hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 17/05/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Sắp tăng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công?

Sắp tăng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công là thông tin được được nhiều người quan tâm. Vậy thời điểm nào thì tăng, mức tăng như thế nào?

Câu hỏi: Tôi là thân nhân của liệt sỹ, tôi nghe nói sắp tới, sẽ tăng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công có đúng không? Vậy mức tăng là bao nhiêu, thời điểm nào thì tăng? Mong cho tôi thông tin, xin cảm ơn!

Sắp tăng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công?

Theo Nghị quyết số 104/2023/QH15 về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 thì từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Như vậy, khi thực hiện cải cách tiền lương vào tháng 7 tới thì trợ cấp ưu đãi người có công cũng sẽ được điều chỉnh.

Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng đang được áp dụng là 2.055.000 đồng (căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định số 55/2023/NĐ-CP,)

Mức chuẩn này được làm căn cứ để tính mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

Tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ nêu rõ ở mục việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng như sau:

“Tôn vinh toàn diện và đầy đủ đối với người có công với cách mạng; tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người gặp khó khăn trong cuộc sống; thực hiện việc hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo hướng là mức cao nhất trong các chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; ưu tiên chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhà ở, giáo dục, đào tạo, việc làm, vay vốn, phát triển sản xuất và tiếp cận các dịch vụ xã hội cho người có công và thân nhân. Bảo đảm người có công và gia đình người có công phải có mức sống từ trung bình khá trở lên so với mức sống của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Đồng thời tại Nghị quyết 68, Chính phủ giao Bộ LĐTBXH xây dựng 2 nghị định trong năm 2024, đó là:

- Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

- Nghị định điều chỉnh mức hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đối với người có công với cách mạng và các chế độ ưu đãi người có công.

Trước đó, Bộ LĐTBXH đề xuất tăng mức trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng 29,2%, từ 2.055.000 đồng lên 2.655.000 đồng, thực hiện từ 1/7/2024.

Vào tháng 3, tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cũng cho biết, đối với chính sách người có công, sẽ thực hiện đúng phương châm thể hiện trong Pháp lệnh người có công là “người có công được hưởng trợ cấp cao hơn bình thường”.

Theo tinh thần đó, mức trợ cấp của người có công sẽ cao hơn một bậc so với mức cải cách tiền lương.

Có thể thấy, từ ngày 1/7/2024, trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng sẽ được điều chỉnh, tuy nhiên để xác định điều chỉnh mức trợ cấp ưu đãi người có công còn chờ có hướng dẫn chi tiết và các văn bản, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 75/2021/NĐ-CP về mức trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

tăng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có côngSẽ tăng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công?

Đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công hiện nay

Đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng hiện nay thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP.

Theo đó, các đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi người có công là những đối tượng được quy định tại Điều 2 Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH14 Ưu đãi người có công với cách mạng, gồm người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng.

Trong đó, người có công với cách mạng, gồm:

(1) - Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945;

(2) - Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;

(3) - Liệt sỹ;

(4) - Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

(5) - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;

(6) - Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;

(7) - Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; người hưởng chính sách như thương binh;

(8) - Bệnh binh;

(9) - Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;

(10) - Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày;

(11) - Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế;

(12) - Người có công giúp đỡ cách mạng

- Thân nhân của người có công với cách mạng gồm:

- Cha đẻ, mẹ đẻ

- Vợ hoặc chồng

- Con (con đẻ, con nuôi)

- Người có công nuôi liệt sỹ.

Trên đây là thông tin giải đáp cho vướng mắc sắp tăng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công.

Gọi ngay cho các chuyên viên pháp lý của chúng tôi theo số  1900.6199 để được giải đáp, hỗ trợ nếu có vướng mắc về các quy định của pháp luật

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X