Việc bảo lưu kết quả học tập đối với sinh viên không phải là điều hiếm gặp. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc thường gặp về sinh viên bảo lưu. Cụ thể:
Sinh viên được bảo lưu khi nào?
Căn cứ nội dung khoản 1 Điều 15 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT có quy định sinh viên được bảo lưu kết quả học tập khi thuộc một trong những trường hợp như sau:
- Thứ nhất là sinh viên này được điều động vào lực lượng vũ trang;
- Thứ hai là sinh viên này được cơ quan có thẩm quyền điều động, đại diện quốc gia để tham dự các kỳ thi hoặc giải đấu quốc tế;
- Thứ ba là sinh viên này bị ốm, thai sản hoặc bị tai nạn phải điều trị thời gian dài đồng thời có chứng nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền;
- Cuối cùng là bảo lưu vì lý do cá nhân khác nhưng phải học tối thiểu 01 học kỳ và không thuộc những trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc kỷ luật.
Sinh viên bảo lưu có phải đóng học phí không?
Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về vấn đề này, tuy nhiên căn cứ khoản 4 Điều 15 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục giao quyền cho cơ sở đào tạo quy định cụ thể về vấn đề bảo lưu.
Theo đó, để nắm được rõ nhất các quy định liên quan đến học phi và thời điểm bảo lưu, các bạn sinh viên có thể tìm hiểu thông qua Quy chế của từng trường hoặc thông qua cán bộ nhà trường.
Tuy nhiên, thông thường các cơ sở đào tạo có quy định việc bảo lưu phải được thực hiện trước khi học kỳ mới bắt đầu và từ học kỳ mới đó thì sinh viên được bảo lưu không phải đóng học phí. Còn trường hợp sinh viên thực hiện thủ tục xin bảo lưu sau khi học kỳ đã bắt đầu thì phải nộp học phí đối với những học phần đã học.
Sinh viên năm cuối có được bảo lưu không?
Sinh viên năm cuối được bảo lưu kết quả học tập nếu thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 15 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT, bao gồm:
- Thứ nhất là sinh viên này được điều động vào lực lượng vũ trang;
- Thứ hai là sinh viên này được cơ quan có thẩm quyền điều động, đại diện quốc gia để tham dự các kỳ thi hoặc giải đấu quốc tế;
- Thứ ba là sinh viên này bị ốm, thai sản hoặc bị tai nạn phải điều trị thời gian dài đồng thời có chứng nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền;
- Cuối cùng là bảo lưu vì lý do cá nhân khác và không thuộc những trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc kỷ luật.
Sinh viên năm nhất có được bảo lưu không?
Sinh viên năm nhất có được bảo lưu không?
Căn cứ nội dung khoản 1 Điều 15 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT có quy định 04 trường hợp sinh viên được bảo lưu kết quả học tập.
Trong đó, đối với các lý do điều động vào lực lượng vũ trang; điều động, đại diện quốc gia để tham dự các kỳ thi hoặc giải đấu quốc tế; bị ốm, thai sản hoặc bị tai nạn phải điều trị thời gian dài thì sinh viên có thể thực hiện thủ tục bảo lưu kết quả học tập mà không phân biệt vào năm học hay kỳ học. Sinh viên năm nhất có thể xin bảo lưu tại bất kỳ thời điểm nào với các lý do này.
Tuy nhiên đối với lý do cá nhân thì sinh viên chỉ được bảo lưu kết quả học tập khi học tối thiểu 01 học kỳ và không thuộc những trường hợp bị xem xét buộc thôi học hoặc xử lý kỷ luật. Như vậy trường hợp này, sinh viên năm nhất phải học ít nhất học kỳ đầu tiên mới được thực hiện thủ tục xin bảo lưu.
Sinh viên được bảo lưu mấy lần?
Hiện nay pháp luật không có quy định hạn chế về số lần sinh viên được phép bảo lưu kết quả học tập.
Tuy nhiên, quy chế của từng trường sẽ có quy định cụ thể về điều kiện, thẩm quyền, thủ tục cho phép bảo lưu kết quả học tập, do đó các bạn sinh viên có thể tìm hiểu quy định liên quan tại Quy chế của trường hoặc thông qua cán bộ nhà trường.
Nợ môn có được bảo lưu hay không?
Căn cứ nội dung khoản 1 Điều 15 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT, sinh viên nợ môn vẫn có thể được cho phép bảo lưu kết quả học tập.
Tuy nhiên đối nếu sinh viên nợ môn dẫn đến bị xem xét buộc thôi học hoặc xử lý kỷ luật thì không được cho phép bảo lưu vì lý do cá nhân.
Sinh viên được bảo lưu kết quả học tập bao lâu?
Căn cứ khoản 5 Điều 2, khoản 2 Điều 15 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT, thời gian tối đa để một sinh viên hoàn thành khóa học được quy định trong quy chế của nhà trường, nhưng không vượt quá hai lần thời gian theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khoá.
Như vậy, tuy quy định hiện nay không giới hạn thời gian sinh viên được bảo lưu. Nhưng để đảm bảo quy định về thời gian tối đa hoàn thành khóa học, thời gian bảo lưu cùng với thời gian hoàn thành khóa học không được vượt quá 02 lần so với thời gian đào tạo chuẩn.
Trên đây là thông tin về vấn đề sinh viên bảo lưu, hi vọng bài viết đã giải đáp được thắc mắc của bạn đọc. Nếu có bất cứ thắc mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ theo số 1900.6199 để được hỗ trợ kịp thời, nhanh chóng.