hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 06/01/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Sự kiện bất ngờ là gì? Khác gì với tình thế cấp thiết

Trong một số trường hợp, mặc dù xuất hiện hành vi vi phạm hành chính nhưng pháp luật Việt Nam quy định không áp dụng biện pháp xử phạt vì đó là những sự kiện bất ngờ, nằm ngoài khả năng, mong muốn của chủ thể vi phạm.

Câu hỏi: Tôi là Nguyễn Văn H. Hôm trước tôi có điều khiển xe lưu thông trên đường bộ đúng theo quy định của pháp luật về an toàn giao thông. Tuy nhiên, bất ngờ phía trước có 01 chiếc xe ô tô chạy lấn sang làn đường xe máy khiến tôi bị đảo tay lái và vô tình đè lên vạch xương cá tại ở nút giao trên đường. Cảnh sát giao thông ngay tại đó đã ra hiệu tôi dừng lại và lập biên bản. Cho tôi hỏi trường hợp này có được tính là sự kiện bất ngờ không? Và tôi có bị xử phạt vi phạm hành chính không?

Sự kiện bất ngờ là gì? Đặc điểm của sự kiện bất ngờ

Theo quy định tại Khoản 13 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, sự kiện bất ngờ được định nghĩa là các sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hậu quả hoặc không bắt buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi do mình gây ra nguy hại cho xã hội như thế nào. 

Từ định nghĩa trên, sự kiện bất ngờ có 02 đặc điểm sau đây:

(1) Là sự kiện mà cá nhân, tổ chức đã thực hiện hành vi vi phạm

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 2, Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm. 

Hành vi vi phạm hành chính là căn cứ để xác định xem cá nhân, tổ chức vi phạm có bị xử phạt hành chính về hành vi đó hay không.

Do vậy, khi xác định hành vi vi phạm do sự kiện bất ngờ, trước tiên thì cá nhân, tổ chức đã phải thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên việc thực hiện hành vi khi này chưa đủ để xác định rằng hành vi vi phạm có phải chịu quyết định xử phạt hay không mà còn phụ thuộc vào đặc điểm (2);

(2) Là sự kiện mà cá nhân, tổ chức vi phạm không thể thấy trước hậu quả hoặc không bắt buộc phải thấy trước hậu quả gây nguy hại cho xã hội:

Hành vi được nhắc đến tại đây chỉ là hành vi gây hậu quả nguy hại, không phải là hành vi nguy hiểm.

Chủ thể thực hiện hành vi vi phạm không có nghĩa vụ phải thấy trước hậu quả thiệt hại từ hành vi của mình hoặc dù có nghĩa vụ nhưng không thể thấy trước được các hậu quả đó. 

Như vậy, đối với sự kiện bất ngờ, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm không thấy trước được hậu quả thiệt hại do hành vi của mình gây ra do không nhận thức hoặc không lường trước được hậu quả, đồng thời cũng không mong muốn hậu quả của hành vi đó sẽ xảy ra.

Sự kiện bất ngờ là gì?

Sự kiện bất ngờ là gì?

Có phải chịu trách nhiệm hành chính cho vi phạm khi xảy ra sự kiện bất ngờ không? 

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính do có sự kiện bất ngờ sẽ không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính. 

Dựa vào định nghĩa và đặc điểm của sự kiện bất ngờ, có thể thấy rằng sự kiện bất ngờ là 01 sự kiện mang tính khách quan, cá nhân, tổ chức vi phạm hoàn toàn không có lỗi khi thực hiện hành vi của mình. 

Do vậy, trường hợp này, họ không phải chịu chịu trách nhiệm hành chính đối với hành vi vi phạm của mình.

Dựa trên câu hỏi của anh H, trường hợp này hoàn toàn là sự kiện bất ngờ bởi anh H không thể lường trước được việc xe ô tô lao vào mình khiến anh giẫm lên vạch xương cá trên đường. 

Do đó, trường hợp này anh H sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Có bị xử phạt hành chính trong trường hợp có sự kiện bất ngờ không?

Có bị xử phạt hành chính trong trường hợp có sự kiện bất ngờ không?

Phân biệt sự kiện bất ngờ và tình thế cấp thiết

Theo quy định tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, chủ thể thực hiện hành vi vi phạm trong sự kiện bất ngờ hoặc tình thế cấp thiết đều là các trường hợp không bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên có sự khác nhau cơ bản như sau:

- Sự kiện bất ngờ: Đây là trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm do không thể thấy trước hậu quả hoặc không bắt buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi do mình gây ra nguy hại cho xã hội như thế nào. 

Cơ sở xác định sự kiện bất ngờ phải bao gồm: Hành vi vi phạm gây hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng không là tội phạm; Chủ thể thực hiện hành vi không thể thấy hoặc lường trước được hậu quả hoặc không bắt buộc phải nhìn thấy trước hậu quả.

- Tình thế cấp thiết: Đây là trường hợp chủ thể thực hiện hành vi rơi vào tình thế chứa đựng 01 nguy cơ thực tế như thiên tai, hỏa hoạn. 

Các nguy cơ này làm đe dọa đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Do đó, để tránh các nguy cơ đang đe dọa đến lợi ích của mình, các chủ thể buộc phải thực hiện hành vi gây 01 thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa, hy sinh 01 lợi ích nhỏ để bảo vệ 01 lợi ích lớn.

Cơ sở xác định tình thế cấp thiết phải bao gồm: 

- Có nguy cơ gây đe dọa thực tế gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; 

- Việc gây thiệt hại phải là biện pháp duy nhất để khắc phục thiệt hại bởi không còn lựa chọn nào khác; 

- Thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Trên đây là phân tích chi tiết về định nghĩa, đặc điểm và cơ sở xác định sự kiện bất ngờ trong trường hợp chủ thể thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Nếu bạn đọc còn thắc mắc vấn đề liên quan, vui lòng liên hệ cho chúng tôi qua số điện thoại  19006192 .
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X