Sổ đỏ có phải là một loại tài sản không? Sổ đỏ có thể đứng tên bao nhiêu người?... Cùng HieuLuat giải đáp những vấn đề liên quan đến sổ đỏ trong bài viết dưới đây.
Câu hỏi: Chào Luật sư, vợ chồng tôi đang có vấn đề liên quan đến sổ đỏ thừa kế, sổ đỏ mua bán…mong được giải đáp rõ ràng như sau:
Nếu được nhận thừa kế mà người thừa kế không về khai nhận được, phải ủy quyền cho người khác làm thủ tục hộ thì trên sổ đỏ có ghi tên của họ không?
Vấn đề 2: Sổ đỏ có phải là tài sản không? Tôi có thể sử dụng quyển sổ đỏ để cầm cố vay tiền không?
Chào bạn, sổ đỏ và các vấn đề pháp lý xoay quanh sổ đỏ luôn là những câu hỏi mang tính thời sự, với những thắc mắc đã nêu của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:
Sổ đỏ quyền sử dụng đất được cấp cho những ai?
Luật Đất đai 2013 ghi nhận các hình thức sử dụng đất của người sử dụng đất gồm:
Được Nhà nước giao đất;
Được Nhà nước cho thuê đất;
Được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất;
Được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế,...;
Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 quy định về hình thức được nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất gồm:
Tự tạo lập, xây dựng theo quy định;
Được nhận quyền sở hữu thông qua các giao dịch mua bán, phát mại, nhận thừa kế, nhận tặng cho,...;
Từ các phân tích và căn cứ trên, đối tượng được sở hữu tài sản trên đất, nhận quyền sử dụng đất hợp pháp và được cấp sổ đỏ bao gồm:
Một là, một trong những đối tượng được quy định tại Điều 5 Luật Đất đai 2013
Điều 5. Người sử dụng đất
Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:
1. Tổ chức trong nước gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự (sau đây gọi chung là tổ chức);
2. Hộ gia đình, cá nhân trong nước (sau đây gọi chung là hộ gia đình, cá nhân);
3. Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ;
4. Cơ sở tôn giáo gồm chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và cơ sở khác của tôn giáo;
5. Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao gồm cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện khác của nước ngoài có chức năng ngoại giao được Chính phủ Việt Nam thừa nhận; cơ quan đại diện của tổ chức thuộc Liên hợp quốc, cơ quan hoặc tổ chức liên chính phủ, cơ quan đại diện của tổ chức liên chính phủ;
6. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
7. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gồm doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Hai là, người được quyền sở hữu nhà ở hợp pháp tại Việt Nam theo quy định của Luật Nhà ở 2014, Luật Kinh doanh bất động sản 2014
Cụ thể có thể là:
Cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong nước;
Cá nhân, tổ chức nước ngoài thuộc trường hợp được sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất tại Việt Nam;
Tổ chức nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
Cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư;
Tổ chức có chức năng ngoại giao;
Trường hợp hợp pháp khác…..;
Người được nhận ủy quyền là người được thay mặt, đại diện cho người có quyền thực hiện một số công việc nhất định. Vậy nên, người nhận ủy quyền thực hiện các thủ tục, công việc của người nhận thừa kế không phải là người được quyền nhận thừa kế phần tài sản đó.
Do đó, người nhận ủy quyền không được đứng tên trên sổ đỏ mà người đứng tên trên sổ đỏ phải là người được quyền nhận tài sản thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc của người để lại tài sản (trừ những người không được nhận tài sản hoặc bị truất quyền hưởng tài sản thừa kế).
Kết luận: Người được cấp sổ đỏ là những người được sử dụng đất, được sở hữu tài sản gắn liền với đất theo một trong những hình thức như: Được Nhà nước giao, cho thuê..được nhận tặng cho, thừa kế,...
Nói cách khác, sổ đỏ quyền sử dụng đất được cấp cho các đối tượng là cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong nước, hoặc cá nhân/tổ chức nước ngoài, hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài…theo Điều 5 Luật Đất đai 2013.
Sổ đỏ có phải là tài sản không?
Căn cứ khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai 2013, sổ đỏ là loại giấy tờ được gọi là chứng thư pháp lý được Nhà nước cấp cho người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất nhằm công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản hợp pháp của họ.
Suy ra, sổ đỏ là loại giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, người sở hữu tài sản trên đất.
Mặt khác, căn cứ quy định tại Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015, tài sản được hiểu là:
Điều 105. Tài sản
1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
Từ đây, có thể nhận định rằng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản được gọi chung là quyền tài sản. Còn sổ đỏ là loại giấy tờ chứng minh đối tượng có quyền tài sản đó (là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).
Tóm lại, sổ đỏ là giấy tờ xác minh, xác nhận đối tượng có quyền tài sản. Và sổ đỏ không phải là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
Hiện nay, sổ đỏ có thể đứng tên mấy người?
Trước hết, sổ đỏ được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trường hợp có nhiều người chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì việc cấp sổ đỏ được thực hiện theo nguyên tắc tại khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013 như sau:
…
2. Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện.
…
Theo quy định trên, pháp luật đất đai không quy định số lượng người sử dụng đất tối đa được ghi nhận trên sổ đỏ mà số lượng người được ghi tên trên sổ đỏ được căn cứ vào các yếu tố sau:
Người được đứng tên trên sổ đỏ;
Những người được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
Những người được nhận chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thông qua nhận thừa kế, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho,...;
Những người này được cấp sổ đỏ sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định;
Như vậy, pháp luật không quy định số lượng người tối đa được ghi nhận trên sổ đỏ mà việc ghi tên người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất trên sổ đỏ được thực hiện theo số lượng người đủ điều kiện được cấp sổ đỏ.