hieuluat
Chia sẻ email

Số định danh bảo hiểm xã hội là gì? Tra cứu mã số này như thế nào?

Nhiều người lao động còn chưa biết mã số định danh bảo hiểm xã hội là gì? Cách tra cứu mã số đó như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về mã số bảo hiểm xã hội.

 
Mục lục bài viết
  • Số định danh bảo hiểm xã hội là gì?
  • Số định danh bảo hiểm xã hội dùng để làm gì?
  • Hướng dẫn cách tra số định danh bảo hiểm xã hội?
  • Có hai số định danh bảo hiểm xã hội thì phải làm sao?
Câu hỏi: Tôi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại công ty và được cấp một mã số bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, tôi không còn giữ mã số đó nữa, cho tôi hỏi làm sao để tra cứu mã số bảo hiểm xã hội này?

Số định danh bảo hiểm xã hội là gì?

Số định danh bảo hiểm xã hội là gì?

Số định danh bảo hiểm xã hội là gì?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quyết định 2153/QĐ-BYT thì số định danh bảo hiểm xã hội (mã số bảo hiểm xã hội) là số định danh cá nhân duy nhất của người tham gia do cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp để ghi trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.

Hiện nay, mã số bảo hiểm xã hội được dùng làm mã định danh y tế, mỗi người dân chỉ được cấp một mã định danh y tế duy nhất, tồn tại suốt đời và mã số này gồm 10 số.

Số định danh bảo hiểm xã hội dùng để làm gì?

Số định danh bảo hiểm xã hội có nhiều chức năng trong việc quản lý công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế cho tham gia bảo hiểm như:

  • Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội: dùng để xác định danh tính người tham gia bảo hiểm xã hội, giúp họ được hưởng các lợi ích do bảo hiểm mang lại và dễ dàng tra cứu quá trình tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của mình.

  • Đối với các cơ sở y tế: các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở y tế sử dụng số định danh bảo hiểm xã hội để liên kết thông tin sức khỏe của người dân với Bệnh án điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử và các phần mềm thông tin y tế khác.

  • Đối với cơ quan bảo hiểm xã hội: dùng để quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan đến bảo hiểm xã hội một cách hiệu quả.

Hướng dẫn cách tra số định danh bảo hiểm xã hội?

Để tra cứu số định danh bảo hiểm xã hội, người tham gia bảo hiểm có thể thực hiện theo một trong các cách sau:

Cách 1: Xem mã số định danh bảo hiểm xã hội trên bìa sổ bảo hiểm xã hội.

Cách 2: Xem mã số định danh bảo hiểm xã hội trên thẻ bảo hiểm y tế: 10 số cuối của mã số bảo hiểm y tế chính là mã số bảo hiểm xã hội.

Ví dụ: thẻ bảo hiểm y tế có mã số DN4898922230693 thì mã số bảo hiểm xã hội là 8922230693.

Cách 3: Tra cứu online tại ứng dụng VssID theo các bước sau:

  • Bước 1: Mở ứng dụng VissID trên điện thoại và đăng nhập vào tài khoản. Nếu bạn chưa có tài khoản thì trước tiên phải đăng ký tài khoản.

Bước 1

  • Bước 2: Tại trang chủ, nhấn chọn "Tra cứu". Hệ thống sẽ tự chuyển hướng sang trang tra cứu trực tuyến. Sau đó, nhấn chọn "Tra cứu mã số BHXH" và điền các thông tin cần thiết gồm: tỉnh/thành phố, họ và tên của người cần tra cứu mã số bảo hiểm xã hội;

Bước 2

  • Bước 3: Nhấn "Tìm kiếm", sau đó hệ thống sẽ hiện thông tin mã số bảo hiểm xã hội của bạn nếu thông tin bạn điền là đúng.

Cách 4: Tra cứu online trên Cổng thông tin điện tử của bảo hiểm xã hội Việt Nam theo các bước sau:

  • Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin điện tử của bảo hiểm xã hội Việt Nam theo địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn/;

Bước 1

  • Bước 2: Nhấn vào mục “Tra cứu trực tuyến”, sau đó chọn “Tra cứu mã số BHXH” ở góc phải màn hình.

Bước 1

  • Bước 3: Tại trang tra cứu mã số bảo hiểm xã hội, nhập các thông tin bắt buộc gồm: tỉnh/thành phố, CCCD/CMND/hộ chiếu, họ và tên của người cần tra cứu. Sau đó, nhấn xác nhận “Tôi không phải người máy” và nhấn chọn “Tra cứu”;

Bước 3

  • Bước 4: Chờ kết quả. Hệ thống sẽ hiển thị thông tin mã số bảo hiểm xã hội của bạn nếu thông tin bạn điền là đúng hoặc nhắc nhở nếu bạn điền thiếu thông tin.

Cách 5: Đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội gần nhất và nhờ cán bộ, nhân viên ở đó tra cứu mã số bảo hiểm xã hội của bạn.

Có hai số định danh bảo hiểm xã hội thì phải làm sao?

Mặc dù một cá nhân chỉ được cấp duy nhất một số định danh bảo hiểm xã hội để sử dụng nhưng có trường hợp do người lao động làm việc tại nhiều nơi, sử dụng đồng thời cả Chứng minh nhân dân và Căn cước công dân khi đăng ký bảo hiểm xã hội dẫn đến việc một người có hai hoặc nhiều số định danh bảo hiểm xã hội.

Trong trường hợp một người có hai số định danh bảo hiểm xã hội trở lên thì sẽ phải thực hiện thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội như sau:

  • Nếu hai sổ bảo hiểm xã hội có thời gian đóng trùng nhau thì:

  • Người lao động yêu cầu một trong hai công ty nơi mình làm việc thực hiện thủ tục giảm trùng quá trình đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

  • Thực hiện thủ tục gộp sổ bảo hiểm xã hội bằng cách chuẩn bị hồ sơ gồm: tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHTN (Mẫu TK1-TS) và hai sổ bảo hiểm xã hội để nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi quản lý hoặc cư trú.

  • Sau khi gộp sổ thành công, người lao động sẽ được nhận số tiền bảo hiểm được hoàn trả do đóng trùng và sổ bảo hiểm mới.

  • Nếu hai sổ bảo hiểm xã hội có thời gian đóng không trùng nhau thì:

  • Người lao động chuẩn bị hồ sơ gồm: tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHTN (Mẫu TK1-TS) và hai sổ bảo hiểm xã hội, nộp tại cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi quản lý hoặc cư trú để gộp sổ.

  • Sau khi gộp sổ thành công, người lao động sẽ được gộp quá trình đóng của các sổ bảo hiểm xã hội lại với nhau và được cấp sổ mới.

Trên đây là những thông tin mà chúng tôi muốn cung cấp đến bạn đọc liên quan số định danh bảo hiểm xã hội và cách tra cứu mã số này. Nếu có bất kỳ thắc mắc hoặc muốn tìm hiểu thêm về vấn đề gì, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ kịp thời.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X