Việc sử dụng pháp luật được thực hiện hàng ngày, thế nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về khái niệm này. Vậy, sử dụng pháp luật là gì? Có gì khác với áp dụng pháp luật?
Pháp luật là gì?
Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí của giai cấp thống trị và là yếu tô điều chỉnh các quan hệ xã hội phát triển phù hợp với lợi ích giai cấp của mình.
Từ khái niệm trên, có thể thấy pháp luật thể hiện 04 nội dung cơ bản sau:
- Là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung, tính quy phạm phổ biến của pháp luật được thể hiện ở chỗ:
+ Là khuôn mẫu chung cho nhiều người.
+ Được áp dụng nhiều lần trong không gian và thời gian rộng lớn.
- Do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận.
- Đảm bảo thực hiện bằng quyền lực Nhà nước.
- Thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, là yếu tố điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Pháp luật được ban hành và thừa nhận bởi Nhà nước, do đó bản chất của pháp luật cũng thể hiện ở tính giai cấp. Tính giai cấp của pháp luật phản ánh ý chí nhà nước của giai cấp thống trị trong xã hội, nội dung ý chí đó được quy định bởi điều kiện sinh hoạt vật chất của giai cấp thống trị. Ý chí của giai cấp này được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
Trong thực hiện pháp luật gồm có: Thi hành pháp luật, tuân thủ pháp luật, áp dụng pháp luât, sử dụng pháp luật.
Sử dụng pháp luật là gì? Có gì khác với áp dụng pháp luật? (Ảnh minh họa)
Sử dụng pháp luật là gì? Ví dụ về sử dụng pháp luật
Sử dụng pháp luật là việc các chủ thể thực hiện pháp luật sử dụng các quyền mà pháp luật cho phép. Đây là hình thức thực hiện pháp luật chủ động và tích cực bằng các hành vi cụ thể của các chủ thể quan hệ pháp luật.
Do hình thức thực hiện pháp luật này là việc sử dụng các quyền năng pháp lý được pháp luật trao quyền, nên các chủ thể quan hệ pháp luật có quyền thực hiện hoặc không thực hiện các quyền của mình, pháp luật không bắt buộc các chủ thể phải thực hiện như hình thức tuân thủ pháp luật và chấp hành pháp luật.
Nói một cách dễ hiểu, với hình thức sử dụng pháp luật, các chủ thể trong quan hệ pháp luật có thể thực hiện hoặc không thực hiện các quyền các quyền chủ thể của mình được pháp luật quy định.
Để hiểu rõ hơn về sử dụng pháp luật có thể theo dõi ví dụ sau đây:
Khi anh H và chị K xảy ra tranh chấp hợp đồng mua bán xe giao kết bằng miệng. Nếu một trong hai bên cảm thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm thì có quyền khởi kiện lên Tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, việc khởi kiện này là quyền của các bên chứ không mang tính bắt buộc, họ có thể khởi kiện hoặc không khởi kiện. Khi thực hiện khởi kiện tại Tòa án tức là họ đang sử dụng pháp luật.
Phân biệt sử dụng pháp luật và áp dụng pháp luật
Tiêu chí | Sử dụng pháp luật | Áp dụng pháp luật |
Bản chất | Các chủ thể lựa chọn xử sự những điều pháp luật cho phép. Đó có thể là hành vi hành động hoặc hành vi không hành động tùy quy định pháp luật cho phép. | Vừa là hoạt động thực hiện pháp luật của các cơ quan nhà nước, vừa là hoạt động mà các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tổ chức cho các chủ thể pháp luật khác thực hiện các quy định pháp luật. Mang tính quyền lực Nhà nước, được thể hiện dưới hình thức hành vi hành động và hành vi không hành động |
Chủ thể thực hiện | Mọi chủ thể | Cơ quan/ người có thẩm quyền |
Trường hợp phát sinh | Được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật | - Khi xảy ra tranh chấp về quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên tham gia vào quan hệ pháp luật mà các bên đó không tự giải quyết được. Ví dụ: tranh chấp về quyền thừa kế, tranh chấp về hợp đồng,… - Khi cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà đối với những chủ thể có hành vi vi phạm. - Trong một số quan hệ pháp luật mà nhà nước thấy cần thiết phải tham gia để kiểm tra, giám sát hoạt động của các bên tham gia quan hệ đó hoặc nhà nước xác nhận tồn tại hay không tồn tại một số vụ việc, sự kiện thực tế. - Khi những quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể không mặc nhiên phát sinh hoặc chấm dứt nếu không có sự can thiệp của nhà nước. |
Hình thức thể hiện | Các quy phạm pháp luật thể hiện quyền và tự do pháp lý của chủ thể | Văn bản áp dụng pháp luật |
Tính bắt buộc | Không bắt buộc Các chủ thể có thể lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện tùy vào ý chí, khả năng của mình mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý từ việc lựa chọn đó. | Bắt buộc thực hiện Do chủ thể trong hình thức thực hiện pháp luật này là cơ quan/ người có thẩm quyền nên việc thực hiện vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ. Trong trường hợp không áp dụng pháp luật hoặc áp dụng không đúng đắn, các chủ thể phải chịu trách nhiệm pháp lý do vi phạm nghĩa vụ. |
Nếu có thêm vướng mắc, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline 19006192 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.