hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 14/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Sang tên sổ đỏ từ ông bà cho cháu thế nào?

Những người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật là cháu của người để lại tài sản thì phải thực hiện thủ tục gì để được nhận tài sản? Trường hợp người được nhận thừa kế đi làm xa, không về được thì nhận tài sản bằng cách nào?

Câu hỏi: Luật sư xin tư vấn ạ. Bố chồng và chồng tôi đã mất. Mẹ chồng vẫn còn sống. Giờ mẹ chồng tôi cũng tuổi cao, muốn thừa kế ngôi nhà đang ở lại cho hai đứa con trai tôi là cháu nội của ông bà. Nhưng ngôi nhà bìa đỏ vẫn đứng tên bố chồng tôi, vẫn chưa chuyển nhượng tên bìa đỏ sang cho bà đứng tên.

Nay mẹ chồng tôi muốn để lại cho hai cháu cùng thừa kế ngôi nhà này. Vấn đề rắc rồi là một cháu lớn đi làm ăn ở xa không về được, còn một cháu ở nhà. Giờ tôi phải làm những giấy tờ gì để thực hiện được thủ tục tặng cho như nguyện vọng của gia đình? Xin luật sư tư vấn giúp. Chân thành cảm ơn.

Chào bạn, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp chi tiết về các vấn đề bạn đang thắc mắc như sau:

Sang tên sổ đỏ từ ông bà cho cháu khi ông mất, bố mất thế nào?

Trước tiên, theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi cho rằng:

- Bố chồng và chồng bạn mất không để lại di chúc. Chồng bạn mất sau bố chồng bạn. Như vậy, tài sản là quyền sử dụng thửa đất được chia theo pháp luật;

- Tài sản là quyền sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận (sổ đỏ/sổ hồng) cho bố chồng và mẹ chồng bạn;

- Do chưa nhận được thông tin từ bạn về việc bố chồng bạn có bao nhiêu người con, có còn người thừa kế nào khác ngoài các con hay không nên chúng tôi tạm cho rằng có tồn tại những người thừa kế này tại thời điểm thực hiện phân chia tài sản thừa kế;

- Những người thừa kế hợp pháp của chồng bạn, bố chồng bạn đều thuộc trường hợp được nhận thừa kế (không thuộc trường hợp không được hưởng di sản thừa kế theo quy định tại Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015 như người đã bị kết án về hành vi xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản…) và không có thông tin về việc họ từ chối nhận tài sản thừa kế.

Như chúng tôi đã nhận định ở trên, việc chia tài sản thừa kế được thực hiện theo pháp luật. Điều này có nghĩa là việc chia thừa kế được thực hiện chia theo thứ tự từng hàng thừa kế, hàng thừa kế thứ nhất từ chối hoặc không còn ai thì mới chia đến hàng thừa kế thứ 2 (tương tự cho các hàng sau). Đồng thời, những người cùng hàng thừa kế thì được hưởng phần di sản bằng nhau.

Căn cứ khoản 1 Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố chồng bạn và chồng bạn bao gồm:

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

….

Theo đó, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố chồng bạn, chồng bạn bao gồm:

- Người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố chồng bạn: Mẹ chồng bạn, các con của bố mẹ chồng bạn (bao gồm cả con đẻ và con nuôi hợp pháp), bố mẹ đẻ/bố mẹ nuôi hợp pháp của bố chồng bạn

- Người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của chồng bạn: Do chồng bạn mất sau bố chồng bạn nên chồng bạn được hưởng một phần di sản do bố chồng bạn để lại. Khi chồng bạn mất, phần di sản này được chia cho bạn (vợ), các con của chồng bạn (bao gồm cả con đẻ và con nuôi hợp pháp), mẹ chồng bạn, bố mẹ nuôi hợp pháp của chồng bạn.

Đây là những người được hưởng phần tài sản thừa kế là một phần quyền sử dụng đất đứng tên bố mẹ chồng bạn. Do không nhận được đầy đủ thông tin nên tạm thời chúng tôi nhận định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố chồng bạn và chồng bạn đều còn sống tại thời điểm phân chia thừa kế.

Trường hợp gia đình bạn mong muốn được tặng cho hai cháu nội của ông bà (người đứng tên trên sổ đỏ) thì gia đình bạn cần thực hiện theo các bước gợi ý dưới đây:

Bước 1: Thực hiện thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/khai nhận di sản thừa kế

Những người được hưởng thừa kế tài sản của bố chồng bạn, chồng bạn như chúng tôi đã liệt kê ở trên yêu cầu công chứng/chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/khai nhận di sản thừa kế tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất (theo quy định tại Nghị định 23/2015/NĐ-CP) hoặc văn phòng công chứng/phòng công chứng (theo quy định tại Luật Công chứng 2014).

Hồ sơ cần chuẩn bị để được thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/khai nhận di sản thừa kế gồm:

- Giấy tờ tùy thân còn thời hạn của người nhận thừa kế (chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu);

- Giấy chứng tử của bố chồng bạn, chồng bạn (bản sao);

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Biên bản họp mặt gia đình về việc khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (nếu có);

- Giấy khai sinh của các con là con của bố mẹ chồng bạn và con của chồng bạn;

- Giấy tờ chứng minh nơi ở (thường là sổ hộ khẩu, nếu không có sổ hộ khẩu thì có thể là Giấy tờ xác nhận nơi cư trú được cấp tại cơ quan công an có thẩm quyền theo quy định tại Luật Cư trú 2020).

Tại đây, hai cháu nội của bố mẹ chồng bạn có thể được nhận tài sản thừa kế nếu những người thừa kế còn lại thực hiện tặng cho phần tài sản được hưởng của họ cho hai cháu nội của bố mẹ chồng bạn, việc tặng cho này phải được ghi nhận vào văn bản thỏa thuận phân chia di sản. Trường hợp những người thừa kế còn lại không đồng ý tặng cho thì hai cháu nội của bố mẹ chồng có thể thỏa thuận để nhận tặng cho phần tài sản này bằng cách thanh toán cho họ giá trị bằng tiền tương ứng với phần tài sản mà đáng lẽ họ được hưởng.

Hoặc hai cháu nội của bố mẹ chồng bạn cũng có thể được nhận tài sản nếu những người thừa kế còn lại từ chối nhận di sản thừa kế, việc từ chối di sản phải được lập thành văn bản có công chứng/chứng thực và phải được gửi tới những người thừa kế khác trước thời điểm phân chia di sản. Lúc này, hai cháu nội của bố mẹ bạn yêu cầu công chứng/chứng thực văn bản khai nhận di sản thừa kế (nếu không muốn phân chia) hoặc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế (muốn phân chia tài sản thừa kế).

Bước 2: Thực hiện thủ tục sang tên/đăng ký biến động quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền

Sau khi thực hiện thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/khai nhận di sản thừa kế, gia đình bạn thực hiện thủ tục đăng ký biến động/sang tên quyền sử dụng đất từ bố mẹ chồng bạn thành tên của những người được hưởng thừa kế theo pháp luật. Khi thực hiện sang tên, gia đình bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định pháp luật.

Xem thêm: Hồ sơ sang tên đất

Việc đăng ký biến động/sang tên được thực hiện tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất).

Bước 3: Nhận kết quả

Cơ quan có thẩm quyền thực hiện sang tên đất đai trả kết quả theo quy định cho người nộp hồ sơ. Tại đây, có thể tồn tại hai tình huống:

Tình huống 1: Sổ đỏ mang tên của hai cháu nội của bố mẹ chồng bạn

Do khi thực hiện thủ tục khai nhận di sản/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, những người thừa kế còn lại đã đồng ý tặng cho phần quyền sử dụng đất là phần di sản họ được hưởng cho hai cháu nội của bố mẹ chồng bạn. Lúc này, hai người cháu được toàn quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận được cấp.

Tình huống 2: Sổ đỏ mang tên những người thừa kế của bố chồng và chồng bạn

Đây là trường hợp những người thừa kế còn lại không đồng ý nhận giá trị bằng tiền tương ứng với phần tài sản đáng lẽ họ được nhận. Lúc này, sổ đỏ mang tên toàn bộ những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố chồng bạn và chồng bạn (như chúng tôi đã liệt kê ở trên).

02 cháu nội của bố mẹ chồng bạn chỉ có thể được đứng tên trên sổ đỏ đã cấp cho bố mẹ chồng bạn khi những người thừa kế còn lại đồng ý tặng cho hai cháu nội của bố mẹ chồng bạn. Khi đó, các bên thực hiện lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất hoặc văn phòng công chứng/phòng công chứng có trụ sở đặt tại tỉnh/thành phố Trực thuộc trung ương nơi có đất thừa kế.

Kết luận: 02 cháu nội của bố mẹ bạn được hưởng toàn bộ phần di sản thừa kế trong trường hợp:

- Những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất còn lại của bố chồng bạn và chồng bạn (theo danh sách chúng tôi đã liệt kê trên) đều từ chối nhận di sản thừa kế;

- Hoặc những người thừa kế còn lại này đồng ý tặng cho phần di sản đáng lẽ họ được hưởng cho 02 cháu nội của bố mẹ chồng bạn. Việc tặng cho có thể được thực hiện tại bước lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc sau khi đã thực hiện thủ tục sang tên.

Lưu ý: Những người được nhận tặng cho tại thời điểm công chứng/chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản phải là những người cùng được hưởng di sản thừa kế với người tặng cho.

Do chưa nhận được đủ thông tin nên bạn có thể đối chiếu các giải đáp của chúng tôi để có cách giải quyết phù hợp.

sang ten so do tu ong ba cho chau

Nhận tài sản tặng cho là đất đai khi đi làm xa thế nào? (Ảnh minh họa)

Làm thế nào để nhận tặng cho đất đai khi bên nhận đi làm xa không về được?

Theo thông tin bạn cung cấp, một người cháu nội của bố mẹ chồng bạn do đi làm ăn xa không thể về được, do vậy, để thực hiện thủ tục nhận tài sản thừa kế hoặc nhận tặng cho quyền sử dụng đất thì theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Công chứng 2014, người này có thể ủy quyền cho người khác thực hiện các thủ tục này thay mình.

Khi lập văn bản ủy quyền, người cháu ở xa của bố mẹ chồng bạn cần lưu ý một số đặc điểm như sau:

- Việc ủy quyền được lập thành văn bản có công chứng, thông thường tên gọi của văn bản ủy quyền này là hợp đồng uỷ quyền;

- Việc ủy quyền này thường được gọi là ủy quyền hai nơi (hay ủy quyền hai lần) theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Công chứng 2014. Nghĩa là, bên ủy quyền yêu cầu văn phòng công chứng/phòng công chứng nơi thuận tiện cho họ thực hiện công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu văn phòng công chứng/phòng công chứng nơi họ lựa chọn công chứng thực hiện công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này và hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền.

- Nơi thực hiện công chứng văn bản ủy quyền này là văn phòng công chứng/phòng công chứng bất kỳ, thuận tiện cho người lập. Trường hợp người ủy quyền đang ở nước ngoài thì thẩm quyền lập văn bản này là cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài như đại sứ quán, lãnh sự quán…;

- Trong văn bản ủy quyền, người ủy quyền thường cho phép người nhận ủy quyền được thay mặt/nhân danh họ thực hiện một số công việc nhất định như: Lập, sửa đổi, ký kết vào các văn bản/tài liệu/giấy tờ liên quan đến thủ tục nhận tài sản thừa kế/tặng cho, kê khai/nộp các tờ khai/khoản thuế, phí, lệ phí để thực hiện sang tên quyền sử dụng đất,...

- Tùy thỏa thuận giữa bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền mà việc lập văn bản ủy quyền này có thể có thù lao hoặc không có thù lao và thường có một thời hạn nhất định;

- Xuất phát từ sự tin tưởng mà người nhận ủy quyền thường được chọn là những người cùng hàng thừa kế hoặc những người thân khác trong gia đình có nơi cư trú thuận tiện cho việc nhận tài sản tặng cho/thừa kế.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về sang tên sổ đỏ từ ông bà cho cháu, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Sổ đỏ đứng tên hộ gia đình, chia thừa kế thế nào?

>> Đất không có sổ đỏ có chia được thừa kế không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X