hieuluat
Chia sẻ email

Sẽ bỏ giấy chuyển tuyến BHYT, muốn khám đâu cũng được đúng không?

Thông tin bỏ giấy chuyển viện, người dân muốn khám ở đâu cũng được được nhiều người quan tâm, nhất là đối với những người khám bảo hiểm y tế. Vậy thông tin này thực tế ra sao?

Câu hỏi: Tôi nghe thông tin sẽ bỏ giấy chuyển tuyến BHYT, người dân muốn khám ở đâu cũng được, liệu có chính xác không?

Sẽ bỏ giấy chuyển tuyến BHYT có đúng không?

Chào bạn, vướng mắc của bạn chúng tôi xin được thông tin như sau:

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 20/11 Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Trong cuộc thảo luận này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho biết cử tri có ý kiến rất nhiều về việc đi khám chữa bệnh phải xin giấy chuyển viện vừa phiền toái, mất thời gian và gây mệt mỏi cho người dân.

Cũng theo ông, hiện nay với công nghệ thông tin phát triển, tiến bộ, việc liên thông các kết quả xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh cũng khá thông suốt.

Bên cạnh đó, hiện đã có hơn 93% dân số Việt Nam có BHYT, do đó, nên bãi bỏ việc đi xin giấy chuyển viện, đồng thời đẩy mạnh thông tuyến.

Đại biểu này cũng đề xuất trong lần sửa đổi Luật BHYT tới, làm sao để người dân khám BHYT có thể khám chữa bệnh ở đâu cũng được, phù hợp với tình trạng bệnh tật cũng như chất lượng khám chữa bệnh, thời gian đi lại, điều kiện chăm sóc...

Như vậy, việc bỏ giấy chuyển viện là đề xuất của đại biểu quốc hội không phải quy định chính thức được ban hành.

sắp tới sẽ bỏ giấy chuyển tuyến BHYT có đúng khôngViệc bỏ giấy chuyển tuyến BHYT chỉ là đề xuất của Đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cũng đã nêu quan điểm là cần giải quyết vấn đề chuyển viện để giảm thủ tục cho người dân tuy nhiên phải đảm bảo tính bền vững của hệ thống y tế cũng như tránh quá tải ở tuyến Trung ương.

Luật Khám chữa bệnh, luật cũ có quy định việc khám chữa bệnh phân làm 4 tuyến chuyên môn gồm: Trung ương, tỉnh, huyện và xã. 

Từ 2014, việc chuyển từ tuyến dưới lên trên phải tuân thủ theo tuần tự 4 tuyến trên. Tuy nhiên, đến năm 2016 đã thông tuyến cấp huyện; năm 2021 thông tuyến toàn tỉnh.

Việc chuyển tuyến cần đảm bảo đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh cho người dân và khả năng khám chữa bệnh từng tuyến, tránh dồn lên tuyến trên quá tải.

Hiện nay, việc chuyển tuyến chia làm 2 luồng như sau:

- Từ tuyến dưới lên tuyến trên khi cơ sở không đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh;

- Từ tuyến trên xuống tuyến dưới khi tình trạng bệnh tật ổn định, đảm bảo công tác điều trị về lâu dài.

Cũng theo Bộ trưởng Y tế thì vai trò giấy chuyển tuyến dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết vì giấy này có nêu rõ lịch sử điều trị cũng như tình trạng bệnh án.

Để giảm thủ tục hành chính, Bộ Y tế sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu, đồng thời cũng đang tập trung sử dụng việc chuyển tuyến điện tử nhằm giải tỏa những khó khăn người dân gặp phải.

Hi vọng lần sửa đổi Luật BHYT tới đây sẽ có nhiều quy định mới có lợi, thuận tiện hơn cho người dân trong khám chữa bệnh.

Dự thảo Luật mới phân làm 3 cấp nêu rõ điều kiện cấp nào được khám chữa bệnh ở mức nào, căn cứ vào khả năng đáp ứng của cơ sở và tình trạng của người bệnh, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhanh nhất với các dịch vụ khám chữa bệnh.

Cũng trong dự thảo Luật, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh gồm cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, tư nhân và được chia làm 3 cấp cụ thể:

  1. Cấp khám, chữa bệnh ban đầu: thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, quản lý bệnh nhân không lây nhiễm, phục hồi chức năng tại nhà.
  2. Cấp khám, chữa bệnh cơ bản: thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh ngoại trú, nội trú tổng quát, đào tạo thực hành tổng quát, đào tạo liên tục tổng quát.
  3. Cấp khám, chữa bệnh chuyên sâu: thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh ngoại trú, nội trú chuyên sâu, đào tạo thực hành chuyên sâu, đào tạo liên tục chuyên sâu, chuyển giao kỹ thuật trong khám, chữa bệnh.

Trên đây là thông tin giải đáp cho vướng mắc sẽ bỏ giấy chuyển tuyến BHYT có đúng không? Nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X