Sửa chữa nhà là việc vẫn thường thấy trong đời sống hằng ngày. Không chỉ khi xây nhà mới cần xin giấy phép xây dựng, nhiều trường hợp sửa nhà cũng cần phải thực hiện điều này. Vậy sửa bếp có cần xin giấy phép không?
Sửa bếp có cần xin giấy phép không?
Chào bạn, quy định về cấp giấy phép xây dựng theo Điều 89 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bởi khoản 30 Điều 1 Luật Xây dựng 2020 như sau:
“1. Công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho chủ đầu tư theo quy định của Luật này, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Cụ thể, các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng tại khoản 2 gồm:
- Công trình bí mật nhà nước; công trình xây dựng khẩn cấp;
- Công trình thuộc dự án sử dụng vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ, người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân… các cấp quyết định đầu tư xây dựng;
- Công trình xây dựng tạm theo quy định
- Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định; nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.
Từ quy định trên có thể thấy, khi sửa bếp sẽ được miễn giấy phép khi:
- Công trình sửa chữa, cải tạo bên trong công trình hoặc công trình sửa chữa, cải tạo mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
- Nội dung sửa chữa, cải tạo không làm thay đổi công năng sử dụng, không ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình, đồng thời phải phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.
Do đó, nếu bạn sửa chữa nhà bếp mà không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của nhà thì được miễn giấy phép xây dựng theo quy định nêu trên.
Ngược lại, nếu bạn sửa chữa lại nhà bếp làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của căn nhà bắt buộc phải xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép sửa bếp gồm những gì?
Từ nội dung trên, có thể thấy nếu bạn sửa chữa lại nhà bếp làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của căn nhà thì bạn bắt buộc phải xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà.
Điều 47 Nghị định 15/2021/NĐ-CP quy định cụ thể hồ sơ trong trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình
- Đơn đề nghị cấp giấy phép sửa chữa, cải tạo công trình (Mẫu số 01 Phụ lục II Nghị định này)
- Một trong các giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu, quản lý, sử dụng công trình, nhà ở riêng lẻ
- Bản vẽ hiện trạng của các bộ phận công trình dự kiến sửa chữa, cải tạo đã được phê duyệt theo quy định, ảnh chụp (kích thước tối thiểu 10 x 15 cm) hiện trạng công trình và công trình lân cận trước khi sửa chữa, cải tạo.
- Hồ sơ thiết kế sửa chữa, cải tạo tương ứng với mỗi loại công trình
Ngoài ra, với các công trình di tích lịch sử - văn hóa và danh lam, thắng cảnh đã được xếp hạng, phải có văn bản chấp thuận về sự cần thiết xây dựng và quy mô công trình của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.
Sửa bếp không có giấy phép, bị xử phạt như thế nào?
Nếu thuộc trường hợp phải xin giấy phép sửa chữa, cải tạo nhà, bạn cần chuẩn bị hồ sơ gồm những giấy tờ nêu trên. Nếu không xin giấy phép, bạn sẽ bị xử phạt theo quy định.
Cụ thể, căn cứ theo điểm a khoản 7, điểm c khoản 15 và khoản 16 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
a) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ;
Bên cạnh đó, buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm nếu việc sửa chữa đã hoàn thành. Nếu đang thi công xây dựng thì ngoài việc bị phạt tiền theo quy định còn phải tuân theo trình tự, thủ tục theo quy định.
Như vậy, hành vi sửa chữa nhà bếp không có giấy phép sửa chữa, cải tạo mà theo quy định phải có giấy phép thì bị phạt tiền từ 60 – 80 triệu đồng, buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Mức phạt trên áp dụng với tổ chức, nếu cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (theo điểm c khoản 3 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP).
Trên đây là giải đáp về vấn đề sửa bếp có cần xin giấy phép không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.