hieuluat
Chia sẻ email

Sẽ ghi cả quê cha và mẹ trên căn cước công dân đúng không?

Có phải sẽ ghi cả quê cha và mẹ trên căn cước công dân trong thời gian tới? Quê quán trên căn cước công dân được xác định như thế nào? Cùng tìm hiểu vấn đề này qua bài viết dưới đây.

 
Mục lục bài viết
  • Quê quán trên căn cước công dân được xác định như thế nào?
  • Sẽ ghi cả quê cha và mẹ trên căn cước công dân?
  • Có được thay đổi quê quán trên căn cước công dân không?
Câu hỏi: Tôi nghe nói có đề xuất ghi cả quê cha và mẹ trên căn cước công dân có đúng không? Tôi muốn biết là có được thay đổi quê quán trên căn cước công dân không?

Quê quán trên căn cước công dân được xác định như thế nào?

Quê quán trên căn cước công dân được xác định như thế nào?

Căn điểm i khoản 2 Điều 7 Thông tư 66/2015/TT-BCA (sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Thông tư 41/2019/TT-BCA) có hướng dẫn cách ghi thông tin tờ khai Căn cước công dân như sau:

“Tờ khai Căn cước công dân (CC01)

...

Cách ghi thông tin

i) Mục “Quê quán”: Ghi địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh theo giấy khai sinh, sổ hộ khẩu. Trường hợp các giấy tờ đó không ghi đầy đủ địa danh hành chính theo cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh thì ghi địa danh hành chính theo giấy tờ đó. Trường hợp địa danh hành chính có sự thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính mới đã được thay đổi theo quy định;”

Theo đó, hiện nay mục quê quán trên căn cước công dân được xác định dựa vào thông tin quê quán trong giấy khai sinh/sổ hộ khẩu. Và thông tin quê quán phải được ghi cụ thể cả đơn vị cấp xã, huyện, tỉnh; nếu không ghi đầy đủ cả xã, huyện, tỉnh thì phải ghi theo giấy khai sinh/sổ hộ khẩu. Trường hợp địa phương đã thay đổi về tên gọi thì được ghi theo tên gọi mới.

Trước đây, thông tin quê quán trong giấy khai sinh được quy định là ghi theo nơi sinh trưởng của cha, trường hợp không rõ cha đẻ thì ghi theo nơi sinh trưởng của mẹ, trường hợp không xác định được cha và mẹ thì để trống.

Hiện nay, quy định này không còn tiếp tục được áp dụng. Cụ thể thì tại điểm đ khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định quê quán trong giấy khai sinh được ghi theo quê quán của cha hoặc quê quán của mẹ đã được thỏa thuận, hoặc theo phong tục tập quán, hoặc là theo thông lệ của địa phương.

Tóm lại, quê quán trên căn cước công dân hiện nay được xác định theo quê quán trong giấy khai sinh (giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân). Mà quê quán trong giấy khai sinh là dựa trên quê quán của cha/mẹ/theo tập quán. Thực tế, hiện nay thông tin quê quán trên giấy khai sinh của phần lớn công dân được ghi theo quê quán của cha.

Sẽ ghi cả quê cha và mẹ trên căn cước công dân?

Sẽ ghi cả quê cha và mẹ trên căn cước công dân?

Sẽ ghi cả quê cha và mẹ trên căn cước công dân?

Hiện nay, dự thảo Luật Căn cước công dân (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm và thảo luận của nhiều đại biểu quốc hội và và các cơ quan ban ngành có liên quan.

Về thông tin quê quán trên căn cước công dân, một số đại biểu có ý kiến cho rằng việc không có quê mẹ trên thẻ căn cước công dân là chưa hợp lý.

Cụ thể đại biểu này đưa ra các câu hỏi về việc ghi quê cha trên thẻ căn cước sẽ có ý nghĩa thế nào? Mục quê quán lại ghi quê cha mà không phải quê mẹ? Có thể ghi thêm thông tin quê mẹ bên cạnh thông tin quê cha hay không?

Như vậy, đóng góp ý kiến đối với dự thảo luật lần này một số đại biểu cho rằng ban soạn thảo cần xem xét việc quy định ghi cả quê cha và quê mẹ trên căn cước công dân. Đề xuất này xuất phát từ việc quê cha hay quê mẹ đều có ý nghĩa với từng cá nhân.

Liên quan đến mục thông tin quê quán trên thẻ căn cước công dân, hiện nay cũng có đề xuất cho rằng nên đổi mục “quê quán” thành “nơi đăng ký khai sinh”, việc này được cho là sẽ giúp xác định chính xác nơi sinh của một công dân và đảm bảo sự thống nhất với Hộ chiếu.

Như vậy, việc ghi cả quê cha và mẹ trên căn cước công dân vẫn đang là đề xuất, chưa được thông qua và có quy định chính thức.

Có được thay đổi quê quán trên căn cước công dân không?

Liên quan đến thông tin quê quán trên căn cước công dân, căn cứ điểm d và điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014, công dân được đổi thẻ căn cước công dân nếu có căn cứ xác định lại quê quán hoặc thông tin về quê quán trên thẻ căn cước đã cấp có sai sót.

Theo đó, hiện nay quê quán trên căn cước công dân được xác định theo quê quán trong giấy khai sinh (xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ hoặc theo tập quán). Trường hợp công dân không muốn ghi theo quê quán trong giấy khai sinh và muốn thay đổi thành quê quán khác, thì trường hợp này không có căn cứ yêu cầu cơ quan công an thực hiện. Việc này được lý giải là do quê quán trên căn cước công dân phải có sự đồng bộ thống nhất với giấy tờ hộ tịch gốc là giấy khai sinh, nên việc tùy ý thay đổi thông tin quê quán trên căn cước công dân là không được phép.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP có quy định những việc cải chính hộ tịch chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ xác định sai sót xảy ra là do lỗi của công chức hộ tịch/của người yêu cầu đăng ký hộ tịch. Tức là việc thay đổi quê quán trong giấy khai sinh chỉ được phép thực hiện khi có căn cứ cho thấy có sai sót về thông tin quê quán do lỗi của công chức hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch. Trường hợp thông tin đăng ký ban đầu đã đúng và không có căn cứ chứng minh sai sót thì không được phép thay đổi quê quán trong giấy khai sinh.

Tóm lại: Về việc thay đổi quê quán trên căn cước công dân, nếu do có sai sót về quê quán hoặc do xác định lại quê quán thì được cấp đổi thẻ căn cước công dân. Những trường hợp yêu cầu thay đổi quê quán trên căn cước công dân khác sẽ không được giải quyết.

Trên đây là thông tin trả lời thắc mắc sẽ ghi cả quê cha và mẹ trên căn cước công dân đúng không? Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo số  19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X