hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 11/05/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cách vay thế chấp sổ đỏ khác huyện như thế nào?

Vay ngân hàng thế chấp bằng sổ đỏ là một trong những việc khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Thông thường, nhiều người có tài sản ở một huyện nhưng lại sinh sống và làm việc tại một huyện khác, thậm chí là khác tỉnh. Vậy, họ có thể vay ngân hàng, thế chấp bằng sổ đỏ được không?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi đăng ký thường trú tại Hà Nội, hiện đang làm việc tại Hải Phòng. Tôi được bố mẹ cho tặng một thửa đất ở vùng ngoại ô Hà Nội và đã được cấp Giấy chứng nhận vào năm 2019. Hiện nay, do nhu cầu cần thêm vốn cho hoạt động kinh doanh của mình tại Hải Phòng, tôi muốn vay ngân hàng và thế chấp bằng sổ đỏ mà tôi đã được cấp. Tôi có một số câu hỏi mong được Luật sư giải đáp như sau:

1. Sổ đỏ tôi được cấp cho đất ở Hà Nội, tôi muốn dùng nó để thế chấp cho khoản vay của ngân hàng tại Hải Phòng (thuận tiện cho công việc) thì có được không, thưa Luật sư?

2. Nếu sổ đỏ chỉ đứng tên của mình tôi (không có tên của vợ tôi vì tôi được bố mẹ tặng cho riêng) thì tôi có thể vay ngân hàng và sử dụng tài sản này là tài sản thế chấp được không?

Mong hồi âm của Luật sư.

Xin chào bạn, nhu cầu vay vốn ngân hàng và có tài sản bảo đảm hay tài sản thế chấp là một trong những nhu cầu thiết thực hiện nay. Với những băn khoăn của bạn xoay quanh vấn đề vay vốn thế chấp bằng tài sản là quyền sử dụng đất tại ngân hàng, chúng tôi giải đáp như sau:

Vay thế chấp sổ đỏ ở ngân hàng khác huyện nơi có đất được không?

Đầu tiên, Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện để được thực hiện thế chấp tài sản là quyền sử dụng đất gồm:

- Đất đã có Giấy chứng nhận; trong thời hạn sử dụng;

- Thửa đất, tài sản trên đất (nếu có) tại thời điểm thế chấp phải không thuộc trường hợp tranh chấp, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án theo quy định.

=> Đây là điều kiện tiên quyết để bạn có thể thế chấp tài sản của mình để đảm bảo cho khoản vay tại ngân hàng.

Hai là, người đi vay cần bảo các điều kiện để được vay ngân hàng theo quy định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN

Cụ thể, Điều 7 của Thông tư này quy định, người đi vay vốn được ngân hàng xem xét cho vay nếu thỏa mãn các yêu cầu như về mục đích, khả năng trả nợ,...

Điều 7. Điều kiện vay vốn

Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:

1. Khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

2. Nhu cầu vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp.

3. Có phương án sử dụng vốn khả thi.

4. Có khả năng tài chính để trả nợ.

5. Trường hợp khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư này, thì khách hàng được tổ chức tín dụng đánh giá là có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh.

=> Như vậy, khi xem xét các điều kiện để cho vay, pháp luật không quy định các ngân hàng phải cân nhắc về vị trí địa lý của nơi có tài sản và nơi cư trú của người vay. Điều đó đồng nghĩa với việc, tài sản thế chấp ở một huyện, nơi ngân hàng cho vay lại ở một huyện khác (thậm chí là khác tỉnh) thì người vay vẫn có thể được vay vốn tại ngân hàng nếu đảm bảo các điều kiện vay của pháp luật và điều kiện riêng của từng ngân hàng (nếu có).

Bạn cũng cần lưu ý:

- Theo quy định pháp luật, việc vay vốn của ngân hàng có thể có nhiều mục đích khác nhau như vay tiêu dùng, vay cho hoạt động sản xuất kinh doanh,...mỗi một mục đích lại có những chính sách ưu đãi và những điều kiện nhất định về lãi suất,... Do đó, bạn nên tìm hiểu trước những thông tin này;

- Nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng có thể chỉ do mình bạn chịu hoặc cả hai vợ chồng bạn phải chịu, tùy thuộc vào hợp đồng vay vốn (hợp đồng tín dụng) mà bạn ký kết với ngân hàng tại thời điểm vay. Thông thường, ngân hàng sẽ đề nghị người vay là cả hai vợ chồng bạn, để nhằm mục đích có thêm một người có nghĩa vụ phải hoàn trả khoản nợ, giảm thiểu rủi ro nợ không trả được của ngân hàng.

Nếu bạn chỉ muốn khoản nợ này là của riêng mình thì bạn phải thỏa thuận và đề nghị với ngân hàng ngay từ thời điểm lập hợp đồng tín dụng và có văn bản của vợ/chồng của bạn hoặc văn bản của cả hai xác nhận nội dung khoản vay này chỉ thuộc về mình bạn.

Vậy nên, từ các phân tích và căn cứ trên, bạn hoàn toàn có quyền đề nghị vay vốn tại ngân hàng ở Hải Phòng, khi đất ở Hà Nội, chỉ cần bạn đảm bảo các điều kiện của tài sản vay vốn, điều kiện vay vốn như chúng tôi đã giải đáp.

so do khac huyen co vay the chap duoc khong


Sổ đỏ đứng tên 01 người, có vay ngân hàng được không?

Theo thông tin bạn cung cấp, sổ đỏ đứng tên một mình bạn do bạn được bố mẹ tặng cho riêng trong thời kỳ chung sống hôn nhân với vợ/chồng của mình, tài sản này là tài sản riêng của bạn.

Căn cứ quy định tại Điều 44 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, bạn có toàn quyền định đoạt đối với tài sản riêng này của mình, trong đó có quyền thế chấp tài sản.

Điều này có nghĩa là khi bạn đã đảm bảo mình đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn, thửa đất của mình đảm bảo không thuộc trường hợp không được thế chấp thì bạn có thể tự mình sử dụng tài sản này để thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Thủ tục thực hiện việc thế chấp tài sản thuộc sở hữu riêng của bạn để đảm bảo cho khoản vay của ngân hàng cũng không khác biệt so với các trường hợp khác. Cụ thể, bạn có thể tham khảo các bước sau:

Bước 1: Ký hợp đồng thế chấp (hợp đồng bảo đảm)

Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất (nếu có) nên hợp đồng này phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật (khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, Điều 22 Nghị định 21/2021/NĐ-CP).

Nơi thực hiện: Tại ngân hàng hoặc tại trụ sở văn phòng công chứng/phòng công chứng (nơi ký công chứng hợp đồng thế chấp) hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

Lưu ý: Văn phòng công chứng/phòng công chứng được quyền ký hợp đồng thế chấp phải là văn phòng công chứng/phòng công chứng có trụ sở trên địa bàn cấp tỉnh nơi có đất. Trong trường hợp của bạn thì các văn phòng công chứng/phòng công chứng có trụ sở đặt ở phạm vi hành chính thuộc thành phố Hà Nội đều có thể ký hợp đồng thế chấp này.

Bước 2: Đăng ký tài sản thế chấp (đăng ký giao dịch bảo đảm) tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất

Thông thường, ngân hàng sẽ là bên thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm cho tài sản là quyền sử dụng đất của bạn.

Nơi có thẩm quyền thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm là chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (cơ quan chuyên môn cấp huyện) nơi có đất.

Bước 3: Nhận kết quả

Người yêu cầu đăng ký giao dịch bảo đảm nhận kết quả là sổ đỏ đã có xác nhận về việc đã đăng ký giao dịch bảo đảm sau khi đã nộp các khoản phí, lệ phí (nếu có).

Lưu ý: Để đảm bảo công việc được diễn ra suôn sẻ, bạn có thể đề nghị ngân hàng hướng dẫn chi tiết về những hồ sơ khác mà ngân hàng họ cần khi thực hiện nhận thế chấp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất.

Như vậy, khi tài sản đứng tên riêng của bạn thì bạn vẫn có quyền được dùng nó để thế chấp cho khoản vay của mình tại ngân hàng mà không bị pháp luật cấm.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về sổ đỏ khác huyện có vay thế chấp được không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Vay thế chấp sổ hồng đồng sở hữu được không?

>> Không có sổ đỏ, có vay ngân hàng được không?

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X