hieuluat
Chia sẻ email

Sử dụng điện thoại khi đang lái xe, phạt bao nhiêu?

Sử dụng điện thoại khi đang lái xe máy, xe ô tô bị phạt bao nhiêu? Có bị tạm giữ phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không? HieuLuat sẽ giải đáp cho bạn đọc chi tiết trong bài viết dưới đây.

 

Sử dụng điện thoại khi đang lái xe ô tô bị phạt bao nhiêu?

Câu hỏi: Chào Luật sư, mức phạt áp dụng đối với hành vi sử dụng điện thoại khi đang lái xe ô tô là bao nhiêu?

Có bị tước bằng lái xe, tạm giữ phương tiện trong trường hợp này không?

Chào bạn, sử dụng điện thoại khi đang lái xe là hành vi vi phạm pháp luật về giao thông.

Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người lái xe ô tô sử dụng điện thoại khi đang lái xe bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe đến 3 tháng.

Cụ thể, khoản 4 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm d khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt đối với lái xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại khi đang lái xe như sau:

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường;

Theo đó, người nào dùng tay sử dụng điện thoại trong khi đang lái xe mới là đối tượng bị xử phạt.

Nếu sử dụng tai nghe không dây hoặc không dùng tay sử dụng/nghe điện thoại khi đang lái xe thì không thuộc trường hợp bị xử phạt.

Trong trường hợp không có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hành chính, mức phạt đối với hành vi này là 2,5 triệu đồng.

Ngoài ra, căn cứ khoản 11 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người bị xử phạt còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng:

11. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm đ khoản 2; điểm h, điểm i khoản 3; khoản 4; điểm a, điểm b, điểm d, điểm đ, điểm g, điểm i khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

Biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính là tạm giữ phương tiện của người bị lập biên bản không được áp dụng trong trường hợp này.

Như vậy, hành vi dùng tay sử dụng điện thoại khi đang lái xe ô tô là hành vi vi phạm pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính.

Mức phạt áp dụng trong trường hợp này là từ 2 đến 3 triệu, nếu không có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hành chính thì mức phạt này là 2,5 triệu.

Tiền phạt trong trường hợp này tăng từ ngày 1/1/2022.

Người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn từ 1 - 3 tháng và không bị tạm giữ phương tiện.

Vì vậy, khi lái xe ô tô, bạn cần lưu ý không dùng tay để sử dụng điện thoại, nếu có sử dụng thì nên chuyển sang chế độ kết nối tai nghe không dây hoặc loa ngoài kết nối không dây trong ô tô để tránh bị xử phạt.

Sử dụng điện thoại khi đang lái xe ô tô xe máy bị tước bằng lái tối đa 3 thángSử dụng điện thoại khi đang lái xe ô tô xe máy bị tước bằng lái tối đa 3 tháng


Mức phạt sử dụng điện thoại khi đang lái xe máy là bao nhiêu?

Câu hỏi: Xin Luật sư cho biết mức phạt tối đa mà người lái xe gắn máy phải chịu nếu sử dụng điện thoại khi đang lái xe là bao nhiêu?

Người lái xe có bị tạm giữ phương tiện không Luật sư?

Chào bạn, tương tự như trường hợp dùng tay sử dụng điện thoại khi đang lái xe ô tô, người điều khiển phương tiện xe gắn máy dùng điện thoại khi đang điều khiển xe cũng là hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính.

Hình phạt chính được áp dụng đối với trường hợp này là phạt tiền với mức từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng và phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước bằng lái có thời hạn.

Cụ thể điểm h khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, điểm g khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, mức phạt áp dụng đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô/tương tự xe gắn máy sử dụng điện thoại như sau:

4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

h) Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

Theo đó, việc sử dụng điện thoại dưới bất kỳ hình thức nào của người lái xe gắn máy (bao gồm cả xe máy điện), xe mô tô đều bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tối đa là 1 triệu đồng.

Tương tự, nếu không có các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm, người vi phạm phải chịu mức phạt là 900.000 đồng.

Ngoài ra, người điều khiển phương tiện bị xử phạt về hành vi này còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng theo khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP:

10. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b, điểm e, điểm i khoản 3; điểm e, điểm g, điểm h khoản 4; khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

Người vi phạm không bị áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giữ phương tiện (khoản 32 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Lưu ý: Người sử dụng xe đạp, xe đạp máy (bao gồm cả xe đạp điện) sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển phương tiện cũng là hành vi vi phạm giao thông và bị áp dụng mức phạt là từ 80.000 đồng - 100.000 đồng (điểm h khoản 1 Điều 8 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Như vậy, hành vi sử dụng điện thoại khi đang lái xe gắn máy/xe mô tô hoặc các loại xe tương tự 2 loại xe này phải chịu mức phạt tiền tối đa là 1 triệu đồng, tối thiểu là 800.000 đồng.

Người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn từ 1 -3 tháng theo quy định.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về sử dụng điện thoại khi đang lái xe, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X