Hành khách đi máy bay phải mang theo các giấy tờ như quy định để được lên máy bay, đảm bảo hành trình. Vậy sổ hộ khẩu dùng để đi máy bay có được chấp nhận không?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi cho HieuLuat. Vướng mắc của bạn, chúng tôi xin giải đáp như dưới đây. Đầu tiên cùng tìm hiểu, những loại giấy tờ nào được dùng để đi máy bay.
Đi máy bay cần những giấy tờ gì?
Tại Phụ lục 14 Thông tư 13/2019/TT-BGTVT có quy định về các loại giấy tờ nhân thân mang theo khi đi máy bay.
Theo đó, hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay quốc tế phải xuất trình:
- Hộ chiếu
- Hoặc giấy thông hành
- Hoặc giấy tờ khác có giá trị xuất, nhập cảnh như thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ Căn cước công dân.
Nếu trẻ em không có hộ chiếu riêng thì họ tên, ngày, tháng, năm sinh và ảnh của trẻ được ghi và dán vào hộ chiếu của người đại diện theo pháp luật, gồm: cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người giám hộ.
Cụ thể các loại giấy tờ khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình đối với từng đối tượng hành khách như sau:
*Hành khách từ đủ 14 tuổi trở lên
Đối với hành khách mang quốc tịch nước ngoài:
- Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy thông hành, thị thực rời;
- Chứng minh thư do cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự cấp cho thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự...
- Thẻ thường trú, thẻ tạm trú;
- Giấy phép lái xe ô tô, mô tô...
Nếu hành khách mất hộ chiếu phải có công hàm của cơ quan ngoại giao, lãnh sự của quốc gia hành khách mang quốc tịch hoặc công văn của sở ngoại vụ xác nhận nhân thân. Công hàm, công văn xác nhận có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
* Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam
- Hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân;
- Giấy chứng minh, chứng nhận của công an nhân dân, quân đội nhân dân;
- Thẻ Đại biểu Quốc hội;
- Thẻ Đảng viên; thẻ Nhà báo;
- Giấy phép lái xe ô tô, mô tô;
- Giấy xác nhận nhân thân do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận, có các thông tin về cơ quan xác nhận, người xác nhận; ngày, tháng, năm xác nhận; họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, quê quán, nơi thường trú của người được xác nhận và lý do xác nhận.
* Hành khách chưa đủ 14 tuổi không có hộ chiếu riêng hoặc kèm hộ chiếu của cha mẹ khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:
- Giấy khai sinh trẻ dưới 01 tháng tuổi nếu chưa có giấy khai sinh thì phải có giấy chứng sinh.
- Giấy xác nhận của tổ chức xã hội đối với trẻ em do tổ chức xã hội đang nuôi dưỡng (có giá trị sử dụng 06 tháng kể từ ngày xác nhận).
* Hành khách là phạm nhân, bị can, người đang bị di lý, dẫn độ, trục xuất khi làm thủ tục đi tàu bay chỉ cần có giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền chứng minh việc áp giải; hành khách là người áp giải xuất trình các loại giấy tờ theo quy định.
Sổ hộ khẩu đi máy bay được không?
Nội dung trên chúng ta có thể biết được các loại giấy tờ phải xuất trình khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa.
Như vậy, có thể thấy, sổ hộ khẩu không thể dùng để đi máy bay được.
Ngoài ra cũng theo Phụ lục 14 Thông tư 13/2019 của Bộ Giao thông vận tải thì các loại giấy tờ của hành khách sử dụng khi đi tàu bay phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Là bản chính và còn giá trị sử dụng;
- Đối với giấy khai sinh, giấy chứng sinh phải là bản chính hoặc bản sao có chứng thực theo quy định của pháp luật;
- Các loại giấy tờ không có ảnh hoặc ảnh không theo quy định của pháp luật sẽ không được chấp nhận trừ giấy khai sinh, giấy chứng sinh, giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền chứng minh việc áp giải.
Bên cạnh đó, hành khách khi làm thủ tục đi tàu bay phải xuất trình vé, thẻ lên tàu bay của hãng hàng không phát hành. Thẻ này tối thiểu phải có các thông tin:
- Số vé
- Họ và tên hành khách
- Số hiệu chuyến bay
- Đường bay
- Mã (code) của từng hành khách.
Trên đây là giải đáp về vấn đề sổ hộ khẩu đi máy bay được không, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.