại hiện hữu, chúng tôi khuyến nghị bạn một số biện pháp giảm thiểu rủi ro như sau:

Một là, tìm hiểu thật kỹ năng lực của bên nhận thế chấp

  • Đây là bước quan trọng để đánh giá bên nhận thế chấp có hay không có khả năng cho vay;

  • Đồng thời, cũng là bước đánh giá, xác định uy tín, độ tin tưởng của bên nhận thế chấp;

  • Cách thực hiện: Tìm hiểu qua các trang điện tử của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (nếu có), tìm hiểu từ những người đã vay…;

Hai là, xin cung cấp thông tin từ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất về việc đăng ký biến động

  • Thủ tục đăng ký thế chấp là bắt buộc khi tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, do vậy, xin cung cấp thông tin giúp bạn biết được hợp đồng thế chấp có được ký kết, đăng ký hay không;

Ba là, đánh giá toàn diện rủi ro pháp lý, rủi ro thực tế với nhu cầu vay, khả năng đáp ứng nhu cầu của bên cho vay/nhận thế chấp

  • Có thể nói, nếu bạn chấp nhận toàn bộ các rủi ro pháp lý phát sinh từ hợp đồng vay này thì có thể tiến hành vay vốn, thế chấp sổ đỏ tại các công ty tư nhân;

  • Ngược lại, bạn nên cân nhắc cẩn thận trước khi đưa ra quyết định có nên vay hay không;

Như vậy, để giảm thiểu rủi ro khi vay vốn thế chấp sổ đỏ cho công ty tư nhân, bạn đọc có thể cân nhắc thực hiện theo những đề nghị đã nêu của chúng tôi.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi về vấn đề rủi ro khi vay vốn thế chấp sổ đỏ cho công ty tư nhân, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X