hieuluat
Chia sẻ email

Sinh viên ra trường muộn có được hoãn nghĩa vụ quân sự không?

Sinh viên đang học đại học thì được hoãn nghĩa vụ quân sự nhưng còn trường hợp sinh viên ra trường muộn có được hoãn nghĩa vụ quân sự không? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp nội dung này.

Mục lục bài viết
  • Bao nhiêu tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự?
  • Ra trường muộn có được hoãn nghĩa vụ quân sự không?
  • Trốn nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt bao nhiêu?
Câu hỏi: Chào luật sư, em là sinh viên một trường đại học tại địa bàn thành phố Hà Nội, vì một số lý do cá nhân, nên em không thể ra trường đúng hạn, sắp tới đợt khám nghĩa vụ quân sự em lo quá, Luật sư cho em hỏi sinh viên ra trường muộn như em có được hoãn nghĩa vụ quân sự không ạ? em cảm ơn

Bao nhiêu tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự?

Bao nhiêu tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự?

Bao nhiêu tuổi phải đi nghĩa vụ quân sự?

Theo quy định của pháp luật hiện hành công dân trong độ tuổi phải tham gia nghĩa vụ quân sự là từ đủ 18 tuổi đến hết 27 tuổi, cụ thể như sau: 

Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 6 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định bắt buộc công dân nam đang trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ có nghĩa vụ quân sự trong các đơn vị quân đội.

Còn đối với công dân nữ không bắt buộc thực hiện nghĩa vụ, nếu có mong muốn và tự nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự thì được Nhà nước xem xét chấp thuận. 

Căn cứ Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 và khoản 1 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP, độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự là từ đủ 18 đến hết 25 tuổi, tuy nhiên công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn nhập ngũ thì độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự kéo dài cho đến hết thời điểm đủ 27 tuổi.

Ra trường muộn có được hoãn nghĩa vụ quân sự không?

Theo quy định của pháp luật hiện hành việc trễ tiến độ đào tạo, tốt nghiệp muộn không thuộc diện đối tượng được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự, cụ thể như sau:

Ra trường muộn có được hoãn nghĩa vụ quân sự không?

Ra trường muộn có được hoãn nghĩa vụ quân sự không?

Căn cứ điểm g khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự 2015 và điểm g khoản 1 Điều 5 Thông tư 148/2018/TT-BQP theo đó:

Công dân đang theo học giáo dục phổ thông tại các cơ sở hoặc đang được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học hệ chính quy thuộc các cơ sở giáo dục như các trường đại học, cao đẳng, học viện,... thì được tạm hoãn gọi nhập ngũ cho đến hết một khóa đào tạo tại trình độ đào tạo tương ứng. 

“ Điều 41. Tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ

1. Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:

g) Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.”

Thời gian một khóa đào tạo trình độ đại học, cao đẳng tại các cơ sở giáo dục do cơ sở giáo dục trình độ cao đẳng, đại học quy định theo Điều 2 Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT và không trái với cơ cấu của hệ thống giáo dục đã ban hành.

Căn cứ khoản 2 Điều 2 Quyết định số 1981/QĐ-TTg năm 2016 khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân theo đó chuẩn khung thời gian đào tạo là 02 - 03 năm đối với trình độ cao đẳng và với trình độ đại học thì chuẩn khung đào tạo giao động từ 04 - 05 năm

Trên thực tế tùy vào khối lượng và ngành học đặc thù mà thời gian đào tạo có thể khác nhau, một số ngành phổ biến như kinh tế, sư phạm, marketing thời gian đào tạo thông thường là 04 năm và một số ngành đặc thù về y tế như ngành Dược thường có chuẩn khung đào tạo là 05 năm. 

Do đó, việc ra trường trễ hạn so với thời gian chuẩn 01 khóa đào tạo tương ứng với ngành học tại trường không thuộc diện được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Nếu được gọi tham gia nghĩa vụ quân sự, công dân cần nghiêm chỉnh chấp hành. 

Trốn nghĩa vụ quân sự sẽ bị phạt bao nhiêu?

Theo khoản 9 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP sửa đổi Điều 7 Nghị định 120/2013/NĐ-CP quy định về hành vi trốn nghĩa vụ quân sự, cụ thể:

Phạt tiền từ 30 triệu đồng - 40 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian/địa điểm tập trung đi nghĩa vụ quân sự được ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không giải trình được lý do chính đáng.

Theo Điều 4 Thông tư số 07/2023/TT-BQP, lý do chính đáng bao gồm:

- Người phải tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự theo lệnh gọi nhưng bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn hoặc trên đường đi nghĩa vụ quân sự thì bị ốm đau, bệnh tật, tai nạn phải điều trị tại cơ sở khám/chữa bệnh.

- Người thân của người đi nghĩa vụ quân sự, bao gồm các đối tượng: Cha/mẹ đẻ; cha/mẹ vợ hoặc cha/mẹ chồng; cha/mẹ nuôi; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ/chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm đau, bệnh tật, bị tai nạn nặng đang điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

- Thân nhân của người thực hiện nghĩa vụ quân sự chết nhưng chưa tổ chức tang lễ/tang lễ chưa kết thúc.

- Nhà ở của người đi nghĩa vụ quân sự/thân nhân người đi nghĩa vụ quân sự nằm trong vùng đang bị dịch bệnh, hỏa hoạn, thiên tai, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

- Người đi nghĩa vụ quân sự không được nhận lệnh gọi khám sức khỏe đi nhập ngũ hoặc có nhận được lệnh nhưng không ghi rõ thời gian và địa điểm do lỗi của người/cơ quan có trách nhiệm, hoặc do người khác có hành vi cản trở.

Bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn đọc thông tin về việc ra trường muộn có được hoãn nghĩa vụ quân sự không. Nếu có thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ tổng đài theo số hotline  19006199 để được hỗ trợ kịp thời và nhanh chóng.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X