hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 26/10/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cấp sổ đỏ có buộc phải có sổ hộ khẩu không?

Sổ đỏ và sổ hộ khẩu có liên quan gì đến nhau khi công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất không? Những người cùng có tên trên sổ hộ khẩu có được quyền định đoạt tài sản nhà đất không? … Cùng HieuLuat giải đáp những vấn đề pháp lý xoay quanh sổ đỏ, sổ hộ khẩu trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi muốn biết quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở trên đất theo sổ đỏ được cấp thì có liên quan gì đến sổ hộ khẩu không? Tôi có hộ khẩu ở tỉnh A nhưng mua nhà ở, đất ở tại tỉnh B thì có được không?

Vấn đề thứ 2 tôi muốn hỏi là những người có tên trên sổ hộ khẩu thì có được quyền định đoạt như mua bán, thế chấp, tặng cho… nhà đất theo sổ đỏ không?

Chào bạn, với những vướng mắc liên quan đến mối quan hệ giữa sổ đỏ và sổ hộ khẩu, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Sổ đỏ và sổ hộ khẩu có liên quan gì đến nhau?

Thực tế, nhiều người chưa thực sự hiểu rõ về hai loại giấy tờ là sổ đỏ và sổ hộ khẩu. Vai trò của hai loại giấy tờ này trong các giao dịch, quan hệ dân sự của công dân, người sử dụng đất là khác nhau.

Sổ đỏ hay giấy chứng nhận là tên thường gọi của chứng thư pháp lý mà Nhà nước cấp cho người sử dụng đất, người sở hữu tài sản gắn liền với đất nhằm khẳng định sự công nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu hợp pháp của họ đối với diện tích đất, tài sản trên đất.

Sổ hộ khẩu là giấy tờ xác minh việc đăng ký thường trú của công dân theo quy định của pháp luật về cư trú.

Kể từ ngày 1/7/2021 (ngày Luật Cư trú 2020 có hiệu lực thi hành), người dân sẽ không được cấp mới sổ hộ khẩu mà được cấp văn bản xác nhận nơi cư trú.

Căn cứ quy định tại Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, trên trang bìa của giấy chứng nhận sẽ ghi thông tin của người được cấp sổ đỏ, giấy tờ chứng minh nhân thân và địa chỉ nơi cư trú theo sổ hộ khẩu.

Trong trường hợp người nhận chuyển quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất được đăng ký biến động và xác nhận tại phần IV. Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận thì thông tin về tên, giấy tờ tùy thân và nơi đăng ký thường trú vẫn là các thông tin buộc phải có.

Ngoài ra, pháp luật đất đai, pháp luật về kinh doanh bất động sản không cấm người tỉnh này không được mua đất ở, nhà ở tại tỉnh khác. Nói cách khác, trừ các trường hợp không được sở hữu nhà ở, công nhận quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì bạn hoàn toàn có quyền mua nhà ở, đất ở tại nơi không đăng ký thường trú.

Thủ tục mua bán, chuyển nhượng nhà đất được thực hiện như các trường hợp thông thường khác.

Vậy nên, sổ hộ khẩu là tài liệu xác nhận nơi đăng ký thường trú của người được cấp giấy chứng nhận và là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ghi thông tin nơi cư trú của họ trên sổ đỏ.

Sổ đỏ và sổ hộ khẩu là hai loại giấy tờ mang ý nghĩa khác biệt được Nhà nước cấp cho người dân. Hiện nay, sổ hộ khẩu không được cấp mới mà người đăng ký cư trú được cấp văn bản xác nhận nơi cư trú và được ghi nhận trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, cơ quan cấp sổ đỏ có thể sử dụng văn bản xác nhận nơi cư trú được cơ quan công an có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để làm căn cứ xác định nơi cư trú của họ.

so do va so ho khau


Quyền của người có tên trong hộ khẩu khi mua bán nhà đất là gì?

Như chúng tôi đã trình bày, sổ hộ khẩu là loại giấy tờ được cấp cho người dân để xác định nơi đăng ký thường trú hợp pháp.

Sổ hộ khẩu còn cung cấp các thông tin về các thành viên trong hộ gia đình và mối quan hệ giữa những người cùng chung sổ hộ khẩu với chủ hộ.

Ngoài ra, sổ hộ khẩu cũng là căn cứ để xác định các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất tại thời điểm cấp sổ đỏ.

Với thông tin bạn cung cấp, có thể phát sinh một số trường hợp sau đây:

Các trường hợp

Quyền định đoạt khi mua bán, thế chấp quyền sử dụng đất

Căn cứ pháp lý

Đất cấp cho hộ gia đình sử dụng đất, đặc điểm như sau:

  • Đất cấp cho hộ gia đình nên tại trang 1 của sổ sẽ ghi cấp cho hộ ông hoặc hộ bà;

  • Các thành viên được công nhận quyền là các thành viên có tên trên sổ hộ khẩu tại thời điểm cấp sổ đỏ;

  • Các thành viên này cùng được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất;

Toàn bộ những người có tên trên sổ hộ khẩu tại thời điểm cấp sổ đỏ là những người có quyền định đoạt mua bán, chuyển nhượng, thế chấp,...đối với nhà đất

Điều 212, Điều 218 Bộ luật Dân sự 2015

Đất không cấp cho hộ gia đình

Lúc này, người có quyền định đoạt mua bán, tặng cho, thế chấp… tài sản nhà đất là người có tên trên sổ đỏ (người được ghi tên tại trang 1 của sổ đỏ hoặc ghi tại trang 4 phần IV của sổ đỏ)

Điều 188 Luật Đất đai 2013

Như vậy, những thành viên cùng chung sổ hộ khẩu cùng có quyền mua bán, thế chấp… quyền sử dụng đất nếu thỏa mãn 2 điều kiện:

  • Sổ đỏ được cấp cho hộ gia đình;

  • Tại thời điểm cấp sổ đỏ, những thành viên này cùng có tên trên sổ hộ khẩu, cùng được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất;

Ngược lại, nếu không thỏa mãn 2 điều kiện trên thì người được quyền định đoạt chuyển nhượng, thế chấp … quyền sử dụng đất là người được ghi nhận tại trang 1 của sổ đỏ hoặc trang 4, phần IV của sổ đỏ (nếu đã có đăng ký biến động).

Trên đây là giải đáp về sổ đỏ và sổ hộ khẩu, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X