hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 03/11/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Sống thử là gì? Những rủi ro pháp luật với người sống thử?

Sống thử là một hiện tượng xã hội khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sống thử là gì và những rủi ro khi sống thử.

Câu hỏi: Em năm nay 20 tuổi, bạn trai em 25 tuổi. Chúng em có dự định làm đám cưới hồi đầu năm nhưng do dịch nên hoãn. Nay chúng em chuyển về sống cùng nhau, chưa đăng ký kết hôn. Hiện em đang có bầu 03 tháng. Chúng em chung tiền mua được miếng đất nhỏ ở quê anh ấy. Do đi lại xa nên em để anh ấy đứng tên một mình. Đợt này, 2 đứa hay cãi nhau nên em chán nản, muốn chia tay. Xin cho em hỏi như chúng em có phải sống thử không? Pháp luật có quy định nào để bảo vệ quan hệ này không? Em có rủi ro gì khi chia tay không?

Sống thử là gì?

Sống thử không phải là một khái niệm pháp lý. Không có một văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm về sống thử. Tuy nhiên, sống thử có nhiều nét tương đồng với việc sống chung như vợ, chồng.

Đây là một hiện tượng xã hội, dùng để chỉ hai người nam, nữ có quan hệ tình cảm với nhau và sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.

Sống thử hay không là quyết định của mỗi cá nhân và hoàn toàn không vi phạm pháp luật; trừ các trường hợp sau đây:

- Một trong hai đối tượng sống thử là người chưa đủ 16 tuổi. Lúc này, người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ vi phạm Điều 115 Bộ luật Hình sự về Tội giao cấu với trẻ em.

- Ép buộc người khác chung sống;

- Người sống thử là người đang có vợ, có chồng hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng nhưng sống thử với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ (có thể bị xử lý hình sự theo Điều 182 Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng).

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và các văn bản có hướng dẫn liên quan thì việc nam nữ chưa đăng kí kết hôn mà sống chung với nhau như vợ chồng cũng không được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng. Cụ thể, Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định việc giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:

1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.

Vì thế, có nhiều rủi ro do việc sống thử gây ra.

song thu la gi
Sống thử là gì? Sống thử có rủi ro gì? (Ảnh minh họa)

Những rủi ro pháp lý với người sống thử?

Phức tạp nếu muốn khai sinh cho con có tên cha

Khi đi đăng ký khai sinh cho con, cần xuất trình đăng ký kết hôn hoặc giấy tờ nhận cha, mẹ con.

Theo Điều 15 Nghị định 123/2015:

2. Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.

3. Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 của Luật Hộ tịch thì Ủy ban nhân dân kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh; nội dung đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.

Như vậy, trường hợp cha, mẹ chưa đăng ký kết hôn mà muốn có tên cha trên khai sinh của con sẽ phải thực hiện thêm thủ tục nhận cha, con.

Rủi ro khi phân chia tài sản

Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định việc giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau:

1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Như vậy, tài sản sẽ được chia như sau:

- Tài sản đứng tên ai thì thuộc về người đó.

- Tài sản chung được chia theo thỏa thuận của các bên. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung cũng được coi như lao động có thu nhập.

Trường hợp của bạn nếu mảnh đất chỉ đứng tên bạn trai bạn thì khi chia bạn sẽ không có bất cứ quyền lợi nào.

Không được pháp luật hôn nhân và gia đình bảo vệ

Nam, nữ sống thử do không đăng ký kết hôn nên không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Vì thế, nếu có người thứ ba xuất hiện thì người còn lại không được pháp luật bảo vệ, đồng thời người ngoại tình cũng không phải chịu trách nhiệm pháp lý nào.

Trên đây là khái niệm sống thử là gì và các rủi ro liên quan đến sống thử. Nếu còn có thêm vướng mắc, bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X